Sau Lưu Quang Vũ, sân khấu thiếu vắng thế hệ kế cận xuất sắc và nổi bật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, sau sự ra đi của cố nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Xuân Đức.... sân khấu thiếu vắng thế hệ tác giả kế cận xuất sắc và nổi bật. Khoảng trống của thế hệ đi trước để lại vẫn chưa được lấp đầy do định hướng và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp hiện nay không ưu tiên nghiệp viết.

Những đánh giá này của NSND Trung Hiếu được trình bày trong tham luận của hội thảo "Sân khấu với đề tài hiện đại" do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.

Theo NSND Trung Hiếu, kịch bản là kết tinh, là tinh hoa sáng tạo của nhà văn, nhà viết kịch. Các thế hệ nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam rất nhiều người đã cao tuổi hoặc không còn trên văn đàn, người còn người mất. Những tên tuổi gắn liền với kịch Hà Nội như nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, cố nhà văn Xuân Trình, Anh Biên, Xuân Đức, Triệu Huấn … đều đã rời xa cõi tạm. Họ ra đi và để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy không chỉ riêng với Nhà hát Kịch Hà Nội mà với tất cả giới nghệ thuật sân khấu.

Vở kịch nói "Tôi và chúng ta" do Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng

Vở kịch nói "Tôi và chúng ta" do Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng

Trong khi đó, văn đàn thiếu vắng thế hệ kế cận xuất sắc và nổi bật. Phần lớn do định hướng và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp hiện nay không ưu tiên nghiệp viết. Hơn thế, sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin khiến một bộ phận không nhỏ thế hệ người Việt mất đi văn hoá đọc, điều đó tác động rất lớn đến chất lượng và chiều sâu của các kịch bản hiện nay.

Cũng theo Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, đơn vị này luôn muốn dàn dựng các vở diễn hiện đại, đi thẳng và trực diện vào những vấn đề nóng bỏng nhất, hiện thực nhất của xã hội hiện đại. Các vở diễn như thế có đề tài đi sâu vào khai thác tâm lý, những trăn trở và khao khát, những ước mơ và hoài bão cũng như những toan tính, những khổ đau của con người trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại. Dù đã nhận được nhiều kịch bản về đề tài hiện đại của các nhà văn, nhà viết kịch trẻ, nhưng các kịch bản đó vẫn có nhiều điểm cần khắc phục như tính cách nhân vật xây dựng chưa nhất quán, tình huống kịch còn sơ lược, nội dung kịch chưa đủ chiều sâu, thông điệp rõ ràng nên rất khó đưa lên sàn diễn.

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội chia sẻ, một kịch bản không hay thì dù đạo diễn có tài năng đến mấy cũng không thể “phù phép” biến thành vở diễn hay được. Người viết kịch bản sân khấu chuyên nghiệp nước ta cũng có tới hàng trăm, chưa kể nhiều cây bút không chuyên… Nhưng đã nhiều năm nay sân khấu hầu như không có những vở diễn gây ấn tượng thật sâu sắc tới người xem, tạo dư luận xã hội rộng lớn. Kịch bản sân khấu nói chung đã khó, kịch bản về đề tài hiện đại càng khó hơn.

Những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi những vở kịch “Mùa hè ở biển” của Xuân Trình, “Nhân danh công lý” của Võ Khắc Nghiêm, “Tôi và chúng ta”, “Vụ án 2000 ngày” của Lưu Quang Vũ… ra đời đã được đón nhận của xã hội. Bởi vì khi ấy xã hội đang chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, xuất hiện những sự lừa dối, háo danh, cơ hội, thủ đoạn, đạo đức giả…

"Nhưng xã hội ngày nay cái xấu, cái ác còn nhiều chuyện vượt xa sức tưởng tượng của con người. Vậy nên, kịch bản về đề tài hiện đại của sân khấu nhiều năm qua vẫn khai thác những vấn đề cũ của đời sống, trở nên khó vượt qua các kịch bản đã dựng và không có sức hấp dẫn với công chúng", NSND Trần Quốc Chiêm lý giải.

Hội thảo "Sân khấu với đề tài hiện đại" do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức

Hội thảo "Sân khấu với đề tài hiện đại" do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức

Điều đáng nói, ngành sân khấu năm nào cũng tổ chức những trại viết, năm nào cũng trao giải cho những kịch bản rất chu đáo, nhưng kịch bản hay vẫn còn thiếu. Để có những kịch bản hay, có tầm về đề tài hiện đại cho sân khấu, theo NSND Trần Quốc Chiêm, điều quan trọng cần phải thay đổi tư duy làm sân khấu. Trước hết tư duy về những vấn đề liên quan đến kịch bản sân khấu. Phải biết chọn lọc và thẩm định được những người viết trẻ có khả năng để đầu tư, bồi dưỡng, nếu có điều kiện thì gửi đi học nước ngoài để họ trở thành những nhà viết kịch tài năng. Mỗi nhà hát, đoàn nghệ thuật nên chú trọng tạo dựng riêng cho mình một vài tác giả sân khấu phù hợp với quan điểm, hướng đi của mình để đầu tư theo phong cách riêng...

Cùng đề xuất giải pháp để sân khấu có lượng kịch bản về đề tài hiện đại phong phú, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng, các tác giả cần tăng cường tổ chức đi thực tế cơ sở bám sát đời sống thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của khán giả để sáng tác nhiều kịch bản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân.

Đồng thời, Nhà nước, thành phố cần tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài hiện đại. Những kịch bản có chất lượng được giải thưởng cao, các cơ quan chức năng nên tổ chức đấu thầu dàn dựng; tổ chức biểu diễn, quảng bá phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng đất nước, xây dựng con người mới.

Bên cạnh việc tạo điều kiện và quan tâm nhiều hơn tới đội ngũ tác giả, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, các kịch bản có đề tài hiện đại thường phản ánh chân thực và sinh động về cuộc sống hiện đại, về những vấn đề còn nhức nhối và nóng hổi trong xã hội, thậm chí là những chủ đề nhạy cảm và gai góc. Khi tiếp cận và dàn dựng những kịch bản có đề tài hiện đại, ban lãnh đạo của các đơn vị nghệ thuật cần có một cái nhìn rộng và bao quát về cuộc sống hiện đại, mạnh dạn sử dụng và xử lý một cách tinh tế và linh hoạt trên sân khấu biểu diễn. Nhờ đó mới thúc đẩy được các kịch bản có đề tài hiện đại xuất hiện nhiều hơn trên sàn diễn, tạo động lực cho đội ngũ sáng tác tích cực và chuyên tâm cho các kịch bản mang hơi thở cuộc sống đương đại.