Người mê như điếu đổ, kẻ sợ chạy… “mất dép”
Sầu riêng là loại trái cây nổi tiếng, được xếp vào hàng “vua của các loại trái cây” ở khu vực Đông Nam Á. Nó có giá thành cao, đôi khi người tiêu dùng muốn thưởng thức một quả nho nhỏ cũng phải chi ra từ 200 - 300 nghìn đồng. Ở Việt Nam sầu riêng được trồng chủ yếu ở Nam bộ và Tây nguyên, nơi vốn có nền nhiệt độ cao rất phù hợp với tính chất của giống cây này. Vì được ưa chuộng và mang lại có giá trị kinh tế cao nên diện tích vùng trồng sầu riêng ngày một mở rộng, các giống chủ yếu như Ri6, Mongthong, chuồng bò, sầu riêng Mã Lai… được phủ khắp.
Sầu riêng khá nặng mùi. Người thích thì thấy thơm, quyến rũ đến mức bị “nghiện”. Ở chiều ngược lại, những người không ưa nó thì thấy thực sự đáng sợ, chỉ ngửi thôi đã choáng váng mặt mày chứ đừng nói là nếm thử. Vậy là thế giới ẩm thực chia thành hai phe, phe ủng hộ và phe quyết liệt chống đến cùng. Nhưng điều gì khiến thứ trái cây vẻ ngoài xấu xí, gai góc lại trở nên đặc biệt đến như vậy? Xét về mặt dinh dưỡng thì “vua của các loại trái cây” mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Sầu riêng chứa hàm lượng vitamin B, C và chất xơ khá cao, có giá trị tốt trong hỗ trợ đề kháng. Nó còn bổ sung năng lượng rất tốt cho cơ thể khi chỉ cần ăn một phần thôi đã hỗ trợ tăng calo và chất béo cho những người có thể trạng yếu. Chưa kể sầu riêng còn có chứa hàm lượng sắt, kali, giúp bổ sung máu, tốt cho xương và da nếu tiêu thụ một hàm lượng hợp lý.
Một điểm rất thú vị, tuy là trái cây nhưng sầu riêng lại đóng góp cho nền ẩm thực trở nên phong phú, đa dạng. Người ta không chỉ ăn phần cơm sầu riêng như ăn các loại trái cây thông thường, mà còn sáng tạo ra đủ loại món ăn từ mặn tới ngọt, từ nước giải khát tới kem, thậm chí cả hạt cũng đáng để thưởng thức.
Ngon và lạ
Phần cơm của quả sầu riêng có trong rất nhiều loại bánh thiên về ngọt, phổ biến và nổi tiếng nhất là bánh Pía. Đây là loại bánh ngọt hình tròn tựa như những chiếc bánh nướng Trung thu nhưng mang vị đặc trưng của sầu riêng. Bánh Pía độc đáo ở phần vỏ “ngàn lớp” mỏng dính được xếp chồng lên nhau, bao bọc lớp nhân gồm đậu xanh và cơm sầu riêng. Bánh Pía có độ ngọt vừa phải chứ không quá ngọt như bánh nướng, phần cơm sầu riêng cho một lượng vừa đủ và cũng đã được xử lý qua việc “sên” nhân chín, thành ra sự “nặng mùi” không còn quá lấn át. Chính vì thế, với những người không ăn được sầu riêng tươi thì có thể trải nghiệm bánh Pía vị sầu riêng.
Ngoài bánh Pía thì bánh Crepe sầu riêng với phần vỏ được làm từ bột mì, trứng, sữa, bơ… được chiên ở mức nhiệt vừa để sao cho vỏ có độ mềm ẩm, sau đó đem gói với nhân là cơm sầu riêng tươi và kem. Bánh Crepe ăn khi để lạnh có vị béo ngậy của kem, ngọt và thơm của sầu riêng nên thực khách cảm thấy rất… “cuốn”. Rồi cả bánh nướng vị sầu riêng, bánh kem sầu riêng, bánh phô mai sầu riêng… hay thậm chí là xôi sầu riêng.
