Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân

ANTĐ - Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Kết luận (số 21-KL/TW) Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Đánh giá chung, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tán thành cơ bản với Tờ trình, Báo cáo của Bộ Chính trị và kết luận: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, công tác PCTN, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. 

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế yếu kém trên là: Không ít cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, lãng phí. Vai trò của nhiều chi bộ, tổ chức cơ sở đảng còn mờ nhạt; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, kể cả cấp Trung ương, chưa nêu gương về đạo đức, lối sống, giảm sút sức chiến đấu và thiếu kiên quyết PCTN, lãng phí. Cơ chế chính sách về quản lý kinh tế xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập; một số quy định thiếu nhất quán, thiếu chặt chẽ, vẫn còn tình trạng xin - cho. Tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN chưa đủ mạnh, có mặt chưa hợp lý.

Nhằm sớm khắc phục hạn chế yếu kém, để tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác PCTN, lãng phí, Trung ương đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, gồm: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, lãng phí; Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN, lãng phí; Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí; Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác PCTN.