Tạm biệt Nishi

ANTĐ - Chiều 13-6, ngôi làng gốm cổ bên bờ sông Hồng lại đón anh về như bao lần. Nhưng lần này anh đến rồi ở lại, thân thể anh sẽ hòa vào với đất, với gió, với cát vàng óng ánh phù sa sông. Người dân Kim Lan - Gia Lâm - Hà Nội đã chờ đón anh từ sáng sớm…

Người dân làng gốm Kim Lan hào hứng xem bảo tàng của chính mình

Ngày đón anh về Kim Lan còn có nhiều tiếng khóc tiếc thương của dân làng. Nhiều nhà khoa học lau vội những giọt nước mắt. Hơn 12 năm sau lần đầu tiên đến Kim Lan, anh lại trở về nhưng tiếc rằng không phải để tiếp tục công việc mà để yên nghỉ sau một lát cắt nghiệt ngã, đột ngột của số phận. Anh là Tiến sĩ khảo cổ học Nishimura Masanari.

Hầu như mọi người ở Kim Lan đều biết Nishi (xin anh cho phép tôi vẫn được gọi anh thân mật như vậy). Từ lần thám sát khảo cổ học đầu tiên năm 2001, anh rồi sau đó là vợ anh (Noriko) và lần lượt hai đứa con (Shu “hào” và Shu “su”) còn trở lại đây nhiều lần. Năm 2011 - 2012, anh đưa Dự án Khảo cổ học cộng đồng về Kim Lan và đã xây dựng được “Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan” (3-2012). Nhân dân đã góp cho “Bảo tàng cấp xã” đầu tiên của quê mình nhiều hiện vật do chính họ sưu tầm được. Bảo tàng là niềm tự hào vô bờ bến của người dân Kim Lan và khuyến khích cả cộng đồng cư dân bảo tồn, phát triển văn hóa nghề truyền thống của mình. Người dân Kim Lan nhớ một “ông Nhật” với tiếng cười to sảng khoái đã ăn cơm đến no, uống rượu đến say cùng họ… Đi cùng bố mẹ về Kim Lan trong những đợt công tác, hai bé Shu cũng chơi đùa nghịch cát bên sông như bao đứa trẻ khác ở làng Kim Lan. 

Làm việc lâu với Nishi, nhiều lúc dân làng “quên mất” anh là người Nhật. Có khi vì khó phát âm tên anh, họ gọi anh đơn giản bằng cái tên “ông Nhật” hay là  ông “Ajinomoto”- một thương hiệu bột ngọt nổi tiếng của Nhật cho dễ nhớ. Chị Nguyễn Thị Oanh nhà ở gần chợ Kim Lan, người từng được Nishi “huy động” tham gia những đợt khai quật khảo cổ vẫn nhớ: “Anh ấy cười to lắm, ăn uống dễ tính, nói tiếng Việt rất giỏi, bảo chúng tôi làm cẩn thận từng ly từng tý...”. Ông Nguyễn Văn Khoan (90 tuổi), người có mặt từ rất sớm trong lễ tang của Nishi thì nhớ mãi hình ảnh anh đứng trước bà con dân làng, say mê nói về  bảo tàng khảo cổ cộng đồng lúc mới xây xong. Với ông, cái “anh Nhật” ấy, “từ lâu đã là người làng, nay được an nghỉ nơi đất làng cũng là điều ý nghĩa”. 

Dấu chân của Nishi còn in trên nhiều di chỉ khảo cổ học khác ở Việt Nam: Bắc Ninh, Cổ Loa, Huế, thành nhà Hồ, Đông Sơn... Nhưng Nishi không chỉ là một người hoạt động thực tiễn năng động, xông xáo trên nhiều địa bàn di chỉ, anh còn là người hướng dẫn, là giáo viên của nhiều thế hệ “đàn em” Việt Nam và Nhật Bản trong nghề. Anh đã xây nhiều “chiếc cầu” học vấn cho sinh viên và nghiên cứu sinh khảo cổ học Việt Nam tìm kiếm cơ hội học tập tại Nhật Bản. Trong “Chương trình bồi dưỡng kỹ năng khảo cổ học cho các nhà khảo cổ học trẻ tại di chỉ Đông Sơn 2007 - 2010” do Nishi tổ chức, nhiều cán bộ trẻ của Viện Khảo cổ học đã được chính anh dẫn dắt, hướng dẫn nhiệt tình.

