“Tái xuất” giấy phép con

ANTĐ - Chỉ số Quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ đo lường chất lượng dịch vụ công lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, vừa công bố kết quả khảo sát chỉ số PAPI với các nội dung: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ.

Chỉ số PAPI năm 2012 cho thấy, số người dân được khảo sát cho rằng phải “lót tay” mới được chăm sóc dịch vụ y tế tăng từ 31% năm 2011 lên 42% năm 2012 và 21% lên 32% đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, kết quả khảo sát PAPI năm 2012 cho thấy, cứ 10 người thì có đến 8 người không biết đến kế hoạch sử dụng đất ở địa bàn xã, phường, thị trấn nơi họ sinh sống.

Cũng theo khảo sát, Hà Nội, Cao Bằng thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất về công khai, minh bạch. TP.HCM ở trong nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình khá, Sóc Trăng ở nhóm điểm thấp nhất. Chỉ số PAPI vận dụng khái niệm “công khai, minh bạch” và “quyền được biết” của người dân theo tinh thần của Pháp lệnh dân chủ cơ sở. Theo đó, các cấp chính quyền phải thực hiện một số chính sách công khai, minh bạch thông qua 3 quy định. Đó là công khai, minh bạch về thu chi ngân sách cấp phường, xã; công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá đền bù đất bị thu hồi. Hành chính công, dịch vụ công dưới góc nhìn của doanh nghiệp và người dân còn “soi xét” ở những ngóc ngách sâu và khuất nhất. Đó là tình trạng “tái xuất” các loại giấy phép “con, cháu, chắt”, thường gọi là giấy phép không tên.

Theo Bộ Tư pháp, chỉ riêng trong năm 2012, các bộ, ngành cấp Trung ương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 200 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, trong khi cấp địa phương đã ban hành 3.852 văn bản quy phạm pháp luật. Cũng trong năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền tới 564.524 văn bản. Qua kiểm tra đã phát hiện 10.039 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp. Câu hỏi được dư luận đặt ra là, trong số đó “ẩn giấu” bao nhiêu giấy phép con? Câu trả lời không hề dễ dàng. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định rằng giấy phép con đã “tái xuất” khá nhiều. Chúng đã chui vào các luật, nghị định, pháp lệnh, muốn bãi bỏ thì phải sửa luật. Hiện tại số giấy phép con tác động rất tiêu cực đến môi trường kinh doanh.

Thực sự lo ngại trước thực trạng “tái xuất” giấy phép con trong hầu hết các ngành, nhiều chuyên gia kinh tế và luật gia lên tiếng cảnh báo rằng, xu hướng “nở rộ” giấy phép con là rõ ràng bởi vì ngày càng có nhiều bộ, ngành, địa phương cài cắm điều kiện kinh doanh, sản xuất, đầu tư khi ban hành các văn bản pháp luật.