Trong các món ngọt không thể không nhắc tới chè sầu - một loại chè mà nguyên liệu chính là nước cốt dừa và cơm sầu riêng, được trộn thêm hạt chân trâu, thạch, cùi dừa. Rồi có thêm cả chè bưởi sầu riêng, chè ngôn sầu riêng, trái cây dầm vị sầu riêng… Giải khát bằng vị sầu riêng có thêm cả kem. Kem làm từ sầu hoặc chỉ cần để múi sầu đông đá ăn cũng khá giống vị kem rồi.
Có một sáng tạo “bất hủ” nhưng lại thú vị không kém, đó là sữa từ hạt của quả sầu riêng. Lấy phần hạt rang lên, bỏ phần vỏ lụa rồi đem đi xay, nấu chung với một số loại hạt dinh dưỡng khác để tạo nên một món sữa hạt vừa bùi vừa ngon.
Về món mặn, sầu riêng tham gia vào khá nhiều thực đơn cực kỳ hấp dẫn. Thay vì ăn chơi, ăn như một món tráng miệng, thì sầu riêng vào hẳn bữa cơm. Nghe có vẻ lạ, nhưng đó là cách những người nông dân nhà vườn tận dụng quả sầu bị sượng (hoặc sầu riêng chưa chín nhưng bị rụng) để nấu món ăn. Quả sầu còn ương thường có phần cơm khá sượng, cứng, nhưng nhờ đó mà nó không quá nặng mùi. Món canh sườn non nấu sầu riêng chẳng hạn. Sườn non được hầm chung với cà rốt để lấy vị ngọt thanh, thêm phần sầu riêng vào hầm (tùy vào sở thích mà có thể chiên hoặc không chiên trước phần cơm sầu riêng). Canh có vị ngọt của sườn, mềm béo của sầu riêng và đặc biệt không hề có mùi như mọi người vẫn nghĩ. Những người sợ mùi sầu riêng hoàn toàn có thể ăn được món canh này. Ngoài ra có thể thay phần cơm sầu riêng bằng hạt của nó để có bát canh ngọt bùi như canh khoai.
Sầu riêng đem nấu cà ri gà hay gà lagu ăn kèm với bánh mì cũng là một gợi ý hay. Thường khi nấu hai món này, phần cơm sầu riêng nên được chiên trước (cơm sầu riêng dễ chín nên chiên trước để tạo sự ổn định của miếng sầu riêng). Sầu riêng nướng hay chiên (như chiên khoai tây) cũng hay được các nhà vườn tận dụng mỗi khi lười chế biến. Món này khá ngon và dễ thưởng thức. Chưa hết, nem sầu có lẽ là một sáng tạo mà ít người tưởng tượng ra, nhưng với người dân vùng trồng thì lại rất đỗi bình thường. Chọn lấy quả sầu già nhưng chưa chín, lấy phần cơm thái sợi nhỏ, trộn chung với hành lá và thịt băm, thêm tôm xay (hoặc để nguyên con) rồi trộn gia vị, tiêu, cuốn thành từng chiếc nem. Nem sầu riêng không cần thêm rau thơm, nấm hương, mộc nhĩ hay trứng bởi thành phần chính là tôm, thịt và cơm sầu đã đủ ngon rồi. Cứ thế mà chiên giòn lên là thưởng thức. Nem sầu có phần vỏ vàng giòn rụm và phần nhân béo mềm của cơm sầu, ngọt của thịt, tôm.
Khám phá và sáng tạo nên các món ăn ngon, khai thác hết những giá trị của sầu riêng trong từng món ăn luôn là “đề tài” hấp dẫn những người mê ăn uống và mê cả nấu nướng.
Khám phá và sáng tạo nên các món ăn ngon, khai thác hết những giá trị của sầu riêng trong từng món ăn luôn là “đề tài” hấp dẫn những người mê ăn uống và mê cả nấu nướng.