Tản mạn Hổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hình tượng hổ luôn hiện diện quen thuộc trong hầu hết các khác biệt của mọi nền văn hóa nhân loại. Ở nhiều nghi lễ tôn giáo của một số dân tộc chịu ảnh hưởng của tô tem giáo, thì hổ còn được thờ như thần.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Tại nhiều vùng núi Bắc Việt, người ta thường thờ hổ ngũ sắc, tranh hổ thờ tuyệt đẹp. Còn ở phía Nam, Cần Thơ hay Tây Ninh chẳng hạn, người dân có truyền thống thờ hổ trắng. Đất Nam bộ một thuở mở nước chưa xa, rừng rậm ở đây hoang dã nguyên thủy, nên người dân khai hoang mong được sự chở che đã thờ Bạch Hổ như một vị sơn thần. Vì trên trán hổ có một chữ “vương”, đương nhiên là chúa sơn lâm, cai quản thập loại chúng sinh thú dữ. Tín ngưỡng dân gian thỉnh thoảng đồng cảm với tư duy bác học. Bởi theo dịch lý phương Đông, tháng Giêng là tháng Hổ (Dần), đủ cả âm dương cân bằng hanh thông, tượng của quẻ Địa Thiên Thái, xứng đáng với tiết Xuân khai mở một năm mới an khang, thịnh vượng.

Nhân đây cũng xin bàn thêm, ngoài danh xưng là “ông Ba Mươi” rồi hùm rồi cọp…, tại sao hổ lại được gọi là Dần? Có vài thuyết, nhưng khả tín nhất là thuyết cho rằng, Dần cũng như Tý, Sửu… một cách đếm thời gian trong ngày theo thập nhị chi. (Cổ nhân định lượng giờ giấc một ngày gồm 12 khắc, căn cứ vào sinh hoạt đặc trưng của 12 loại thú). Giờ Dần là đoạn hổ no nê nghỉ ngơi, sau khi đã kiếm mồi. Tất nhiên, cũng chỉ là thứ suy diễn định danh, kiểu như cổ tích Việt Nam kể chuyện “rau thì là”. Thượng đế đặt tên cho muôn loài thì lúc bí, Ngài cũng phải ngắc ngứ.

Nhâm Dần Nguyễn Việt Hà trong tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương

Nhâm Dần Nguyễn Việt Hà trong tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương

Kinh Phật liệt hổ trong “tứ Thánh Thú”, có lẽ vì phong độ của hổ đầy oai nghiêm dũng mãnh. Cũng giống như con người, chỉ khi chính trực thì mới hiển lộ được oai khí. Theo Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng thì ở lăng Thái sư Trần Thủ Độ, vị chính khách lỗi lạc lập quốc của triều Trần, có tạc hình một con hổ đá nằm với cái đuôi rất to. (Đuôi hổ được coi như một cần lái rất quan trọng. Ở kinh nghiệm của những người đi săn, khi con hổ quật đuôi về bên trái thì sau đó lập tức chồm nhảy về bên phải và ngược lại). Đây là một công trình văn hóa hiện được bảo giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. “Người ta cho rằng đấy là biểu tượng tính dữ dằn ác liệt của Đức thái sư họ Trần”. Trong 12 con giáp, chỉ có hai linh thú đủ nội lực tỏa ra độ khí. “Vân tòng long, phong ẩn hổ”. Mây hùng vĩ cuồn cuộn là điềm có rồng, gió lành lạnh phần phật thì hổ xuất hiện. Cổ sử khi vinh danh những vị minh quân khét tiếng, vẫn thường chép, dáng đi như rồng thế ngồi giống hổ.

Nhâm Dần Nguyễn Việt Hà qua nét vẽ của họa sĩ Đào Hải Phong

Nhâm Dần Nguyễn Việt Hà qua nét vẽ của họa sĩ Đào Hải Phong

Và cho dù hay được so với người, “hổ dữ không ăn thịt con”, thì ở sâu xa nhân tính, con người thỉnh thoảng vẫn mặc định thành kiến hổ là hung thú vì bản năng hoang dã hung bạo. Đã thế, hổ tuy có khỏe nhưng lại không khôn, truyện ngụ ngôn của người Việt hơn một lần chép, con người đã lừa con hổ như thế nào. Điển hình là câu chuyện “Trí khôn của ta đây”, từng được đưa vào sách giáo khoa, kể một anh nông dân láu cá đã đốt một ngây thơ hổ cháy nham nhở. Hình như con người thích tự tin mình mình mới là chúa sơn lâm.

