- Ông bà ở gần nhà em có hai cậu con trai rất tuyệt vời. Năm nay, cả hai cậu đều gần ba mươi. Cuối năm, cả hai cậu đều lấy vợ. Các cậu rất lễ phép, đi về đều chào hỏi, tươi cười. Đến tối, ăn cơm xong, ngồi xem tivi, hai cậu ngồi hai bên. Không ai bảo ai, cả hai đều xoa nắn vai cho mẹ vì cả ngày, mẹ đã chợ búa, nấu nướng, dọn dẹp vất vả, mệt nhọc. Một hôm, cậu cả đi làm về, cơ quan chia cho hai quả táo Mỹ rất ngon. Cậu dành biếu mẹ. Bà mẹ nói:
- Mẹ ăn một quả, phần bố một quả, hoặc chia đều cả nhà cùng ăn.
Hai cậu nói:
- Mẹ ăn đi. Cả đời mẹ chả đi đâu xa. Bố con đã đi nước ngoài mấy lần rồi, đã được ăn rồi. Chúng con còn trẻ, còn có nhiều dịp.
Nhưng bà mẹ nhất định chỉ nhận một quả. Cậu cả rụt rè, cười tủm, nói: “Thế thì quả này con để phần bạn gái”. Bà mẹ và cậu em cười vui vẻ. Cả hai cậu đã đưa bạn gái về nhà chơi”.
Cô bán hàng kể tiếp, miệng cười, mắt cười, tươi rói:
- Chẳng biết sau này về chung sống, họ có hạnh phúc không. Còn bây giờ, trông cả hai cô đều được lắm, trắng trẻo, xinh xắn. Đặc biệt, thời hiện đại, nhưng các cô ăn mặc tao nhã, lịch sự, nói năng nhẹ nhàng, tỏ ra là người có học.
Tôi bảo:
- Gia đình như thế, con cái như thế thì phải chọn người như thế, mới xứng đáng, em ạ.
Một vị khách đứng tuổi phụ họa:
- Các cụ ta có câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Cho nên phải môn đăng hộ đối là đúng. Sự môn đăng, hộ đối này không phải chỉ là của cải, địa vị, mà còn là đạo đức, là nhân cách.
Cô bán hàng lại nói tiếp:
- Bà ấy kể với em: Con cái ông bà từ bé đến lớn, chưa bao giờ bị ông bà mắng mỏ, roi vọt, mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo.
Dắt cháu ra về, tôi vừa đi, vừa nghĩ: “Muốn thế, bố mẹ, người lớn phải là tấm gương và giáo dục con cái theo phương pháp thuyết phục là đúng, là cần, là hiệu quả nhất”.