Thị trưởng người Việt đầu tiên của Hà Nội

(ANTĐ) - Đầu năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, bác sĩ Trần Văn Lai được bổ nhiệm làm Thị trưởng Hà Nội. Và ngày 20-7-1945, bác sĩ Lai chính thức nhậm chức và trở thành Thị trưởng người Việt đầu tiên của Hà Nội vì trước đó chức vụ này do người Pháp nắm giữ .

Thị trưởng người Việt đầu tiên của Hà Nội

(ANTĐ) - Đầu năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, bác sĩ Trần Văn Lai được bổ nhiệm làm Thị trưởng Hà Nội. Và ngày 20-7-1945, bác sĩ Lai chính thức nhậm chức và trở thành Thị trưởng người Việt đầu tiên của Hà Nội vì trước đó chức vụ này do người Pháp nắm giữ .

Vườn hoa trước Phủ Khâm Sai đã được thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là vườn hoa Diên Hồng (Ảnh: Văn Hinh)

Vườn hoa trước Phủ Khâm Sai đã được thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là vườn hoa Diên Hồng  (Ảnh: Văn Hinh)

Ngay sau khi nhậm chức, việc “động trời” mà cụ làm là cho giật đổ nhiều bức tượng do người Pháp dựng không mang hồn cốt của người Việt như: Tượng thần tự do (người Hà Nội gọi là  “mụ đầm xòe “)  ở vườn hoa Cửa Nam, tượng Sĩ - Nông - Công - Thương ở vườn  hoa Canh Nông (nay là vườn hoa Lê-nin), tượng toàn quyền Pôn-Be ở vườn hoa Pôn-Be (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ).

 Cùng với việc lật tượng, Thị trưởng Trần Văn Lai đã cho đổi một loạt tên phố vốn bằng tiếng Pháp sang phố tiếng Việt và lấy tên các anh hùng dân tộc trong lịch sử để đặt tên phố. Đại lộ Henri D’ orleans thành Phùng Hưng, F. Ganier thành Đinh Tiên Hoàng, Gambetta đổi thành Trần Hưng Đạo…  đến  các phố mà bây giờ vẫn gọi như: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Yên Thế, Nguyễn Công Trứ… đều do ông đặt cả. Ngõ nhỏ ông đang ở với tên Tân Hưng mang hơi hướng Tàu ông đã đổi thành Tức Mặc. Cùng với việc đổi tên phố, ông cũng quyết định đổi tên các  vườn hoa.

 Vườn hoa trước cửa Phủ Khâm sai, dân quen gọi là vườn hoa “Con cóc”, ông đặt là Diên Hồng, vườn hoa Pôn-Be đổi thành Chí Linh. Đặc biệt điểm tròn rất rộng trước cửa Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch) ra đến đường Điện Biên Phủ bây giờ, ông đặt tên là Quảng trường Ba Đình (căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Đinh Công Tráng ở Thanh Hóa). Sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, tên Quảng trường Ba Đình gắn liền với sự kiện vĩ đại của dân tộc, nơi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945.

Hà Nội mùa đông 1946 trở thành chiến địa chống thực dân Pháp xâm lược. Lúc này cụ Trần Văn Lai không còn là Thị trưởng nhưng cụ cũng không đi tản cư mà ở lại Hà Nội mở phòng  khám chữa bệnh không lấy tiền. Cũng như một số trí thức lớn thời đó như: Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Văn Hiền, Bùi Tường Chiểu, Phạm Khắc Quảng, Đặng Văn Chung, Đinh Văn Thắng…, cụ ghét thực dân Pháp, một lòng hướng về kháng chiến, giữ tấm lòng son, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, kiên quyết không ra cộng tác với chính quyền tay sai bù nhìn.

Đầu năm 1954, ta mở chiến dịch tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ. Lúc này Thành ủy Hà Nội chủ trương vận động trí thức tiêu biểu ký vào bản kiến nghị đòi hòa bình nhằm tạo thành làn sóng đấu tranh công khai. Bản kiến nghị đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân mong được sống trong hòa bình.

