Sẽ có đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ  nhân

(ANTĐ) - Chính sách cho nghệ nhân từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, được đông đảo giới văn hóa quan tâm. Bởi lẽ, những người lưu giữ, trao truyền và là những chủ thể văn hóa…  nhưng chính sách đãi ngộ của Nhà  nước đối với họ chưa thật xứng đáng.

Sẽ có đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ  nhân

(ANTĐ) - Chính sách cho nghệ nhân từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, được đông đảo giới văn hóa quan tâm. Bởi lẽ, những người lưu giữ, trao truyền và là những chủ thể văn hóa…  nhưng chính sách đãi ngộ của Nhà  nước đối với họ chưa thật xứng đáng.

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc và đào nương Phạm Thị Huệ
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc và đào nương Phạm Thị Huệ

Danh hiệu nghệ nhân được xét và công bố vào dịp 2-9

Những năm gần đây, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian hàng năm nhưng danh hiệu này mới đơn thuần mang ý nghĩa xã hội, tôn vinh là chính chứ chưa có chính sách đãi ngộ thích đáng. Gần đây, nhiều di sản văn hóa được UNESCO vinh danh lại càng đặt vấn đề chính sách cho nghệ nhân thêm bức bách. Bởi hầu như với di sản văn hóa phi vật thể nào được vinh danh, chúng ta đều phải cam kết với UNESCO thực hiện chính sách nghệ nhân.

Trước thực tại đó, Bộ VHTTDL đã sớm soạn thảo Thông tư Quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng  danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân  (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NDUT) gửi các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan xin ý kiến để sớm ban hành chính sách nghệ nhân. Dự thảo nêu rõ đối tượng được xét tặng danh hiệu  NNND, NNUT là những người nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình di sản văn hóa gồm: tiếng nói, chữ viết của các dân  tộc Việt Nam; ngữ văn dân gian; tập quán xã hội; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Riêng các nghệ nhân thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống được xét tặng danh hiệu theo quy định tại Thông tư số 01/2007/TT- BCN ngày 11-1-2007 hướng dẫn quy tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND, NNUT của Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công thương.

Ngoài những tiểu chuẩn như có phẩm chất đạo đức tốt, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng và trung thành với Tổ quốc, những người được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNUT phải có tài năng xuất sắc được cộng đồng thừa nhận, tôn vinh. Hơn thế, họ phải có thời gian thực hành từ 25 năm trở lên với danh hiệu NNND và 20 năm trở lên với NNUT và có học trò là người thừa kế và truyền dạy di sản. Điều đó, không chỉ giúp chúng ta tôn vinh đúng người, đúng việc mà còn khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại bí quyết nghề nghiệp, tinh hoa văn hóa mà mình nắm giữ cho các thế hệ đi sau tiếp nối, phát huy giá trị.

Quy trình thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND và NNUT sẽ được thực hiện theo hai cấp - cấp tỉnh và cấp Nhà nước. Hạn nộp hồ sơ tới Hội đồng cấp tỉnh là trước ngày 31-12 trước năm xét tặng và tới Hội đồng Nhà nước là trước ngày 31-3 của năm xét tặng. Theo đó, danh hiệu NNND và NDUT được xét tặng và công bố hai năm một lần vào dịp  Quốc khánh 2.9

Nghệ nhân sẽ được hưởng chính sách gì?

Theo điều 2 chương 1 Dự thảo Thông tư  quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND, NNUT quy định quyền lợi người được phong tặng thì bên cạnh Huy hiệu, Bằng chứng nhận do Chủ tịch Nước tặng, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND sẽ được tặng kèm theo tiền thưởng là 12,5 lần mức lương tối thiểu chung và đối với danh hiệu NNUT là 9,0 lần mức lương tối thiểu chung.Việc áp dụng mức lương tối thiểu chung với chính sách nghệ nhân được xem là một quyết sách linh hoạt trong mọi biến động thời giá của cuộc sống. Ngoài ra, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND, NNUT cũng sẽ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài những đối tượng chung được xét tặng danh hiệu nghệ nhân, dự thảo Thông tư cũng dành riêng điều 7 chương 2 quy định về đối tượng được đặc cách xét tặng danh hiệu NNND, NNUT. Theo đó, người được xét tặng danh hiệu này phải là những người có tài năng đặc biệt xuất sắc, vượt trội và có đóng góp lớn trong sự nghiệp bảo về và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; là người duy nhất còn lại nắm giữ di sản hoặc đang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về sức khỏe không thể chờ đợt phong tặng mới. Quy định này sẽ giúp các nhà quản lý văn hóa kịp thời tôn vinh những “báu vật nhân văn sống” vốn thường tuổi cao, sức yếu hoặc ẩn dật, chìm lắng đâu đó trong cộng động ít được biết tới.

Điều đáng nói là trong hoàn cảnh chính sách nghệ nhân từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối được đông đảo giới văn hóa chờ đợi, trong khi đa số các nghệ nhân tuổi đã cao, sức yếu không còn nhiều thời gian để chờ đợi thì đòi hỏi Thông tư phải sớm được ban hành, đi vào đời sống. Vậy nhưng trong quá trình hoàn chỉnh, chuẩn bị ban hành Thông tư này, khi Bộ VH-TT&DL gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan thì lại có những ý kiến này nọ về việc chồng chéo trong quy trình xét tặng danh hiệu NNND, NNUT. Lẽ đương nhiên quy về một mối để xét tặng, thực hiện chính sách nghệ nhân là vấn đề tiên quyết.

Nhưng trong khi số lượng nghệ nhân đủ tiêu chuẩn để phong tặng danh hiệu này cũng như được hưởng những chính sách đãi ngộ kèm theo đang ngày càng ít đi, rơi rụng dần theo thời gian thì nên chăng các nhà quản lý cũng cần sớm thống nhất để Thông tư đi vào cuộc sống, sớm đến với các nghệ nhân. Càng sớm ban hành Thông tư này thì càng có nhiều nghệ nhân được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước và cũng đáp ứng với không khí hội nhập thế giới khi VN đã và đang ngày càng có nhiều di sản được UNESCO vinh danh.

Phúc Nghệ