Tái sinh, đánh thức các nguồn tài nguyên văn hóa Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ còn 2 năm nữa, Hà Nội sẽ hoàn thành các cam kết với UNESCO khi gia nhập mạng lưới "Thành phố sáng tạo" trên thế giới. Kế hoạch hành động và cơ chế chính sách của Thủ đô để thúc đẩy hoàn thành các cam kết này, một lần nữa được đề cập tại hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô," diễn ra tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ngày 28/11.

Hội thảo do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của các chuyên gia uy tín, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đại diện các không gian sáng tạo văn hóa và một số trường đại học trên địa bàn Thủ đô.

Tháng 10/2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu với danh hiệu "Thành phố thiết kế sáng tạo".

Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - thành phố sáng tạo.

Phố bích họa Phùng Hưng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của Thủ đô

Phố bích họa Phùng Hưng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của Thủ đô

Bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội.

"Chặng đường phía trước đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của thành phố, từ các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của mỗi người dân Thủ đô. Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của tất các các bên liên quan để hiện thực hóa tầm nhìn, vì các mục tiêu phát triển bền vững", bà Mỹ Hoa nói.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề cập đến nguồn lực văn hóa, việc khai thác nguồn lực cho thiết kế sáng tạo, những giải pháp để thúc đẩy phát triển Thành phố sáng tạo, hiện thực hóa các sáng kiến khi Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và những cơ chế chính sách của Hà Nội để kế hoạch hành động đạt hiệu quả cao.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, người đã đồng hành ngay từ những ngày đầu tiên cùng thành phố xây dựng hồ sơ ứng cử "Hà Nội tham gia vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO" cho rằng, các chính sách của thành phố Hà Nội thời gian qua đã bước đầu tạo khung thể chế có khả năng phát huy được 8 trụ cột tài nguyên văn hóa như: Di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng...

"Mặc dù chưa tạo ra cơ chế để chuyển hóa nhưng các tổ chức công-tư, các đơn vị nghiên cứu đã tạo động lực để Hà Nội đang chuyển mình ở lĩnh vực thiết kế đã góp phần không nhỏ vào việc tái sinh, đánh thức các nguồn tài nguyên văn hóa tạo nên sự phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa", PGS.TS Quách Thu Phương đánh giá.

Cũng theo bà Phương, Hà Nội cần tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn, hình thành môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, triển khai quyết liệt 6 sáng kiến hành động của Hà Nội đã cam kết với Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Từ hoạt động thực tiễn của một người làm sự kiện và truyền thông, ông Lê Quốc Vinh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê cho biết, bản thân ông cũng nhiều lần đề xuất với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các công trình phục vụ văn hoá, công nghiệp văn hoá, nhưng quả thực lĩnh vực này chưa thể hấp dẫn bằng các dự án xây dựng chung cư cao cấp, toà nhà thương mại, khu đô thị.

Đầu tư vào lĩnh vực văn hoá đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài, vốn lớn và lợi nhuận thấp (so với các dự án khác). Hà Nội lại không có một quy hoạch cụ thể và hấp dẫn trong lĩnh vực văn hoá, tạo cơ sở cho khối tự nhân nghiên cứu, phát triển dự án. Vì vậy, các hoạt động đầu tư cho các dự án công trình văn hoá và sản phẩm sáng tạo văn hoá thường nhỏ bé, không có tầm nhìn dài hạn và mạnh mún.

Vì vậy, theo ông Lê Quốc Vinh, để xây dựng danh hiệu "Thành phố sáng tạo", Hà Nội cần có trung tâm sáng tạo quy mô lớn, ở đó có không gian giải trí, có các tiện ích, có nền tảng công nghệ để mọi người có thể hợp tác, chia sẻ sáng tạo, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác đầu tư.

Không gian sáng tạo của Toong. Ảnh: toongcoworking

Không gian sáng tạo của Toong. Ảnh: toongcoworking

Để làm được điều này, thành phố cần thúc đẩy hợp tác công tư, thu hút các đơn vị tư nhân đầu tư vào công trình phục vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa. Hà Nội cũng cần có quy hoạch minh bạch, chi tiết các loại hình văn hóa muốn phát triển, định hướng tương lai cho nó để nhà đầu tư nắm được thông tin, quyết định cho việc đầu tư.

PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định, Hà Nội sở hữu nhiều lợi thế để xây dựng danh hiệu "Thành phố sáng tạo" trong lĩnh vực thiết kế. Hà Nội là nơi kết tinh và lan tỏa, tập trung nhân lực và vật lực của cả nước. Nhờ đó, Thủ đô có hệ thống các cơ sở văn hóa đa dạng.

"Muốn thúc đẩy danh hiệu "Thành phố sáng tạo" cho Hà Nội, Thủ đô cần có 1 cơ chế, để biến nó thành động lực. Trong đó, hình thức hợp tác công tư trong văn hóa cần được chú trọng. Các hoạt động sáng tạo văn hóa cần dựa vào các công ty tư nhân, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ".

2 năm tới là khoảng thời gian không dài để Hà Nội hoàn thành các cam kết với UNESCO. Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa và di sản tại hội thảo sẽ giúp thành phố cụ thể hóa các mục tiêu, thực hiện hóa tầm nhìn phát triển bền vững.

Hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021 do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tổ chức, diễn ra từ ngày 27/11 đến 3/12