Quy định mới về hút, mua bán thuốc lá: Khó khả thi

ANTĐ - Sau khi Quốc hội thông qua Luật phòng, chống tác hại thuốc lá ngày 18-6-2012, giao cho Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật, ngày 27-6-2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Đáng chú ý Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-8-2013.

Ảnh minh họa

Không ai phủ nhận tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và xã hội. Nạn dịch thuốc lá toàn cầu giết chết gần 6 triệu người mỗi năm, trong đó 10% hay hơn 600.000 người hút thuốc lá thụ động. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày Việt Nam có trên 100 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, nhiều gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ. Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Tỷ lệ đang hút thuốc lá, thuốc lào hiện nay (tổng dân số từ 15 tuổi trở lên) là 23,8% tương đương 15,3 triệu người, trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá điếu là 19,9% (khoảng 12,8 triệu người), tỷ lệ hút thuốc lào là 6,4% (khoảng 4,1 triệu người), còn lại là tỷ lệ sử dụng các dạng thuốc lá khác. Thuốc lá gây thiệt hại 500 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Ước tính, chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm năng suất lao động và các chi phí xã hội khác chiếm 3,6% GDP.

Tại Việt Nam, năm 2010, chỉ riêng chi phí điều trị cho 3 trong số 25 loại bệnh phổ biến nhất liên quan đến thuốc lá (ung thư phổi, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn) đã là 2.304 tỷ đồng. Vì vậy việc ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này là cần thiết. Song điều đáng nói là Luật cũng như Nghị định về vấn đề này chứa đựng quá nhiều quy định không khả thi trong khi đó lại quy định quá nhiều các cơ quan giám sát và chịu trách nhiệm thi hành các chế tài, nhiều đến nỗi sẽ không có ai chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ khi vi phạm xảy ra. Chưa kể, nếu thi hành nghiêm túc các điều khoản quy định trong Luật 09/2012/QH13 và Nghị định 67/2013/CP sẽ gây ra xáo trộn xã hội cũng như xuất hiện hàng chục loại giấy phép con, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn đối tượng. Nghị định quy định hiệu lực từ ngày 15/8/2013 trong khi các hướng dẫn xin và cho các loại giấy phép con vẫn chưa có, hàng trăm nghìn các cơ sở giải khát, tạp hóa đang bán thuốc lá lẻ sẽ rơi vào tình trạng vi phạm các quy định pháp luật, hàng triệu người đang hút thuốc lá cũng có thể rơi vào tình trạng vi phạm khi chưa được tuyên truyền, thậm chí giải thích về các quy định mới. Xem xét từng điều khoản của Luật và Nghị định này chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

Quy định rất khó thi hành

Luật 09/2012 và NĐ 67/CP quy định các thương nhân bán buôn và bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép kinh doanh thuốc lá, mỗi thương nhân chỉ được cấp một giấy phép cho một sản phẩm cụ thể. Với các nhà phân phối (bán buôn) quy định này có thể thực hiện được, nhưng với các nhà bán lẻ thì không thể. Hiện nay, trong toàn quốc có hàng trăm nghìn   cửa hàng tạp hóa, giải khát thậm chí là quán nước chè nghỉ chân ven đường đang bán lẻ thuốc lá phục vụ gần 13 triệu người hút thuốc lá. Nếu tất cả các hàng quán này đều phải đi xin giấy phép bán thuốc lá, các cơ quan chức năng sẽ phải xem xét, kiểm tra để cấp hàng trăm ngàn giấy phép. Thêm nữa, đến thời điểm này có 109 nhãn hiệu thuốc lá được phép lưu hành, mỗi điểm bán chỉ được cấp một giấy phép cho một sản phẩm, để phục vụ cho nhu cầu phức tạp của khách, họ sẽ bằng mọi cách để xin nhiều giấy phép cho các nhãn hiệu khác nhau. Vậy cần cấp bao nhiêu giấy phép và bao giờ cấp xong trong khi các chế tài bắt đầu có hiệu lực từ 15/8/2013? Với những quy định trong NĐ67/CP, mỗi điểm bán thuốc lá lẻ cần thỏa mãn các điều kiện “Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; Diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 03 m2 trở lên; Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá; Phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt” mới được cấp giấy phép.

