Rủi ro khó lường khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

ANTĐ - Từ cuối năm 2011 đến nay, xuất khẩu gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các thị trường, duy chỉ có thị trường Trung Quốc lượng nhập tăng mạnh. Song nhiều nhà xuất khẩu gạo Việt Nam cũng như Hiệp hội Lương thực đều cho rằng, thị trường Trung Quốc vẫn là một “ẩn số” diễn biến khó lường. 

Nhiều người cho rằng, doanh nghiệp Trung Quốc “âm mưu” phá thị trường gạo thơm Việt Nam


Mức nhập khẩu lớn nhất từ trước tới nay

Kế hoạch năm 2012 sẽ xuất khẩu 6,5 - 7 triệu tấn gạo, nhưng tình hình xuất khẩu mặt hàng này những tháng đầu năm rất phức tạp và bất lợi cho Việt Nam. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hết quý I-2012 cả nước mới xuất khẩu hơn 1 triệu tấn, giảm 42% so với cùng kỳ. Bộ Công Thương nhận định, tình hình xuất khẩu gạo sẽ còn khó khăn đến hết tháng 6-2012, nhất là đối với việc tiêu thụ gạo cấp thấp. Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu sang các thị trường khác gặp khó khăn thì xuất khẩu gạo đi Trung Quốc lại có tốc độ tăng trưởng mạnh. Nếu như cả năm 2011, Trung Quốc nhập 250.000 tấn gạo, thì đến tháng 4 năm nay, khách hàng Trung Quốc mua tới 1,2 triệu tấn gạo từ Việt Nam, trong đó đã nhận 400.000 tấn, số còn lại sẽ giao trong các tháng còn lại của năm 2012. Theo đánh giá, đây là lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất từ trước đến nay. 

Nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng cường nhập khẩu lương thực từ cuối năm 2011 sang đến những tháng đầu năm nay, được cho rằng, hiện sản xuất lương thực của Trung Quốc không theo kịp đà tiêu dùng tăng cao trong nước. Mặc dù là nước sản xuất song Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới. Do khối lượng dự trữ gạo thấp, khoảng 40 - 47 triệu tấn đã đẩy giá gạo trên thị trường nội địa Trung Quốc tăng lên 580 USD/tấn. Việc Trung Quốc dự kiến tăng nhập khẩu gạo gấp 4 lần trong năm 2012 đã khiến quốc gia này trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới sau Indonesia và Nigeria.

Nhiều hành động “khó hiểu”

Cũng chính bởi Trung Quốc tăng mạnh lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam mà vào cuối tháng 4-2012, VFA đã thành lập Trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam. Mục tiêu của VFA dần dần sẽ mở chi nhánh ở một số tỉnh lớn của Trung Quốc, trực tiếp giao dịch mua bán gạo với nước này bằng con đường chính ngạch. Song, dù đang là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam nhưng phía Trung Quốc không bao giờ công bố con số nhập khẩu chính thức, vì vậy, phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng luôn trong trạng thái vừa xuất vừa lo.

Hơn nữa, thông lệ quốc tế là hình thức thanh toán qua L/C nhưng thanh toán của các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu là CT, nghĩa là hàng tới cảng Trung Quốc thì tiền mới được giải ngân. Do hình thức thanh toán này tiềm ẩn nhiều rủi ro nên hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra e ngại khi bán.

Dù Trung tâm xúc tiến Thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã được thông qua quy chế, nhưng đến thời điểm này, theo đánh giá của VFA, chính sách mua gạo của khách hàng Trung Quốc là khó hiểu. Họ liên tục thay đổi quyết định: dừng mua, rồi lại đột ngột mua trở lại. Cách làm này chủ yếu để làm thế nào hạ giá gạo xuống mức thấp nhất. 

Cũng theo thông tin từ VFA, thời gian qua, việc mua bán gạo sang Trung Quốc còn có thêm trục trặc khác là họ yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo trắng vào gạo thơm nhằm trục lợi. Theo tính toán thì với giá gạo trắng khoảng 8.000 - 8.500 đồng/kg, nếu trộn 50% vào với gạo thơm và bán dưới mác gạo thơm thì thương nhân Trung Quốc sẽ lợi 1/3 giá. Việc làm trên của một số khách hàng Trung Quốc không chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế mà có thể nhằm hạ thấp uy tín, chất lượng gạo Việt Nam. Sâu xa hơn, việc này có thể phá hỏng nền sản xuất gạo chất lượng cao, gạo thơm của Việt Nam, đồng thời phá thị trường gạo Việt Nam tại Trung Quốc. VFA đánh giá đây là vấn đề rất nghiêm trọng. 

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA ngay sau khi phát hiện được thông tin này, VFA lập tức cảnh cáo các doanh nghiệp tiếp tay cho thương nhân Trung Quốc, đồng thời có công văn chỉ đạo nghiêm cấm hành vi trộn gạo đối với tất cả doanh nghiệp hội viên khác. VFA nhấn mạnh: doanh nghiệp Việt Nam cần cảnh giác trước hành động này. Đồng thời VFA cũng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên “hết sức chú ý để tránh tổn thất, hậu quả” khi ký hợp đồng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. Bởi đã có dấu hiệu cho thấy thị trường này đang tìm mọi cách để hủy hợp đồng mua gạo đã ký với Việt Nam. Họ sử dụng các hàng rào kỹ thuật để từ chối nhận hàng khi đến cảng hoặc hủy hợp đồng. 

UBND tỉnh Tiền Giang vừa có văn bản chỉ đạo UBND huyện Châu Thành và Tân Phước chủ động phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền đến các doanh nghiệp, cá nhân mua bán khóm (dứa) và nông dân trồng khóm cẩn thận khi giao dịch trực tiếp với thương nhân người nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Khi giao dịch mua bán thì không bán nợ hoặc gối đầu để tránh thiệt hại. Trước đó, tại hai huyện trên, hai thương nhân Trung Quốc đến đặt trạm mua khóm với lượng mua lên tới 50-80 tấn/ngày. Tuy nhiên, nhiều ngày qua, hai thương nhân này lại bỗng dưng biến mất, khiến các chủ thu gom khóm lao đao.