Sự “vô ý” trong âm nhạc

ANTĐ - Im lặng khó hiểu rồi xuất hiện với một lời giải thích rườm rà…, dư luận chắc chắn chưa thể hài lòng với cách hành xử của ca sỹ Hồng Phước sau nghi án “đạo thơ” gây ồn ào dư luận tuần qua, nhất là khi quyền tác giả và những vụ vi phạm bản quyền vẫn là vấn đề phức tạp trong làng giải trí Việt. 

Dù kiên quyết nhưng tác giả Việt Hà cũng đã chấp nhận lời xin lỗi của Hồng Phước

Xin lỗi, nhưng không thừa nhận 

Giống nhau đến 70-80% từ tiêu đề cho đến nội dung, không khó để một khán giả nhận ra sự trùng khớp giữa lời bài hát “Khi chúng ta già” của Hồng Phước và Hương Giang khi đối chiếu với lời thơ của tác giả Nguyễn Thị Việt Hà. Tất cả chỉ thực sự gây chú ý sau khi tác giả Việt Hà kiên quyết đưa vụ việc ra ánh sáng và buộc Hồng Phước phải làm rõ. Gần 1 tuần sau khi xảy ra nghi án “đạo thơ”, Hồng Phước mới xuất hiện trong một đoạn video clip để giải thích về sự việc này.

Mặc dù vậy, khác với sự chờ đợi của dư luận, nam ca sỹ Vietnam Idol không trực tiếp trả lời về cáo buộc liên quan đến nội dung ca khúc, mà chỉ loanh quanh về việc lý do anh giữ im lặng là không muốn lời qua tiếng lại trên mặt báo kèm theo đó là xin lỗi vì gây ra những scandal không đáng có cho tác giả. Tuy nhiên hành động tuyên bố gỡ bỏ bài hát xuống cũng chẳng khác nào gián tiếp khẳng định việc Hồng Phước có “tham khảo” thơ của tác giả Việt Hà. Và trong trường hợp Hồng Phước biết đến bài thơ qua sự chia sẻ trên mạng xã hội, mặc dù có thể không biết tác giả nhưng vẫn “vô tư” phổ nhạc cho nó, thì cũng không thể lấy lời giải thích - “do sự vô ý” biện minh cho hành động của mình. Bởi đây thể hiện sự thiếu trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp của tác giả đối với sản phẩm sáng tạo của người khác. 

Hồng Phước và Hương Giang trong “Khi chúng ta già”

Cũng đành cho qua?

Ở Việt Nam, việc “mượn” lời bài hát, giai điệu cho đến ý tưởng… vẫn hết sức phổ biến. Cách đây vài năm, cư dân mạng rất bức xúc khi K.P một ca sỹ có nhiều ca khúc được yêu thích, thản nhiên “Việt hóa” những bài hát của các nghệ sỹ nổi tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc để làm sản phẩm của mình. Khi được hỏi, ca sỹ này trả lời đã mua bản quyền những ca khúc này nhưng một thời gian sau vẫn chưa thấy “tăm hơi” những giấy tờ mà anh hứa sẽ công bố. Không chỉ riêng K.P, người yêu nhạc cũng lắc đầu ngán ngẩm trước thói quen của một số ca sỹ, khi cho rằng hát đã, rồi bản quyền… tính sau. Chẳng xin lỗi, cũng không có lấy một lời giải thích xác đáng, vụ việc cứ thế trôi vào quên lãng. Chẳng lẽ, đây là cách “né” dư luận khi những người nghệ sỹ đứng giữa “tâm bão” của chỉ trích.

Quay trở lại với việc vi phạm bản quyền trong làng giải trí, dường như vấn đề quyền tác giả đối với sản phẩm vẫn còn bị coi nhẹ, thậm chí bị phớt lờ. Trong khi việc các vụ vi phạm ngày càng công khai, thì ở vị trí những người sản xuất, nhạc sỹ dù rất bức xúc khi biết những đứa con tinh thần của mình bị “đánh cắp” nhưng cũng đành ngậm đắng nuốt cay. Một nhạc sỹ khá tên tuổi cho biết: “Nhiều lần biết bài hát của mình bị người ta lấy trái phép, nhưng cũng phải cho qua. Vì chúng tôi là nhạc sỹ, nếu chỉ theo đuổi những vụ việc như thế thì làm sao chuyên tâm sáng tác được”. Khi được hỏi làm thế nào để ngăn chặn những hành động này thì cũng chỉ nhận được câu trả lời “đành chấp nhận”. Phải chăng, chính sự im lặng, có phần nhượng bộ trong cách xử lý của những “nạn nhân” đã dẫn đến việc các vi phạm vẫn xảy ra như “cơm bữa”. Quyết liệt đến như tác giả Việt Hà, nhưng cũng đã chấp nhận lời xin lỗi và tuyên bố chấm dứt sự việc trong hòa bình, thì khó có thể trông chờ một sự công bằng hơn và quyền lợi chính đáng cho những người đang sở hữu sản phẩm sáng tạo.