Những điều kiện này không thể chỉ một người và không chỉ trong một ngày xem xét xong. Như vậy sẽ có hàng triệu ngày công của các cơ quan công quyền bỏ ra để xem xét cấp các giấy phép bán lẻ thuốc lá, mà phải làm ngay vì các quy định đều đã có hiệu lực pháp luật. Cả hai phía, các điểm bán lẻ thuốc lá cũng không muốn đi xin phép, các cơ quan chức năng cũng chưa sẵn sàng cấp phép và… thị trường sẽ vẫn y nguyên như khi NĐ67/CP chưa có hiệu lực. Hơn nữa, sau ngày 15-8, nếu đối với các điểm bán thuốc lá lẻ không đủ điều kiện thì các cơ quan có thẩm quyền có tiến hành xử phạt nghiêm theo đúng quy định hay không? Nếu không, để tình trạng bán thuốc lá sai phép được tồn tại  kéo dài sẽ dẫn đến việc “nhờn” luật. Nếu xử lý thì ngay chính cơ quan chức năng chưa sẵn sàng cấp phép thì xử thế nào?

Một quy định nữa của Luật 09/2012 và NĐ 67/CP là các điểm bán lẻ thuốc lá không được bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Rất tiếc, quy định này không đi cùng với chế tài cho phép những người bán hàng kiểm tra giấy tờ tùy thân của người mua hàng và vì vậy người bán không thể biết được người mua đã đủ 18 tuổi chưa. Trong thể thao, có đủ cả hệ thống  chuyên gia, máy móc mà độ tuổi còn cãi nhau chết người nữa là mua điếu thuốc lá. Quy định này quả là không khả thi.

Cũng theo các quy định mới: cấm hút thuốc tại nơi công cộng, Luật 09/2012 quy định nơi công cộng là nơi phục vụ chung cho mọi người, vậy ra khỏi cửa nhà mình là đường phố, công viên, đồng ruộng, thậm chí là rừng núi…đều là của chung, tức là dành cho mọi người. Vậy là không được hút thuốc. Quy định này không ổn do không thực hiện được. Lẽ ra chỉ cần một câu: Cấm hút thuốc nơi đã có quy định cấm hút thuốc bằng biển báo chẳng hạn.

Luật 09/2012 về Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định các Bộ: Y tế, Công an, Công thương, Quốc phòng, bộ và các cơ quan ngang bộ khác cùng UBND các cấp kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm. Và như vậy là tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước đều tham gia thực hiện các chế tài với các hoạt động liên quan đến thuốc lá. Đông như vậy có nghĩa là không có cơ quan nào chịu trách nhiệm trực tiếp. 

Còn nhiều nữa những điều khoản rất khó khả thi trong các văn bản liên quan đến nhiệm vụ phòng chống tác hại của của thuốc lá. Xét toàn diện, các văn bản này  là kết quả của một sự nóng vội. Có thể Bộ Y tế, Bộ Công thương cần xem xét điều chỉnh kịp thời để các văn bản quy phạm pháp luật phát huy hiệu quả trong đời sống. 

Còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật mắc lỗi

Khoản 4 điều 3 Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định: Bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng trong thời gian qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật do chưa sát thực tiễn hoặc không khả thi đã làm xôn xao dư luận. Nhiều văn bản sau khi ban hành không có tính khả thi đã được cơ quan ban hành thừa nhận sai, tạm ngừng vẫn chậm sửa, không hợp lý nhưng im lặng... coi như sự đã rồi. Ngày 2.8, Bộ Tư pháp cho biết, qua theo dõi trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra và phát hiện 3.960/251.900 văn bản pháp luật có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp theo quy định. Đáng chú ý có đến 528 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật về mặt nội dung và thẩm quyền ban hành. 

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng từng nhiều lần bức xúc  với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật kiểu “trên trời”. Trách nhiệm không ai khác là người đứng đầu các Bộ, ngành địa phương, người đứng đầu trong việc điều hành chỉ đạo, vận hành việc soạn thảo văn bản.  Cũng cần sớm có chế tài đối với việc soạn thảo và ban hành những văn bản quy phạm pháp luật xa lạ với đời sống. Ai soạn thảo văn bản phải sửa chữa, có sai sót phải chịu trách nhiệm và đền bù thiệt hại. Lúc đó sẽ không có những băn khoăn của nhân dân với những chính sách mới.