Sân khấu thiếu nhi chưa thoát khỏi lối mòn

ANTĐ - Hiện trạng sân khấu thiếu nhi bị bỏ ngỏ và chỉ bùng phát vào dịp 1-6 và Trung thu vẫn cứ đều đặn diễn ra hàng năm. Số lượng vở diễn mỗi năm có thể chênh nhau nhưng nhìn tổng thể thì sân khấu thiếu nhi ít được các nhà hát dành thời gian đầu tư công sức. 

Các vở kịch thiếu nhi đôi khi mang quá nhiều thông điệp

“Món ăn” thập cẩm

Lối làm chộp giật, đánh nhanh thắng nhanh vẫn tồn tại trên sân khấu thiếu nhi năm 2014 bằng việc liên tiếp những suất diễn được mở ra chỉ có vẻn vẹn trong 4, 5 ngày rồi sau đó tuyệt nhiên không thấy nhà hát nào chia sẻ về dự án dựng vở dành riêng cho các em sau đó. Trong khi, kỳ nghỉ hè của các em vẫn còn khá dài, nhu cầu thưởng thức văn hóa và giải trí rất lớn nhưng không được đáp ứng và quan tâm. 

Đi sâu vào các vở diễn dành cho thiếu nhi, lối dàn dựng không có nhiều thay đổi. Một vở diễn thường có “tất cả”: có tí múa, tí ca nhạc, tí kịch. Vậy là đã đủ để các đạo diễn bằng lòng bày ra trước mắt các em “món ăn” thập cẩm. Đương nhiên, họ sợ, nếu làm một vở diễn có tính kịch toàn bộ thì các em nhỏ sẽ chán chẳng buồn xem. Nhưng dường như các nhà sản xuất đã nhầm về tư duy của trẻ nhỏ ngày nay. Bằng chứng là, đạo diễn Sỹ Tiến (Nhà hát Tuổi trẻ) khẳng định: “Với tư cách là người tham gia trực tiếp biểu diễn cho thiếu nhi hàng chục năm nay, tôi chỉ sợ mình làm không hay  thôi. Chúng tôi đã từng làm những vở kịch cho các cháu 4 đến 5 tuổi ở các lớp mẫu giáo, các cháu xem rất tập trung và hào hứng từ đầu đến cuối. Vấn đề chính là chúng ta biểu diễn như thế nào và dưới hình thức nào. Với độ tuổi như vậy mình phải diễn theo lối nào, để gần gũi lôi cuốn sự chú ý của các cháu”.

Mệt vì quá nhiều thông điệp

Đa phần kịch dàn dựng cho thiếu nhi thường oằn lưng vì tải trọng thông điệp như: ở hiền gặp lành, cái tốt chiến thắng cái xấu, ca ngợi lòng dũng cảm, tính kiên nhẫn, vị tha… Song, với các em nhỏ, mỗi vở diễn chỉ cần mạch lạc giữa cái tốt và cái xấu, đã đủ để các em hiểu. Hơn thế, các đạo diễn khi dựng vở cho thiếu nhi mới chỉ khai thác trong các câu chuyện cổ tích để đưa đến các em bài học làm người. Còn chất liệu của cuộc sống đời thường, ứng xử xã hội lại rất ít được đưa vào xây dựng kịch bản.  

Cũng cần nói thêm rằng, sân khấu thiếu nhi đang bị lép vế trước sự phát triển của truyền hình, đặc biệt là các kênh truyền hình nước ngoài. Cùng với đó, cuộc sống bận rộn khiến cha mẹ không có thời gian đưa con đến các nhà hát,  cơ hội các em được tiếp cận với loại hình sân khấu càng trở nên ít ỏi. Chính vì khán giả không có nên các nhà hát cũng không dám mạnh tay đầu tư dàn dựng kịch dành cho thiếu nhi trong khung biểu diễn định kỳ. Nhiều yếu tố cộng lại khiến tình trạng sân khấu dành cho trẻ em mấy năm trở lại đây vẫn ở trong cái vòng luẩn quẩn mà chưa tìm được con đường đi riêng. NSƯT Chí Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ từng chia sẻ: “Bằng việc hợp tác với sân khấu kịch Idecaf (TP.HCM) dàn dựng vở kịch “Hoàng tử gấu và hạt đậu thần”, Nhà hát Tuổi trẻ muốn dừng lại lối làm ăn chộp giật của chính mình”. 

Nói vậy để hiểu, các nhà hát đều nhận thấy rất rõ điểm yếu của sân khấu thiếu nhi hiện nay. Tuy vậy, làm như thế nào và có mang lại hiệu quả để thay đổi bộ mặt sân khấu dành cho các em nhỏ thì phải chờ xem sao.