Tạm biệt Nishi ảnh 2
Tiến sĩ Nishimura trao tặng thiết bị cho các nhà khảo cổ học trẻ Việt Nam trong
“Chương trình bồi dưỡng kỹ năng cho các nhà khảo cổ học trẻ tại Đông Sơn, Thanh Hóa”

Nishi là người sáng lập “Quỹ Bảo vệ Di sản Văn hóa dưới lòng đất Đông Nam Á”. Nhưng Nishi không chỉ là một nhà nghiên cứu và bảo tồn văn hóa, nhiều năm sát cánh cùng các đồng nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nhiều vất vả này, bản thân anh còn là một “đại sứ văn hóa”, mang văn hóa Nhật Bản đến với Việt Nam và văn hóa Việt Nam đến với Nhật Bản. Công trình “Khảo cổ và cổ đại học Việt Nam” của anh đã được nhận giải thưởng “Sách nghiên cứu xuất sắc” của Hội Sử học Đông Nam Á Nhật Bản.

Khảo cổ học Việt Nam đã ghi nhận đóng góp xuất sắc của Nishi. Tháng 11-1998, khi cùng làm việc với các đồng nghiệp khảo cổ học Việt Nam trên vùng đất Luy Lâu xưa (thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày nay), Nishi đã phát hiện được một mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ I - III sau Công nguyên. Đây là tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu trống đồng ở Việt Nam và đến nay vẫn là mảnh khuôn đúc trống đồng duy nhất được tìm thấy. PGS. TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam - đánh giá: “Phát hiện này của Tiến sĩ Nishimura Masanari có giá trị rất lớn. Trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam là một biểu tượng của thời kỳ dựng nước, biểu tượng cho tinh thần, văn hóa dân tộc của Việt Nam. Trước đây đã có lúc, có người cho rằng trống đồng ở Việt Nam có thể từ nơi khác truyền bá sang vì chưa tìm thấy công cụ sản xuất ra trống đồng, tức là tìm thấy khuôn đúc, hay lò đúc... Mảnh khuôn Nishimura phát hiện được có giá trị rất lớn để khẳng định rằng trống đồng của người Việt xưa đã được sản xuất tại chỗ”. 

Tai nạn bất ngờ trên đường đi công tác sáng 9-6-2013 ở Gia Lâm đã đột ngột cắt ngang hành trình nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu, bảo tồn lịch sử - văn hóa của Tiến sĩ Nishimura Masanari ở Việt Nam. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp của anh sững sờ, đau xót. PGS. TS Nguyễn Giang Hải khi được một phóng viên phỏng vấn trong tang lễ Nishi đã từ chối trả lời: “Hẹn bạn khi khác. Bây giờ tôi không thể nói được gì. Chỉ có thể nói cho bạn biết rằng anh ấy vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn bè, là đối tác, là cầu nối văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản...”. Nishi không chỉ là một nhà khảo cổ học Nhật Bản yêu quý Việt Nam và được nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam yêu quý. Anh là một người bạn với nhân dân Việt Nam theo nghĩa rộng hơn. Hơn thế, Nishi đã là “một người Việt gốc Nhật”. Có lẽ chúng ta chỉ “tạm biệt” anh vì vẫn còn có thể gặp lại Nishi thân thiết và quý mến ở những dấu ấn anh còn để lại trên nhiều lĩnh vực...

Tiến sĩ khảo cổ học Nishimura Masanari, quốc tịch Nhật Bản, sinh ngày 9-2-1965 tại Yamaguchi (Nhật Bản). Ông là nghiên cứu viên Đại học Kansai và Đại học Osaka; cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học Việt Nam; hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam; Ủy viên điều hành Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA). Ông được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển khoa học xã hội”.