Quan niệm về Thiên lương của Tản Đà

ANTĐ - Trước 1945, có một nhà văn cho rằng: “Văn có nhiều thể mà đại lược chẳng qua hai lối: Tản văn và vận văn. Trong hai lối văn ấy, vận văn chỉ là cái đô thích tính đạo tình, tiêu khiển trong lúc trà dư tửu hậu, mà tản văn mới thiệt là cái thuyền chở đạo, có thể tải được những lý tưởng sâu xa, giải được những tình cảm mầu nhiệm, ảnh hưởng đến nhân quần xã hội to lớn… 

Nước ta xưa nay văn quốc âm thì văn vần còn có đôi bài, còn tản văn thì bói không ra một quyển. Mới mươi mười lăm năm nay, sĩ phu lấy bút sắt thế ngòi lông, mà gióng trống mở cờ, cùng nhau đua dượt trên trường hãn mặc. Giọng Hàn Thuyên, hồn Đại Việt đã lập loè có một tia lửa sáng trong văn giới hoàn cầu. ông Nguyễn Khắc Hiếu Sơn Tây chính là một tay kiện tường trên trường hãn mặc ấy”.

Nguyễn Khắc Hiếu Sơn Tây chính là thi sĩ Tản Đà (1889 - 1939). Ông là tác giả của Tản Đà văn tập, Khối tình con I, Khối tình con II, Còn chơi… Năm 1986, Nhà xuất bản Văn học đã ấn hành Tuyển tập Tản Đà dày gần 500 trang.

Tản Đà nổi tiếng đến mức khi mở đầu Thi nhân Việt Nam (xuất bản lần đầu năm 1942), Hoài Thanh đã phải viết bài Cung chiêu anh hồn Tản Đà. Trong bài này, có đoạn: “Hội Tao đàn hôm nay đông đủ hầu khắp mặt thi nhân. Chúng tôi một lòng thành kính xin rước anh hồn tiên sinh về chứng giám.

Anh em ở đây, tuy người sau kẻ trước, nhưng ai nấy đều là con đầu lòng của thế kỷ 20, Trên hội Tao đàn, chỉ tiên sinh là người của hai thế kỷ. Tiên sinh sẽ đại biểu cho một lớp người để chứng giám công việc của lớp người kế tiếp. Ở địa vị ấy, còn ai xứng đáng hơn tiên sinh”.

Để hiểu thêm một phần tài năng của Tản Đà, chúng tôi xin trích giới thiệu một phần một tản văn của ông có tên là Thiên lương:

“Thiên lương có ba chất:

1. Lương tri là cái tri giác của giời cho để cảm biết các sự vật.

2. Lương tâm là cái bụng dạ của giời cho để tiếp nhận các sự vật.

3. Lương năng là cái tài giỏi của giời cho để làm theo các sự vật.

Không có lương tri thời không lấy gì biết; không có lương tâm, không lấy gì tiếp nhận; không có lương năng thời không lấy gì làm. Đó là ba nguyên chất của thiên lương - ba chất điều hòa thiên lương toàn vẹn.

Trong ba nguyên chất ấy, hoặc khi dùng đến một, hoặc khi dùng đến hai, nhưng tất tự thiên lương toàn vẹn.

Thiên lương không toàn vẹn thời không thành thiên lương. Không thành thiên lương thời một, hai chất đứng lẻ ấy có cũng như không, thành ra không có. Học hai chữ tham nịnh, biết đó là ô nhục, nhưng nếu biết ô nhục mà vẫn làm, thời là không lương tâm mà cũng là không lương tri. Người tôn thân mắc gian nguy, mắt trông thấy mà lo thương, nhưng nếu chỉ lo thương mà không cứu, thời là không lương  năng mà cũng là không lương tâm.

Cho nên, chia làm ba nguyên chất, hợp làm một thiên lương. Thi dụng vô thường mà bao các sự hay đều tất tự thiên lương toàn vẹn”.