Thay vì đi thang máy hãy leo cầu thang bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Leo cầu thang là một cách đơn giản giúp tăng cường vận động mỗi ngày. Bài tập leo cầu thang giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, hô hấp, sức mạnh cơ thể, tăng cường khả năng phối hợp.

Lợi ích của leo cầu thang

Đốt cháy mỡ thừa: Leo cầu thang là bài tập giúp giảm mỡ thừa hiệu quả. Việc leo cầu thang giúp các nhóm cơ hông, cơ bụng, cơ đùi… trở nên săn chắc hơn. Tỷ lệ mỡ thừa được đốt cháy phụ thuộc vào cường độ tập luyện nhanh hay chậm, thời gian dài hay ngắn của mỗi người.

Tăng mật độ xương: Việc leo cầu thang thường xuyên sẽ tác động đến cơ xương khớp, từ đó giúp tăng mật độ xương và phát triển hệ cơ xương. Do vậy, nên duy trì thói quen leo cầu thang mỗi ngày để tăng cường sức khỏe cơ xương.

Leo cầu thang giúp giảm stress, giảm căng thẳng đặc biệt là với những người ngồi trước máy tính quá lâu

Leo cầu thang giúp giảm stress, giảm căng thẳng đặc biệt là với những người ngồi trước máy tính quá lâu

Giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch: Leo cầu thang là một bài tập giúp tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách làm tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu và cung cấp oxy cho cơ tim, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim như đau tim và đột quỵ. Leo cầu thang cũng có thể giúp kiểm soát cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt.

Giảm cân: Leo cầu thang là một trong những bài tập tốt nhất để giảm cân. Khi chạy hoặc đi bộ, cơ thể chịu chuyển động ngang trái ngược với chuyển động thẳng đứng. Trong khi đó, leo cầu thang tốn nhiều công sức hơn là đi bộ trên một con đường thẳng. Điều này có nghĩa là leo cầu thang đốt cháy nhiều calo hơn, từ đó giảm cân hiệu quả.

Tốt cho huyết áp: Leo cầu thang là cách điều hòa huyết áp hiệu quả. Trên thực tế, kết quả một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, leo cầu thang ít nhất 50 bước mỗi ngày có thể duy trì huyết áp khỏe mạnh. Từ đó làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.

Tăng cường sức mạnh cơ bắp: Leo cầu thang tác động đến nhiều nhóm cơ khác nhau, bao gồm cơ tứ đầu, gân kheo, cơ mông và bắp chân, giúp các cơ này tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt. Leo cầu thang cũng giúp làm săn chắc cơ thể tổng thể, tăng sự cân bằng và ổn định. Do đó, đây là một trong những bài tập chân tốt nhất mà bạn nên thực hiện thường xuyên.

Cải thiện sức khỏe tinh thần: Tất cả các loại hoạt động thể chất đều có liên quan đến sức khỏe tinh thần và leo cầu thang là một trong những bài tập không ngoại lệ. Leo cầu thang giúp điều chỉnh giấc ngủ và giải phóng endorphin, loại hormone tạo cảm giác dễ chịu, có thể làm giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.

Giảm nguy cơ tử vong: Những người tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên như leo cầu thang có xu hướng sống lâu hơn và có ít nguy cơ mắc các bệnh mạn tính hơn. Vì vậy, nếu bạn muốn có một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh hơn, bạn nên thực hiện leo cầu thang mỗi ngày.

Leo cầu thang đúng cách

Để leo cầu thang hiệu quả, người tập có thể thực hiện theo cách dưới đây: Leo lên và xuống cầu thang trong 2 phút; Từ từ bắt nhịp và di chuyển nhanh hơn trong 5 phút tiếp theo; Nghỉ 1 phút rồi lại leo cầu thang với tốc độ nhanh trong 5 phút; Trong 2 phút cuối, hãy giảm tốc độ lại để đưa nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường.

Cần lưu ý khởi động trước khi leo cầu thang giúp tránh gặp chấn thương. Có thể thực hiện những động tác đơn giản như xoay cổ, khởi động chân, xoay đầu… Nên bắt đầu với tốc độ chậm, cường độ vừa phải, không nên bước nhiều bậc thang cùng lúc. Lưu ý, cần duy trì nhịp thở đều đặn. Nếu mệt, nên dừng lại và nghỉ để hồi sức.

Leo cầu thang sẽ khiến cơ thể mất nhiều nước, do đó nên bổ sung đủ nước trong lúc nghỉ ngơi. Nên lựa chọn trang phục, giày phù hợp để giúp vận động dễ dàng, thoải mái, đồng thời bảo vệ khỏi những chấn thương. Ngoài ra, những người mắc một số bệnh tim mạch không nên leo cầu thang vì sẽ gây nguy hiểm với sức khỏe.

Khi mới bắt đầu, nên đi lên và xuống các đoạn cầu thang ngắn, các bậc có độ cao đều nhau, không nên đi cầu thang có bậc sâu hoặc nông cùng một lúc. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp việc leo cầu thang vào cuộc sống hàng ngày như sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy hoặc thang cuốn nếu có thể hoặc đi bộ vài tầng cầu thang khi bạn đi làm hoặc về nhà. Khi mới tập, bạn có thể leo cầu thang thời gian ngắn, 5 phút, 10 phút rồi tăng dần, ít nhất 15 phút mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất với sức khỏe. Trong quá trình đó, bạn có thể nghỉ ngơi nếu cần thiết.

Tư thế khi leo cầu thang: Trong khi bước, thư giãn cổ và giữ thẳng lưng; giữ vai thư giãn; bước đúng kỹ thuật (luôn đặt toàn bộ bàn chân lên mỗi bậc thang, bước đi nhẹ nhàng, không cầm nắm thêm dụng cụ nào khác (như tạ tay) vì có thể làm tăng đáng kể nguy cơ chấn thương.