 Nhưng viết như thế nào để thể hiện được tiếng nói của nhân sĩ trí thức Hà Nội trước thời cuộc và có lợi cho kháng chiến? Rồi ai là người đầu tiên ký vào bản kiến nghị? Ông Nguyễn Bắc (sau này làm Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội), một cán bộ hoạt động trong nội thành đến xin ý kiến cụ Lai và được cụ tận tình chỉ bảo. Cụ cho rằng lời lẽ trong bản kiến nghị phải tỏ ra trung lập thì kiến nghị mới có giá trị cho dù các trí thức đứng về phía Chính phủ kháng chiến...

 Sau đó, bản kiến nghị được sửa lại theo tinh thần mà cụ Lai gợi ý và các luật sư Bùi Tường Chiểu, Nguyễn Huy Mẫn, Vũ Văn Hiền, các bác sĩ Phạm Khắc Quảng, Võ Tấn cũng đồng ý dùng Les parties (các bên thay cho từ Les deux parties (hai bên) khi thể hiện tính chính trị trong văn bản, vừa mang tính trung lập, vừa đạt mục đích công khai đòi hòa bình.

Thống nhất được các ý kiến, ông Nguyễn Bắc mang bản kiến nghị tới nhà cụ Lai. Cụ rất bằng lòng, ký ngay. Tên cụ được đưa lên hàng đầu trong danh sách các nhân sĩ  trí thức ký kiến nghị, thể hiện uy tín và ảnh hưởng rất lớn của cụ trong giới trí thức. Đức độ, thanh cao, cụ là tấm gương cho những trí thức yêu nước, có tinh thần dân tộc. Cụ vẫn thường nói với những người  kính trọng và hay lui tới nhà: “Nếu không tham gia được thì đừng làm gì có hại cho kháng chiến”.

 Từ nhóm nhân sĩ trí thức này, bản kiến nghị được ông Nguyễn Bắc đưa tới các nhóm trung kiên trong giới trí thức và văn nghệ sĩ ở một số báo. Lúc đó, ông Đặng Văn Chung và Vũ Công Hòa chuẩn bị sang Pháp lấy bằng Thạc sĩ Y khoa, nên ông Phạm Khắc Quảng đã nhờ ông Chung chuyển  tới ông Nguyễn Mạnh Hà đang ở Pháp.

 Ông Hà gửi  bản kiến nghị cho báo Le Monde và L’ Humanité; dưới nhan đề “Les notabilites” (Những nhân sĩ Hà Nội). Hai tờ báo lớn của nước Pháp đã đăng bản kiến nghị đòi hòa bình, gây tiếng vang lớn trong các tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình và dân chủ ở Pháp. 

Một thời gian sau khi tiếp quản Thủ đô, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thôi không làm Chủ tịch ủy ban Quân chính Hà Nội để Hà Nội thành lập chính quyền dân sự. Bác sỹ Trần Duy Hưng được cử làm Chủ tịch và mời cụ  làm Phó Chủ tịch ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, cụ Lai nhận lời. Tài đức vẹn toàn, nên cụ có uy tín lớn trong các tầng lớp nhân dân. Làm Phó Chủ tịch nhưng cụ vẫn ở trong ngôi nhà mà gia đình cụ đã mua từ năm 1926 ở ngõ Tức Mặc, cụ thường bảo với người thân: “Nhà mình ở thế này là đủ rồi”.

Cụ đảm nhiệm chức vụ này đến năm 1965 thì nghỉ. Người con duy nhất, ông Trần Mạnh Chu noi gương cha, tận tụy phục vụ cứu chữa thương binh  ở Viện Quân y 105, sau đó trở thành chuyên gia đầu ngành về tiết niệu, trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Với những đóng góp của Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội, nhiều người mong rằng Hà Nội sẽ có một con phố mang tên Trần Văn Lai.

Nguyễn Ngọc