Sau vụ nổ gas, sập nhà, 2 cháu nhỏ chết:

Thận trọng khi thay mới bình gas

ANTĐ - Nếu gas rò rỉ chiếm đủ 2-10% khối tích nhà, gặp phải nguồn nhiệt sẽ lập tức phát nổ, sức công phá cực lớn. Các gia đình không nên để bình gas trong tủ bếp, không có khí đối lưu - đại diện cơ quan PCCC khuyến cáo sau vụ nổ khí gas làm sập nhà, chết 2 cháu nhỏ xảy ra sáng 3-11.

Tầng 2, 3 ngôi nhà sập do kết cấu yếu


Gas rò rỉ khi vừa thay 5 ngày

Liên quan đến vụ nổ gas, sập nhà làm chết 2 cháu nhỏ, xảy ra ở ngôi nhà 3 tầng, rộng 15m2 trong ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 4-11, PV ANTĐ đã liên hệ với doanh nghiệp cung cấp gas cho gia đình anh Trần Nhật Minh (SN 1968) và chị Nguyễn Thu Ngân (1974). Vị giám đốc doanh nghiệp kinh doanh gas thông tin: Bình gas của gia đình anh Minh mới đổi sáng thứ bảy, ngày 30-10 (5 ngày trước khi vụ nổ xảy ra).

Quá trình lắp đặt gas, nhân viên thao tác đúng quy trình, thử lại bằng xà phòng và được chị Ngân xác nhận vào phiếu giao hàng “đã thử bọt”. Đại diện hãng gas này cho biết thêm: Bình gas của nhà anh Minh sản xuất mới tháng 4-2010, đã được Sở LĐ-TB&XH Hà Nội kiểm định chất lượng, cấp giấy phép lưu hành. Theo quy định, 4 năm nữa, bình gas này mới phải kiểm định lại. Về nguồn gốc chiếc bếp gas gia đình nạn nhân sử dụng, đại diện doanh nghiệp khẳng định, không bán bếp gas cho khách hàng này.

Ngày 4-11, trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ, Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn về PCCC, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: Khả năng dây dẫn gas các hộ gia đình thủng, rò rỉ gas do chuột cắn khó xảy ra. Hiện tại, các hãng sản xuất dây dẫn gas đều trộn một loại hóa chất đặc biệt, giúp xua đuổi chuột bọ. Tổng hợp nguyên nhân các vụ nổ do rò rỉ khí gas xảy ra gần đây trên địa bàn Hà Nội, Chỉ huy Phòng Hướng dẫn về PCCC nhận xét: Rò rỉ gas thường xảy ra sau khi các hộ gia đình thay đổi bình. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiện nay tiết kiệm chi phí, thuê “xe ôm” vận chuyển gas đến cho khách, kiêm luôn nhân viên lắp đặt. Không được tập huấn nghiệp vụ, nên thao tác lắp van gas không chuẩn là điều dễ hiểu. Việc nhân viên thay gas tự giác kiểm tra, phòng trường hợp khí gas rò rỉ sau khi lắp bình cho khách rất hãn hữu, thường chỉ khi khách đề nghị.

Nhà sập do kết cấu yếu

Người dân ở tổ dân phố 51, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng - nơi gia đình gặp nạn sinh sống cho biết: Gia đình anh Minh ở ngôi nhà này đã hơn 10 năm nay. Nhà rộng chừng 15m2, khi mua chỉ có tầng một, trên là tum. Cách đây 4 năm, gia đình anh Minh xây thêm 2 tầng và một tum, nhưng chỉ xây tường 10cm, không đổ cột trụ. Nói về nguyên nhân cái chết thương tâm của 2 cháu nhỏ, Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh phân tích: Khí gas rò rỉ phát nổ do nhận thức, cách xử lý của người dân hạn chế. Gas rò rỉ chỉ chiếm đủ  2-10% khối tích ngôi nhà, gặp nguồn nhiệt dù nhỏ nhất như: bật, tắt các thiết bị điện, đặc biệt là gặp ngọn lửa trần sẽ lập tức phát nổ, sức công phá rất lớn. Gas rò rỉ ra ít hoặc nhiều hơn các thông số trên gặp nguồn nhiệt chỉ gây cháy. Vụ nổ xảy ra tại ngõ 22 Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cũng giống vụ nổ khí gas tại quán bia Hải Xồm (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình), cách đây 3 tháng. Khi đó, vợ chồng anh Minh dậy đi tập thể dục thì phát hiện có mùi gas. Chị Ngân xuống tầng 1 bật điện để kiểm tra thì lửa lập tức bùng lên, kèm theo một tiếng nổ lớn. Tổng thể cấu kiện nhà, nơi nào gắn kết yếu nhất thì nơi đó sẽ sập - đại diện cơ quan PCCC phân tích.

Thông tin mới nhất chúng tôi có được, 2 vợ chồng anh Trần Nhật Minh và Nguyễn Thị Thu Ngân đã qua cơn nguy kịch, đang tiếp tục được điều trị tại khoa Bỏng, bệnh viện Xanh Pôn. Từ lúc tỉnh dậy, vợ chồng anh liên tục hỏi tin các con, tuy nhiên do bác sĩ dặn không được báo tin con đã qua đời, vì dễ làm bệnh nhân sốc dẫn đến tử vong nên những người thân quen đến thăm vợ chồng anh Minh được yêu cầu không nhắc đến cái chết của cháu Ngọc Tâm và Duy Anh, tránh ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân.