Phố tím

(ANTĐ) - Tháng 5, Hà Nội đẹp dịu dàng trong sắc tím bằng lăng. Có người đã gọi những con phố có hoa bằng lăng ấy là “Thung lũng hoa bằng lăng”. Còn tôi gọi những con phố của làng Bạch Mai, Hoàng Mai xưa là Phố tím. Thanh Nhàn, Đại Cồ Việt, Đại La, Kim Ngưu… hai bên hè phố chỉ có màu tím ngắt của hoa bằng lăng gợi bao xao xuyến bâng khuâng.

Phố tím

(ANTĐ) - Tháng 5, Hà Nội đẹp dịu dàng trong sắc tím bằng lăng. Có người đã gọi những con phố có hoa bằng lăng ấy là “Thung lũng hoa bằng lăng”. Còn tôi gọi những con phố của làng Bạch Mai, Hoàng Mai xưa là Phố tím. Thanh Nhàn, Đại Cồ Việt, Đại La, Kim Ngưu… hai bên hè phố chỉ có màu tím ngắt của hoa bằng lăng gợi bao xao xuyến bâng khuâng.

Thuở ấu thơ, hồn nhiên chơi hoa bèo trong ao nhà.Vừa bơi, vừa ngắt từng bông trôi trên mặt nước, chỉ một loáng, tôi đã ôm đầy tay những bông hoa tím hồng để cắm vào gian chơi đồ hàng.

Những loài thanh khiết như hoa sen hay đơn sơ như hoa bèo của thôn dã, chúng chỉ đẹp nhất khi được khoe sắc trong không gian của thiên nhiên thoáng đãng. Đó là cái đẹp của  tạo hóa, không cần chúng ta sắp đặt.

Còn bây giờ, khi  xà cừ đang vào mùa trút lá thì hoa bằng lăng dịu dàng tím. Các cô bé học trò ngắt vài chùm bằng lăng cho vào giỏ xe, tiếng cười trong trẻo vô tư bay theo làn tóc. Tôi nhìn các em, chợt vui vui. Tôi đã có một ngày xưa như thế.

Bằng lăng ùa sắc tím vào cửa sổ lớp tôi, gợi cảm hứng cho các thi sĩ còm. Cái Chi hỏi: “Mới có bài “Xúc xắc mùa thu”, mày đọc chưa?”, “Chưa, xem nào”. “Đây này”. Nó gí tờ giấy mới chép thơ Hoàng Nhuận Cầm vào mắt tôi rồi  đọc:

“Viên xúc xắc mùa thu ru trong cỏ

Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng”.

Giường sắt bên kia, cái Chiện vốn là đứa hiền lành nhất lớp, chẳng cần biết thơ là gì cũng đang hí húi chép thơ vào sổ tay, chữ xấu như gà bới. Tôi nhìn nó, sốt ruột, giằng bút trên tay nó: “Đưa tao chép hộ, ái chà chà, chúng mày nghe này: “Mai đành xa sông Thương tóc dài… Có chàng nào mê mày, khai ra ngay”.

Nó đỏ mặt: “Đưa đây, chữ xấu kệ tao”. Cái Mai nói với sang: “Tối nay có đêm thơ ở Hội trường Mễ Trì đấy, mày có ở lại xem các nhà thơ khoa văn không? Toàn nhà thơ mặc áo lính đấy”.

Đó là những đêm thơ đầy hồn nhiên, tưng bừng. Hoàng Nhuận Cầm lên đọc thơ, ống thấp ống cao. Dị biệt vậy mà sinh viên mê thơ anh như điếu đổ. Mới đó, gần 30 năm trôi vèo.

Giấc mơ thời thiếu nữ trong sáng cùng những cánh bằng lăng tôi đã ép vào sổ thơ vẫn nguyên màu tím trong ký ức mỗi khi chúng tôi kể lại chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa. Cái Hồng bảo: “Chẳng lần nào hội lớp thấy người xưa đâu, Thu nhỉ?”, “ờ, cứ thế lại hay, gặp lại không đẹp đâu”.

Thời gian như dòng sông chảy mãi. Không phải là số phận mà chính là tình thương đã khiến tôi neo vào bến đỗ để theo nghiệp đèn sách, nhưng cuộc đời không phải là trang sách như “Mẫn và Tôi” của Phan Tứ hay “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu, mà trong đó, tình yêu lãng mạn trong lửa đạn chiến trường đã thổi vào tâm hồn thiếu nữ bao ước mơ kỳ diệu.

Đi từ  mùa xuân đến cuối hạ, tôi và lũ bạn đã chín trong mưa nắng nhân gian, lại càng hiểu những điều nhân bản mà ông tôi đã dạy tôi từ thơ bé bằng chính tấm lòng của ông là viên ngọc quý giá nhất.

Một mùa bằng lăng nữa lại về nhuộm tím phố tôi. Trước những cánh hoa tím rưng rưng, thấy mình vẫn là mình, giữ cho mình một khoảng trời của yêu thương, chung thủy.             

Hồng Châu