Sắp ra mắt "Người cầm lái" - Vở nhạc kịch về Bác Hồ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), Nhà hát Công an nhân dân sẽ dựng vở nhạc kịch "Người cầm lái" với hình thức giao hưởng-đại hợp xướng, opera của nghệ thuật hàn lâm, kết hợp cùng ngôn ngữ múa dân gian đương đại.

Vở nhạc kịch “Người cầm lái” gồm 3 hồi: “Quê hương”, “Tiếng vọng non sông”, “Chuyến tàu định mệnh”, kể về quá trình Người bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước rồi trở về nước hoạt động cách mạng.

Vở diễn sẽ truyền tải hình tượng Bác Hồ ở nhiều khoảng không gian, thời gian khác nhau: Nguyễn Sinh Côn lúc 5 tuổi cùng cha mẹ và anh cả Khiêm từ Nam Đàn vào kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Côn với nỗi đau đầu đời và tuổi thơ đầy sóng gió khi Mẹ Hoàng Thị Loan và em Nguyễn Sinh Sin lâm trọng bệnh rồi mất khi Bác mới 11 tuổi, Nguyễn Tất Thành một thanh niên tuổi đôi mươi đã lập trí lớn ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động ở Pháp, Mỹ, Quảng Châu... Già Thu khi Người trở về nước năm 1941.

Một cảnh trong vở diễn

Một cảnh trong vở diễn

Tác phẩm do Ths. Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản và viết lời cho ca khúc. Đồng thời là tổng đạo diễn của vở.

Theo chia sẻ của tác giả kịch bản Tuyết Minh, vở nhạc kịch không chỉ kể về cuộc đời Bác mà còn là quá trình hình thành tư tưởng của Hồ Chủ Tịch được kết tinh của truyền thống gia đình, lịch sử dựng nước, giữ nước với biết bao tấm gương yêu nước của các bậc tiền nhận.

Giữa lúc cơ trời chuyển vận, trong không khí cao trào của nhiều dòng tư tưởng cứu nước như Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông du của bao trí sĩ đương thời như Phan Bội Châu, Đề Thám... cho tới các vị vua của triều đại phong kiến cuối cùng như: Thành Thái, Hàm Nghi, Duy Tân, Người đã chọn cho mình con đường chưa có lối đi, đó là vươn ra đại dương với hai bàn tay trắng, dấn thân bôn ba hành trình đi tìm con đường cứu nước suốt 30 năm giữa trời Âu.

Thượng tá, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an nhân dân cho biết, áp lực dựng vở nhạc kịch sử dụng nghệ thuật hàn lâm về Bác không hề nhỏ nhưng cũng không ít tự hào. Hơn thế, trong quá trình dựng vở, nhà hát có 40 nghệ sĩ nhiễm Covid, đã ảnh hưởng tới khả năng ca hát và biểu diễn của các diễn viên và ca sĩ. Nhưng với sự chỉ đạo của cấp trên và sự quyết tâm, nỗ lực của các nghệ sĩ và ê kíp dàn dựng, những thách thức về đội ngũ nhân sự đã được... hóa giải.

Ở tác phẩm nay, Đại úy Lê Hồng Tuân, Nhà hát Công an nhân dân sẽ vào vai Nguyễn Tất Thành-Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc-Già Thu. Sở dĩ Lê Tuân được chọn vào vai diễn nặng ký này nhờ những lợi thế về hình thể, một người con của quê hương Nghệ An và tinh thần ham học hỏi.

Đại úy Lê Tuân trong vai Nguyễn Tất Thành-Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc-Già Thu

Đại úy Lê Tuân trong vai Nguyễn Tất Thành-Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc-Già Thu

Lê Tuân chia sẻ, được giao đóng vai Bác Hồ, anh cảm thấy rất hạnh phúc nhưng rất áp lực. Bởi anh là một diễn viên trẻ. Trong khi đó, vai diễn Bác Hồ đã có rất nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công. Nhưng Lê Tuân rất tự tin và đang nỗ lực để đảm nhận trọn vẹn vai diễn.

Đạo diễn Tuyết Minh tiết lộ, khi xem "Người cầm lái", khán giả sẽ cảm nhận được tinh hoa nghệ thuật opera, nhạc kịch kinh điển thế giới được hòa quyện với thi pháp thể loại của sân khấu truyền thống để kể câu chuyện về Bác, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Vở nhạc kịch "Người cầm lái" sẽ ra mắt khán giả vào ngày 24/4 và ngày 17/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.