Rào cản trong công tác viện trợ ở vùng thảm họa động đất biên giới Syria

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không có nhiều lựa chọn để đưa viện trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở miền Bắc Syria. Tuy nhiên, các lập trường chính trị khác nhau của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể ngăn cản điều này.
Dân thường ở các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria phụ thuộc vào sự giúp đỡ của nhóm tình nguyện viên cứu hộ “Mũ bảo hiểm trắng”

Dân thường ở các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria phụ thuộc vào sự giúp đỡ của nhóm tình nguyện viên cứu hộ “Mũ bảo hiểm trắng”

Rạng sáng 6-2, cơn địa chấn đầu tiên đánh thức Khawla (47 tuổi) và 2 anh trai của bà trong ngôi nhà ở Idlib, phía Tây Bắc Syria, gần tâm chấn của trận động đất kinh hoàng. “Chúng tôi rất sợ. Lúc đầu, chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, tất cả không thể ra khỏi nhà. Hai anh trai tôi bị ốm và ngoài trời thì lạnh cóng. Chúng tôi biết đi đâu đây? Rất nhiều ngôi nhà đã bị hư hại và có nguy cơ sụp đổ. Nhưng quanh đây không có nơi ở khẩn cấp hay trú ẩn nào an toàn. Có những người đã qua đêm trên đường phố hoặc trong ô tô vì sợ dư chấn bất chấp thực tế là ngoài trời đang đóng băng” - bà Khawla nói.

Cùng với hàng xóm, gia đình họ quyết định ở trong nhà và chỉ biết hy vọng. Điều đáng mừng là tòa nhà của họ rung chuyển nhưng vẫn đứng vững. Gia đình bà Khawla sống ở Idlib (một trong những khu vực cuối cùng ở Syria nhưng không nằm dưới sự kiểm soát chính quyền Syria), gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, được điều hành bởi những chiến binh đối lập. Khu vực này đã bị tấn công liên tục. Trên thực tế, ngay sau khi trận động đất xảy ra, các lực lượng Syria đã nã pháo vào thị trấn Marea do phe đối lập chiếm giữ. Hậu quả của nhiều năm giao tranh là cơ sở hạ tầng ở đây đã bị hư hại nặng nề, nguồn cung cấp y tế khan hiếm, hầu như không có dịch vụ cứu hộ và nhiều người sống phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Nhưng ngay cả những người dân địa phương sống trong lãnh thổ do chính phủ nắm giữ gần đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất. Số người chết từ cả khu vực do quân nổi dậy và chính phủ kiểm soát ở miền Bắc Syria đã lên tới hàng nghìn người và có khả năng tiếp tục tăng.

“Hiện giờ đang là mùa đông và rất lạnh. Điều đó có nghĩa là hơn bao giờ hết, người dân trong các trại tị nạn ở đây, cũng như ở các khu vực bị tàn phá ở Idlib, đang phụ thuộc vào sự giúp đỡ của quốc tế” - bà Anita Starosta, người giúp đưa viện trợ vào miền Bắc Syria cho Tổ chức nhân quyền Medico International (trụ sở tại Frankfurt, Đức) cho biết. Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức để đưa các dịch vụ khẩn cấp đến những khu vực này. Bà giải thích: “Việc giúp đỡ những nơi như Aleppo, nơi do Chính phủ Syria kiểm soát, rất khó khăn. Bởi vì chúng tôi biết từ kinh nghiệm trong quá khứ rằng, tất cả số tiền viện trợ đi qua Damascus cuối cùng cũng tài trợ cho chính phủ hay chuyển đến các tổ chức viện trợ có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo”. Điều này thể hiện rõ trong đại dịch Covid-19, Andre Bank - nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Đông GIGA (trụ sở tại Hamburg, Đức) xác nhận. Trong thời gian xảy ra đại dịch, Chính phủ Syria đã cố gắng kiểm soát việc nhập khẩu vaccine và chỉ phân phối cho những nhóm mà họ ưu tiên, nghĩa là không phải những người ở vùng lãnh thổ do phe đối lập kiểm soát. Đây là thách thức chính trị đối với các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria đã bị tàn phá bởi các trận động đất và dư chấn gần đây. Nhưng việc đưa viện trợ vào các khu vực của Syria vẫn do lực lượng đối lập kiểm soát như Idlib còn phức tạp hơn nhiều. Rất khó tiếp tế hoặc viện trợ cho khoảng 4,8 triệu người sống ở những khu vực này, kể cả trước thảm họa động đất. Viện trợ nhân đạo và các hoạt động giao hàng khác đều chỉ đi qua một cửa khẩu biên giới là Bab al-Hawa (nằm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria). Cửa khẩu này chỉ được duy trì nhờ một nghị quyết của Liên hợp quốc và nó được gia hạn 6 tháng/lần.

Hiện chưa rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có mở hành lang nhân đạo để tiếp nhận những người gặp nạn ở Syria hay kiên định với việc đóng cửa biên giới. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng, tất cả các cửa khẩu biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nên được mở để đẩy nhanh viện trợ cho các nạn nhân động đất. Đó là một gợi ý thiết thực, nhà nghiên cứu Andre Bank đồng ý. “Có hơn 20 cửa khẩu dọc theo đường biên giới. Về phía Syria, những nhóm này hầu hết do lực lượng dân quân Syria kiểm soát. Đây là những phiến quân ôn hòa, liên minh chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Andre Bank nhận định và nói thêm, việc mở cửa biên giới cũng sẽ cho phép các tổ chức viện trợ quốc tế tránh được các phe nổi dậy Hồi giáo cực đoan hơn ở một số khu vực do phe đối lập kiểm soát khác ở Syria.