Sau Phú Quốc, sẽ tiếp tục lựa chọn các điểm đến an toàn thí điểm mở cửa đón khách quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ VHTTDL đang triển khai rất nhiều các giải pháp phục hồi du lịch sau khi bị đại dịch Covid-19 tàn phá trong suốt 2 năm. Nhiều vấn đề như hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi lực lượng lao động đã và đang được đề ra. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi cùng ông Phạm Văn Thủy- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam xung quanh các vấn đề này.

PV: Thưa ông, trong thời gian vừa qua, Phú Quốc được chọn để thí điểm mở cửa đón khách quốc tế. Hiện việc thí điểm này đang được thực hiện ra sao và thời điểm cụ thể nào chúng ta có thể đón lượt khách đầu tiên?

+Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Thử nghiệm đón khách du lịch ở Phú Quốc đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch phối hợp thực hiện. Trong thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch chủ động làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang. Chúng tôi đã và đang triển khai đầy đủ các điều kiện cần thiết, với phương châm, điểm đến an toàn và khách du lịch có an toàn mới đến Phú Quốc. Vấn đề an toàn là trên hết.

Theo tôi được biết, đến nay 100% người dân trong độ tuổi quy định ở Phú Quốc đã tiêm vaccine mũi 1 và đang tiếp triển khai tiêm mũi 2. Nhiều điểm đến an toàn tại Phú Quốc đã được lựa chọn. Các cơ quan chức năng cũng đã có biện pháp dự phòng, nếu không may, khách có ca dương tính với Covid-19 sẽ có phương án khắc phục, điều trị tại chỗ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy

PV: Thưa ông, ngoài Phú Quốc ra, trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch dự kiến công bố những điểm đến an toàn tiếp theo nào và địa phương nào được “chọn mặt gửi vàng” thời gian tới?

+ Tất nhiên là phải có lộ trình, từng bước một, sau khi thí điểm ở Phú Quốc chúng tôi sẽ phải đánh giá thực trạng, điều kiện đáp ứng, từ đó rút kinh nghiệm. Sau Phú Quốc, cũng có thể là Hạ Long- Quảng Ninh, Quảng Nam và một số địa phương khác.

PV: Thời gian qua, Bộ VHTTDL cũng đã triển khai việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị mất việc do đại dịch (tháng 6/ 2021 Bộ VHTTDL có văn bản đề xuất gửi Bộ Lao động Thương Binh Xã hội), hiện việc hỗ trợ này đã thực hiện đến đâu rồi? Có nhiều ý kiến cho rằng, để ngành du lịch tồn tại không chỉ dựa vào hướng dẫn viên mà còn có các bộ phận khác như sale tour, nhà hàng, vận chuyển, lưu trú….?

+Về việc này, chúng tôi đã thực hiện theo Quyết định số 23, hướng dẫn viên là bộ phận đầu tiên được hưởng gói hỗ trợ. Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Tổng cục Du lịch cũng đã làm việc với cơ quan chức năng liên quan và các địa phương, từ đó điều chỉnh bổ sung làm sao để các gói hỗ trợ đến được với người lao động. Đến giờ phút này có trên 34 ngàn tỉ đồng đã được hỗ trợ.

Đang triển khai đầy đủ các điều kiện cần thiết, với phương châm, điểm đến an toàn và khách du lịch có an toàn mới đến Phú Quốc

Đang triển khai đầy đủ các điều kiện cần thiết, với phương châm, điểm đến an toàn và khách du lịch có an toàn mới đến Phú Quốc

PV: Nhiều đề xuất của các hãng lữ hành, muốn phục hồi du lịch, phải cứu công ty du lịch trước rồi khi các công ty đó sống được sẽ tự cứu nhân viên của mình, Thời điểm này, Bộ VHTTDL đã đề xuất những ưu tiên gì cho doanh nghiệp du lịch và các dịch vụ lữ hành, ví dụ miễn giảm thuế, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận vaccine?

+ Trong 2 năm đại dịch, đã xảy ra tình trạng thế này. Một là doanh nghiệp và người lao động tự chuyển đổi- tự cứu mình bằng cách làm nghề khác, đáp ứng nhu cầu mưu sinh. Hai là nghỉ, không có việc làm, chờ khống chế được dịch, hoạt động trở lại. Chúng tôi- cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, nói thật là phải cảm ơn các doanh nghiệp du lịch, trong lúc khó khăn vô cùng này, họ đã đồng hành với Tổng cục Du lịch, để chúng ta tiếp tục đồng hành trong thời gian tiếp theo. Hiện cũng đã có Nghị quyết 105 của Chính phủ hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Quá trình thực hiện, Tổng cục Du lịch mạnh dạn đề xuất phương án, báo cáo lãnh đạo bộ, các cấp có thẩm quyền triển khai các nội dung, hướng dẫn doanh nghiệp để hưởng hỗ trợ, mới nhất là để xuất giảm giảm 80% chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp...

Sau Phú Quốc, cũng có thể là Hạ Long- Quảng Ninh, Quảng Nam và một số địa phương khác được lựa chọn thí điểm

Sau Phú Quốc, cũng có thể là Hạ Long- Quảng Ninh, Quảng Nam và một số địa phương khác được lựa chọn thí điểm

PV: Bộ VHTTDL có nắm được sự thiếu hụt nhân lực ngành du lịch sau đại dịch hay không? Tình trạng thiếu có trầm trọng không? Tổng cục Du lịch đã có những chuẩn bị gì về đào tạo bổ sung nguồn nhân lực, để có thể ngay lập tức phục hồi sau khi chúng ta trở về với cuộc sống bình thường?

+ Phải nói luôn rằng, trong thời gian đại dịch diễn ra, đã có số lượng rất lớn lao động trong ngành chuyển đổi công việc, doanh nghiệp thì kiệt quệ. Ngành du lịch thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động được đào tạo bài bản, quan hệ lao động cũng không còn. Do vậy, Tổng cục Du lịch đã hướng dẫn cơ quan chức năng, địa phương kịp thời hỗ trợ, bồi dưỡng, tìm kiếm các nguồn lao động để phục vụ cho phục hồi sau dịch. Phục hồi nhân lực sau dịch là chuyện vô cùng cần thiết. Vì thế, chúng tôi cũng đã và đang đề xuất nhiều cơ chế chính sách, hướng dẫn, song hành cũng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi du lịch nội địa, quốc tế cũng như tại các điểm đến.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!