"Phụ nữ sợ gì mà không đi du lịch một mình"

ANTD.VN - Nếu nhìn vào số lượng những cây bút du ký nổi lên trong thời gian gần đây thì không khỏi ngạc nhiên khi phần nhiều trong đó là nữ giới. 

Nhiều người trong số họ lên đường với quyết tâm mạnh mẽ nhằm giải thoát chính mình khỏi cuộc sống nhàm chán, và cũng để thay đổi quan niệm của xã hội: “Phụ nữ thì không nên đi nhiều”.

"Phụ nữ sợ gì mà không đi du lịch một mình" ảnh 1Đinh Hằng từng thực hiện nhiều chuyến hành trình một mình

1. Chẳng phải bỗng dưng mà những cuốn du ký của những tác giả là nữ lại bán ầm ầm. Khác với đấng mày râu, tác phẩm của các cây bút nữ thường có một sức hút đáng kể với độc giả, bởi trong con mắt của xã hội xưa, thì những người phụ nữ liễu yếu đào tơ vốn được mặc định là ở nhà chăm chồng, chăm con, chứ đừng nói đến chuyện vùng lên thoát khỏi bốn bức tường. Thế nên việc những người phụ nữ ung dung tự tại, bỏ ngoài tai những điều tiếng xã hội mà lên đường không khỏi khiến người ta tò mò lẫn nể phục. 

Nguyễn Phương Mai - tác giả nổi tiếng với hai cuốn sách “gây sốt” - “Tôi là một con lừa”, “Con đường Hồi giáo”, từng đi qua 80 quốc gia, trong đó có những nơi còn nghi ngút khói lửa chiến tranh như Palestine, Jordan, Yemen, Lybia…

Phan Việt với những hành trình dài ngày ở nhiều nước châu Âu và trên khắp nước Mỹ trong sê-ri “Bất hạnh là một tải sản”, Di Li với 10 năm miệt mài “xê dịch” trên các cung đường, với những cuốn du ký trải dài trên nhiều tầng văn hóa khác nhau như “Đảo thiên đường”, “Những nụ hôn thành Rome” và mới đây nhất là “Và tuyết đã rơi ngoài cửa sổ”...

Đọc những tác phẩm của họ, người ta thấy được hình mẫu những người phụ nữ hiện đại, năng động, dám sống cho bản thân và dám đòi hỏi hạnh phúc chính đáng. 

2. Để toàn tâm toàn ý cho những cuộc hành trình đáng mơ ước, họ phải dũng cảm vượt qua rất nhiều định kiến. Với nhiều người, việc phụ nữ thích “xê dịch”, thích đi đây đi đó đồng nghĩa với việc lơ là chuyện gia đình, nhà cửa, chồng con…

Ít ai biết đằng sau những hành trình du lịch, khám phá thế giới đầy rộng lớn là những lần những người phụ nữ đứng trước rất nhiều lựa chọn, giữa trăm mối lo về gia đình, công việc…

Định kiến này đã khiến cho nhiều người phụ nữ dù muốn cũng phải trì hoãn hoặc từ bỏ niềm đam mê của mình. Nhà văn Di Li cho biết: “Tôi từng nhận được rất nhiều câu hỏi, kiểu như “Phụ nữ đi thế thì nhà cửa để cho ai?”. Nhưng tôi nghĩ rằng phụ nữ có gia đình cũng có thể sắp xếp được những hành trình cho riêng mình, nếu được những người chồng chia sẻ.

Sẽ thật hạnh phúc khi những người phụ nữ luôn có những đấng phu quân đi cùng và sẽ là bất hạnh nếu một ông chồng đi rất nhiều nhưng không bao giờ cho vợ đi đâu cả”. Tác giả “Đảo thiên đường” tâm sự, mỗi khi đi du lịch, chị đều phải bỏ hết tất cả mọi thứ sau lưng, chỉ để lại một số điện thoại riêng để liên lạc với con gái. 

"Phụ nữ sợ gì mà không đi du lịch một mình" ảnh 2Di Li: “Phụ nữ hoàn toàn có thể sắp xếp những hành trình cho riêng mình”

3. Ít ai biết đằng sau những hành trình du lịch, khám phá thế giới đầy rộng lớn là những lần những người phụ nữ đứng trước rất nhiều lựa chọn, giữa trăm mối lo về gia đình, công việc… Nhà văn Nguyễn Phương Mai từng xin nghỉ việc nhiều lần để được thỏa chí đi du lịch. Ở tuổi 40, cái tuổi mà rất nhiều người đã nghiêm túc nghĩ về việc xây dựng một mái ấm gia đình, thì chị đã gác lại dự định để hiện thực hóa giấc mơ lên đường đến 20 quốc gia Trung Đông.

Còn Phan Việt sau những tháng ngày đơn độc ở châu Âu đã trở về và thẳng thắn đối mặt với cuộc hôn nhân đang trên bờ vực thẳm, đó là lúc chị quyết định giải thoát cho mình. Với Đinh Hằng - những chuỗi ngày lang thang trên đất Mỹ không phải những hành trình “trong mơ” .

Đó là khi chị đối mặt với căn bệnh trầm cảm khi cuộc hôn nhân không thành. Để rồi sau đó, Đinh Hằng đã thoát khỏi khủng hoảng nhờ việc cân bằng giữa công việc, đi du lịch và tìm kiếm các mối quan hệ: “Khi đi du lịch là tôi có thời gian để dành cho chính bản thân mình, từ viết lách, tự đối thoại, rồi gặp gỡ những người mới… Tôi luôn mở rộng trái tim mình. Tôi không ngại khi nói: “Phụ nữ sợ gì mà không đi du lịch một mình”.