Phim Việt: Đầu năm ăn lẩu, ôi ngao ngán...

ANTĐ - Có thể nói, đến lúc này, mùa phim Việt đầu năm đã xong. Ngoại trừ “Lệ phí tình yêu” tiếp tục chiếu dịp Valentine và “Ngôi nhà trong hẻm” mới ra rạp được ba ngày, những phim còn lại đã có thể biết được doanh thu và sự thắng thua trong bài toán kinh doanh của nhà sản xuất.

Nhưng, với khán giả, sự thắng thua bạc tiền đó không quan trọng. Điều mà họ cần nhất, là những bộ phim có chất lượng, lại chưa được đáp ứng. Mùa phim Việt sôi động nhất trong 15 năm qua, không hơn gì món lẩu thập cẩm. Mà ăn lẩu hoài, e rằng ngán...

Những chú đom đóm nhạt màu...

Nếu nhìn nhận công bằng, thì mùa phim Tết năm nay cũng có những điểm sáng. Như những người gạn đục khơi trong, khán giả yêu phim Việt là những người dễ tính bậc nhất. Chỉ cần có một điểm sáng là đã được trầm trồ khen ngợi. Chính vì thế, dường như tất cả những nét mới trong những bộ phim mùa này đều đã được thừa nhận.

Cụ thể, với “Lệ phí tình yêu”, một bộ phim mà ngay từ đầu giới truyền thông giữ thái độ “không khen không chê”, bởi một phần vì muốn giữ tinh thần chung cho khán giả mua vé không bị định hướng; phần khác, nhà sản xuất BHD dường như cũng không đẩy mạnh công tác truyền thông như những mùa phim Tết trước đây. Chính vì thế, “Lệ phí tình yêu” đã bị lép vế hẳn về truyền thông so với “ông lớn” “Thiên mệnh anh hùng”. Không có thông tin nào đề cập trực diện về bộ phim. Điều đáng buồn nhất của một sản phẩm nghệ thuật chính là nó không có tiếng vang, không tạo được hiệu ứng, khen cũng không mà chê cũng chẳng có. Sự im lặng đáng sợ. Dẫu vậy, “Lệ phí tình yêu” là một bộ phim được khán giả ưu ái nhiều nhất trong những phần bình luận về phim Tết.

"Tối nay 8 giờ" thất bại về doanh thu.

Một câu chuyện hiện đại, kể về một cô nhân viên ngân hàng phải đòi nợ một anh chàng diễn viên với cái tên trong khai sinh là Lý Văn Giàu, nhưng nghệ danh hoàn toàn khác. Một mặt thì hâm mộ diễn viên, mặt khác cô hằng ngày “truy nã” con nợ khó đòi với cái tên Lý Văn Giàu đáng ghét. Giàu là diễn viên, nhưng vì mưu sinh, và vì cần tiền chữa bệnh thận cho cô em gái, mà lúc nào cũng trong cảnh giật gấu vá vai. Cuối cùng, bất đắc dĩ, Lý Văn Giàu phải hiến một quả thận để cứu em gái mình. Tất cả tạo nên những tình huống trớ trêu, đôi khi trào nước mắt. Những hiểu lầm, giận hờn, những giá trị của cuộc sống hiện đại từ đó bật lên, tạo ra những nét duyên đáng yêu cho bộ phim. Không thực sự xuất sắc, nhưng có lẽ đây là một bộ phim khá hoàn chỉnh, cho thấy một hình ảnh phim Việt hiện đại, nhẹ nhàng và dễ xem.

Điểm sáng thứ hai là bộ phim cổ trang “Thiên mệnh anh hùng” của Phương Nam Film. Bối cảnh phim đẹp, được quay tại khu du lịch Tràng An và chùa Bái Đính (Ninh Bình), những màn đấu võ khá chân thật, bộ phim miêu tả về hành trình đi tìm bức huyết thư của Nguyên Vũ - hậu duệ của Nguyễn Trãi, nhằm minh oan cho ông nội, đồng thời tìm đường bình thiên hạ. Bộ phim cho thấy một không khí mới cho phim cổ trang Việt Nam, dòng phim vốn vắng bóng nhiều năm tại rạp chiếu và gây nhiều lo ngại sau thất bại của “Tây Sơn hào kiệt” năm 2010. Tất nhiên, bộ phim đã không đạt được hiệu ứng như mong đợi, tiền doanh thu vẫn chưa đủ tiền sản xuất (chứ không nói chuyện lời lãi) và sau chiêu PR ồ ạt, đã bị phản ứng ngược từ khán giả yêu phim.

Lẩu nhiều món, nhưng vị kém ngon

Vẫn là “Thiên mệnh anh hùng”, bộ phim yếu về kịch bản, đơn giản về phong cách kể chuyện, không tạo được dấu ấn của đạo diễn cũng như thông điệp phim bị mờ nhạt. Nhiều cảnh quay “trữ tình ngoại đề” và nhiều đoạn thoại quá dài trong những tình huống hiểm nguy, khiến tính chân thật của phim ảnh mất đi, thay vào đó khán giả cảm nhận giống một vờ cải lương cổ trang kiếm hiệp. Diễn xuất của diễn viên chưa trọn vẹn với nhân vật của mình và dường như cuộc đua giết chóc của các thế lực trong bộ phim, cuối cùng lại bị cái kết phim vội vàng làm phí phạm. Thêm đó, cách đạo diễn muốn truyền tải tới công chúng những thông điệp của mình có phần vụng về. Đó chính là lý do, giới phê bình đã không ưu ái cho bộ phim theo lẽ thường phải có.