Phê bình gia văn chương người Trung Quốc là Kim Thánh Thán (tự hiệu ông này cũng mang đầy “hổ khí”, tiếng thở dài của Thánh), khi bình kiệt tác “Thủy Hử” có chi tiết rất hóm. Họ Kim giải thích tại sao mình lại coi Võ Tòng là cao thủ đệ nhất trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Bởi “Võ Tòng trước giết hổ, về sau giết một đàn bà. Hỡi ơi! Không còn giống gì gầm thét như hổ, không còn giống gì ngọt nhạt như đàn bà, cả hai giống ấy là loại nguy hiểm vào bậc nhất. Thế mà giết hổ rồi chợt giết đàn bà, chẳng khó nhọc gì thì ít có vậy” (bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải). Có thể nói lần đầu tiên trong văn chương, đàn bà có vinh dự được xếp ngang với hổ.

Thành ngữ Việt khi ví von cũng chỉ dám, “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. “Miêu” nôm na là con mèo. Có điều lưu ý, dân gian Việt vẫn cho rằng, mèo là sư phụ của hổ. Toàn bộ võ công manh nha của hổ là được mèo truyền dạy. Duy nhất giấu bài là chiêu trèo cây. Biết khéo léo giấu giếm tính toán như thế chắc đây phải là mèo cái, chuyện “chưởng” hay trân trọng gọi là “sư nương”. Có phải thế chăng mà hổ là loài hiếm có hoang thú đã được con người thuần dưỡng, thậm chí còn được dạy làm xiếc. Thời bao cấp ở Hà Nội có chiếu một bộ phim Liên Xô lừng danh, “nữ tài tử dạy hổ”. Hổ giống trẻ con mẫu giáo, nghịch ngợm hoang sơ khó dạy. Không phải ngẫu nhiên mà vỉa hè lại gọi các cô ở trường mầm non là “cô nuôi dạy hổ”.

Nói chung cá tính của hổ độc đáo cực đoan, rất dễ thấy ở những văn nghệ sĩ sinh năm hổ. Những người làm văn nghệ tuổi Dần cả Đông lẫn Tây thì có nhiều, hầu hết đều tài năng và tuyệt đối chẳng chịu giống ai. Ở đây không bàn chuyện hay dở cao thấp, chỉ sơ lược nhắc đến vài phẩm tính “hổ” thường ẩn sâu trong họ. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn. Ông sinh năm Canh Dần 1950. Ông từng viết một truyện ngắn buồn đắng mãnh liệt “Trái tim hổ”. Cũng giống như tất cả những nhà văn lớn, tất thẩy đều lâm trọng bệnh trước khi vĩnh biệt cuộc đời nửa đen nửa trắng này. Họ vẫn có vẻ bình thường, ăn được ngủ được, nhưng trong sâu xa chợt nhiên xuất hiện một khoảng mênh mông cô độc. Một trái tim vốn quằn quại với mọi sự đớn đau của con người, bỗng dưng nghẹn ngào tê lại. Họ không khóc nữa, không đọc sách nữa, và tệ nhất, không viết nữa.

Ở thời gian cuối, ông Nguyễn Huy Thiệp giống hệt như một “lão hổ”. Này hổ già, tại sao không gầm nữa. Cái bí mật này họa chăng chỉ có núi cao với sông sâu may ra mới biết. (Cước chú, sách Tử vi đại khái lý giải. Trong thập nhị chi, duy có hai con vật được gọi là “lão”, đấy là hổ và chuột. “Lão thử” dễ biến hóa thành tinh, còn “lão hổ” được duyên dễ thăng hoa thành Thần). Bạn của ông Nguyễn Huy Thiệp, họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962 - Nhâm Dần. Họa sĩ Lê Thiết Cương sắp tròn lục thập hoa giáp, vẽ nhiều tranh hổ để ngăn tủ, đợi gió hay đợi người. Hổ của Lê Thiết Cương trông hiền, mơ hồ như không có tuổi và trái tim hổ thường là một khoảng trống phóng khoáng. Nó đủ rộng, ôm trọn cả một dãy phố. Phố nhỏ Lý Quốc Sư, thời nào cũng có vài kẻ kiệt hiệt. Nhà Cương chênh chếch thảo đường của Đại thiền sư Minh Không, người đã từ bi cứu Vua Lý Thần Tông thoát kiếp hổ.

Tết Nguyên đán năm nay là Nhâm Dần. Hành của Dần là Kim, hành của Nhâm là Thủy, thuận chiều tương sinh Thiên Địa giao hòa, chắc chắn sẽ mở ra một vận hội mới cho cả dân tộc vốn quen bi tráng này. Nhân tiết Xuân đẹp, họa sĩ Đào Hải Phong có xuất thủ vẽ tặng kẻ viết bài một bức tranh hổ tràn đầy sinh lực. Lặng lẽ ngồi độc ẩm ngắm tranh, bâng khuâng giống như vui. Vậy treo tranh lên báo Tết, mong hải nội chư quân tử cùng thưởng lãm.