Nhà viết kịch Lộng Chương:

Sống bần hàn với tâm hồn giàu có

ANTĐ - Chọn thể loại hài kịch cho con đường nghệ thuật của mình,  nhà viết kịch Lộng Chương (Phạm Văn Hiền) đã để lại cho đời nhiều tác phẩm vô giá. Khi nhắc đến câu:“Muôn thói đời tối đen phải lùi xa qua ngôn ngữ trào Lộng/Một tâm hồn hiền hậu luôn đi đầu với đòn bút văn Chương”, mới thấy dấu ấn cá nhân Lộng Chương đậm nét đến độ nào cho dù ông đã như cánh vạc trắng về trời 10 năm.

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông, 3 cuốn sách chọn lọc về cuộc đời và sự nghiệp
của cố tác giả Lộng Chương đã ra mắt bạn đọc

Trầm ngâm như thiền sư

Nhà viết kịch Lộng Chương tính tình trầm lặng, kiệm lời, có đôi chút buồn rầu. Trong ngôi nhà cổ ở phố Hàm Long, nơi biết bao kịch bản sân khấu đã ra đời, Lộng Chương thường ngồi lặng lẽ, trầm ngâm như một thiền sư để suy nghĩ về một cấu tứ ý đồ hài kịch mới khi cuộc sống ngày càng biến động khó lường với nhiều biển hiện đạo lý đổi thay. Vậy mà, ở những kịch bản sân khấu của ông lại không hề thấy bóng dáng của sự u sầu, trầm mặc mà trái lại, hài kịch Lộng Chương đã đem vào đời sống sân khấu những chuỗi cười sảng khoái, tự nhiên, hả hê với nhiều cung bậc và sắc thái đa dạng, từ chuỗi kịch ngắn đặc sắc như Hỏi vợ, Yểm bùa, Mối lo của mụ Cửu… cho tới loạt kịch bản dài như Quẫn, Quẫy, Cửa mở hé. Trong đó, Quẫn sừng sững như một đỉnh cao của dòng hài kịch Việt Nam hiện đại. Kịch bản có cả nghìn đêm công diễn được ghi nhận như một dấu mốc đáng tự hào của kịch nói Việt Nam những năm 60 của thế kỷ 20. 

Nét độc đáo trong hài kịch Lộng Chương chính là ở chỗ đã tiếp nối truyền thống hề chèo với những biến đổi để thích ứng với thể loại kịch nói từ đó mang hơi thở thời sự của hiện thực đương đại. Trong sự nghiệp sáng tác, ông luôn trăn trở, ấp ủ “Làm sao cho kịch nói Việt Nam mang sắc thái Việt Nam”. Trên hành trình về với chèo để làm kịch bản, Lộng Chương đã bị hình thức sân khấu dân gian này hút hồn để rồi ông đắm say lao vào viết lại những tích chèo cổ theo tinh thần của cuộc sống hôm nay. Rồi từ chèo, ông lại có cơ sở để thử sức mình ở các loại hình kịch hát khác như cải lương hay trở về với truyền thuyết lịch sử trong kịch bản Tình sử Loa Thành. Các kịch bản này được nhiều đoàn nghệ thuật sân khấu kịch hát dàn dựng gây tiếng vang rộng rãi trong dư luận, những vở diễn này ít nhiều cũng tạo nên dấu ấn của Lộng Chương trên kịch trường. 

Người thầy tận tụy

Trong cuộc đời sáng tác, Lộng Chương có chừng 80 kịch bản sân khấu, 9 tập truyện thơ và ca dao, 5 tập phóng sự, ký sự kháng chiến. Giàu có về tài sản văn hóa nhưng thật nghịch lý khi ông sống cuộc đời nghèo khổ và đạm bạc về vật chất. Ở ông luôn tồn tại khí khái của kẻ sỹ Thăng Long, không vụ lợi cho bản thân. Tuy là Ủy viên Thường vụ Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam khóa I nhưng ông là người duy nhất trong khối văn nghệ có hệ số lương thấp nhất. Phải đến mãi sau này, khi Lộng Chương đã nghỉ hưu, Tổng Thư ký Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam Dương Ngọc Đức mới nâng lương của ông lên hai bậc cho “phải đạo”. Anh em nghệ sỹ bực tức thay cho ông với những thiệt thòi vô lý ấy, ông chỉ cười rồi chuyển sang chuyện khác. Hàng ngày, Lộng Chương cần mẫn với công việc viết kịch kiếm sống và tận tụy với các học trò. Ông đã tự họa bản thân mình:“Trọn 40 năm đội mũ đeo râu. Khi làm lính, lúc ra quan, thác ghềnh lận đận. Ngẫm lại: giận mà thương. Ngoài 60 tuổi, sớm nắng chiều mưa, chân vẫn chắc, mắt chưa lòa, sương gió phôi pha. Trộm nghĩ: già nhưng trẻ…”. 

Từ trong tư chất tự nhiên, Lộng Chương còn là một người thầy. Ông cần mẫn, chịu khó, biết nghe và biết cho lại các thế hệ học trò những kinh nghiệm về sáng tạo nghệ thuật. Ngôi nhà của ông ở phố Hàm Long là nơi để đến của bao thế hệ văn nghệ sỹ. Ai tới cũng được đón tiếp nồng hậu, chu đáo bên chén trà, ly rượu. Tất cả là được bên nhau, để nói về nghề, về công việc, để khích lệ động viên, để tìm tòi sáng tạo. Trong ngành sân khấu đến thời điểm này, hiếm có ai lại tận tụy với việc giúp đỡ, đào tạo những người viết kịch trẻ như ông. Cũng vì thế mà số học trò của ông cũng khó ai có được nhiều như Lộng Chương. Với những đóng góp cho nền sân khấu, Lộng Chương đã được Đảng, Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT. 10 năm đã trôi qua kể từ ngày ông mất, cây đại thụ của nền sân khấu Việt vẫn là tấm gương lao động nghệ thuật chân chính cho lớp nghệ sĩ trẻ sân khấu Việt Nam.