Tham, sân, si- bi kịch của con người trong tiểu thuyết “Cõi nhân gian”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Cõi nhân gian" là bộ tiểu thuyết của Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành và ra mắt bạn đọc. Bộ sách gồm 8 tập chia làm 4 quyển với tổng số là 1.756 trang khổ lớn. Đây có lẽ là một bộ tiểu thuyết đương đại Việt Nam lập nhiều kỉ lục nhất: dài nhất, viết nhanh nhất (5 tháng viết 7 tập) và cũng kỉ lục viết nối 7 tập sau vào tập 1 lâu nhất (28 năm).

Truyện có một hệ thống nhân vật dày đặc, đủ mọi nghề nghiệp, tầng lớp, đẳng cấp, vị trí xã hội với những tính cách rõ nét, sống động như ngoài đời. Truyện đề cập đến nhiều vấn đề: sự khiếm khuyết của thể chế, quyền lực, tình, tiền, tội, tù; sự tha hóa của giới trí thức…

Đặc biệt, truyện đề cập đến bi kịch của những con người trong vòng xoáy tham, sân, si. Tuy nhiên, nhà văn đã cứu rỗi họ dưới ánh sáng của thiên lương, của đốn ngộ sám hối để tìm được về hạnh phúc, có được sự thanh thản trong tâm hồn.…

Vòng xoáy tình- tiền

"Cõi nhân gian" là một xã hội thu nhỏ, nhân vật nọ móc nối đan xen nhân vật kia, chằng chịt các mối quan hệ; chồng chéo các mối tình tay ba, tay tư thậm chí tay năm được sinh ra do dòng đời xô đẩy, do những dục vọng bản năng hoặc những toan tính, đổi chác, bán mua. Qua đó, người đọc không những thấy được tấn bi kịch của con người trong “cõi nhân gian” mà còn thấy được nhiều mảng miếng sáng, tối phản ánh rất rõ nét hiện thực xã hội Việt Nam ở “thời kì mở cửa”.

Tác giả "Cõi nhân gian" Nguyễn Phúc Lộc Thành và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều
Tác giả "Cõi nhân gian" Nguyễn Phúc Lộc Thành và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều

Tất cả các nhân vật đều ngụp lặn trong bể “tam độc”: tham sân si, trong những ham muốn của xác thân phàm tục: nghiện rượu, nghiện cờ bạc, nghiện tiền, nghiện tình dục…Nhân loại luôn khổ vì yêu. Người mình yêu thì không yêu mình, người yêu mình thì mình không yêu. Các mối quan hệ tay ba, tay bốn, tay năm đã chứng minh điều đó. Vì tình, tiền, họ đã mang mặt nạ trong vở kịch đời để lừa dối lẫn nhau rồi cay cú thù hận nhau.

Miêu tả nhiều về tình dục nhưng nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành không có mục đích chiêu trò câu khách mà nhằm cho người đọc thấy được những phức tạp của đời sống, bức tranh của xã hội muôn màu, nỗi khổ trong vòng xoáy tham sân si của cõi người.

Hướng thiện – con đường trở về hạnh phúc

Nguyễn Phúc Lộc Thành đã không để cho nhân vật chìm mãi vào trong cõi “tam độc” đó mà đã dành nhiều số trang cho giải pháp cứu rỗi, giúp họ nhận ra lỗi lầm, biết tự vấn, sám hối, ân hận để sống hướng thiện, tìm về với hạnh phúc, thanh thản trong tâm hồn. Xấu – tốt luôn luôn là một cặp phạm trù. Khi bản năng tham, sân, si trỗi dậy thì họ trở nên xấu, khi lí trí lên tiếng thì họ lại thành người tốt.

Dự kiến buổi ra mắt sách Cõi nhân gian của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành sẽ diễn ra vào ngày 26-2-2022 do NXB Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì

Dự kiến buổi ra mắt sách Cõi nhân gian của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành sẽ diễn ra vào ngày 26-2-2022 do NXB Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì

Để không lộ ý đồ xây dựng nhân vật hướng thiện, biến họ thành cái loa phát ngôn cho tác giả, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã chọn kiểu trần thuật dùng ngôi thứ nhất xưng “tôi” với điểm nhìn bên trong.

Với ngôi “tôi”, người đọc cảm thấy có độ tin cậy hơn vì họ có thể thâm nhập vào những ngõ ngách tâm hồn phức tạp của từng cá thể, đáp ứng được mong muốn giãi bày suy nghĩ qua lời kể chuyện, qua những dòng ý thức, độc thoại nội tâm. Nhưng để tránh nhược điểm của cách kể “một giọng”, thiếu cái nhìn toàn tri, nhà văn đã luân phiên điểm nhìn qua các các nhân vật khác, thông qua đối thoại, hành động để tiểu thuyết "Cõi nhân gian" trở thành một văn bản đa thanh, để những bí mật trong tâm hồn nhân vật được soi thấu, tỏ bày, thuyết phục người đọc.

Hầu hết các nhân vật trong "Cõi nhân gian" đều ngộ ra lẽ sống ở đời và hành động đúng. Đặc biệt nhà văn dành nhiều tâm sức để cứu rỗi nhân vật Hương – một trí thức tha hóa. Những chuyển biến nhận thức của anh ta rất biện chứng. Tác giả đã cho anh ta nhiều hoàn cảnh, nhiều không gian, thời gian để tự vấn, đốn ngộ và sám hối. Xen kẽ trong những trang văn là những dòng độc thoại nội tâm thể hiện sự tự nhận thức về cái giá phải trả do ham muốn nhục dục.


Nhân vật Hương tự nhận thấy tâm hồn mình giờ “đã bị đời vấy bẩn” và thiết tha muốn trở về bản thể. Tác giả nhiều lần cho anh ta đọc sách Phật, mơ thấy Phật, nghe Phật dạy bảo, nghĩ đến con đường hướng đến chính đạo nhằm rời xa thất tình lục dục của nhân gian.

Có thể nói, bộ tiểu thuyết "Cõi nhân gian" đã phản ánh chân thực xã hội Việt Nam trong “thời kì mở cửa”, khoảng một phần tư thế kỉ. Nó là một tác phẩm nặng kí của văn chương đương đại nước ta được viết trên cái nền hình sự đẫm chất thế sự. Tác giả nhìn thấy bi kịch của lòng tham, của ham muốn, bản năng nguyên thủy của cõi người để từ đó cảnh tỉnh các nhân vật của mình, cứu rỗi tâm hồn họ, đưa họ trở về với thiên lương, với hạnh phúc đích thực theo quan điểm của Phật giáo. Kết thúc tác phẩm, người đọc nhận thấy tuy cõi người còn có nhiều nỗi buồn nhưng cuộc đời này vẫn vô cùng đáng sống. Vì lẽ đó, tiểu thuyết "Cõi nhân gian" của Nguyễn Phúc Lộc Thành là thứ văn giàu tính nhân bản, trực tiếp hướng về con người chứ không phải là thứ văn tả cảnh đèm đẹp.