Một “hiện tượng” lạ mùa Tết là phim “Hello cô Ba” của hãng Phước Sang đã mang về doanh thu gấp l0 lần kinh phí sản xuất (hơn 20 tỷ). Tất nhiên, đây là con số mà nhà sản xuất công bố (còn con số thật thì phải qua cơ quan thuế mới chính xác, vì nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam có thói quen “nổ” về doanh thu và hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình trước cơ quan thuế vụ. Nhưng dù có thể ít hơn, thì với kinh phí chưa đầy 2,5 tỷ, bộ phim này đã “chiến thắng” những bộ phim có vẻ là nghiêm túc và đầu tư nhiều tiền hơn. “Hello cô Ba” giống một vở tấu hài, với nhiều trường đoạn chọc cười khán giả và mang đến cảm giác dường như đạo diễn không biết làm gì cho đủ thời lượng một bộ phim dài, nên nhét đủ thứ vào một bộ phim.

Cũng cố gắng tạo một câu chuyện “giả bộ ly kỳ” nhằm phô diễn nét hài, nhưng khán giả khó tính đã nhăn mặt bỏ về giữa chừng. Điều đáng nói là, không ít khán giả bình dân vẫn chấp nhận dòng phim này (dòng phim được kết nối từ “Khi đàn ông có bầu”, “Công chúa teen và ngũ hổ tướng”, dòng phim mà lẽ ra phải được “khai tử” từ bộ phim thất bại thảm hại mang tên “Thiên sứ 99”. Đó là một “hiện tượng” mà chính những người theo dõi điện ảnh lâu năm cũng không thể lý giải. Dường như, trong tâm lý của người Việt, luôn bao gồm cả tâm lý “hên xui”, đôi khi thắng lợi nhờ may mắn chứ không chỉ cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản là đủ.

"Thiên mệnh anh hùng" có bối cảnh quay đẹp.

“Lời nguyền huyết ngải” là một câu chuyện khác, cho thấy một năm không mấy thành công của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Bộ phim được kỳ vọng nhất trong năm, bởi sau một thời gian khá lâu, kể từ “Chơi vơi”, anh chưa làm phim. Thêm vào đó, đây là bộ phim hoàn toàn khác với những bộ phim trước của họ Bùi. Nhưng, kết quả của bộ phim đã không được như mong đợi. Ngoài chuyện doanh thu không “vang dội” như mong muốn của nhà sản xuất, “Lời nguyền huyết ngải” còn cho thấy một lối dựng phim khó hiểu, phần lồng tiếng quá nghiệp dư và không ít lỗi kỹ thuật mà lẽ ra không nên mắc với một đạo diễn đã có ít nhiều kinh nghiệm như Bùi Thạc Chuyên. Cũng giống như “Lệ phí tình yêu”, “Lời nguyền huyết ngải” đẩy mạnh phần truyền thông online, nhưng phần truyền thông chính thống khá im lặng. Dường như các nhà báo văn nghệ đã ngần ngại nhiều hơn trước khi khen hay chê một bộ phim. Chê thì sẽ bị cho là “vùi dập ác ý”, mà khen thì... không thể. Im lặng có lẽ là giải pháp khôn ngoan...

Dù chiếu trước Tết gần một tháng, mở đầu cho mùa phim Việt năm nay, “Tối nay 8 giờ” đã là một cú thất vọng lớn với người xem phim. Được “ém” kỹ trong gói bài truyền thông, “Tối nay 8 giờ” thoạt đầu có cái tên khá lạ “Một buổi săn vịt trời”. Đến lúc công chiếu, như một sự ám thị về giờ chiếu phim, “Tối nay 8 giờ” đã đổi tên và có buổi ra mắt khá nhẹ nhàng tại TPHCM. Trước hết, bộ phim đã không đạt được độ rung cảm cần thiết về sự chân thật, khi cốt chuyện được kể quá “phiêu”, nếu không muốn nói là phi lý.

Nhưng nó lại quá quen thuộc với cách dựng phim của đạo diễn Lê Hoàng, kể từ “Gái nhảy”, vẫn là những cô gái đường cùng nghèo khó, tìm cách thoát nghèo dựa vào những chiêu mánh chinh phục đàn ông, cách mà đạo diễn Lê Hoàng nói, đó là tìm kiếm hạnh phúc! Tuy nhiên, thay vào việc các cô gái điếm năm xưa đi “lừa trai”, thì những cô gái của Lê Hoàng hôm nay là những cô gái bán karaoke ôm ở một miền quê, đi xe Attila và bán mọi tài sản để vào resort ở, với mục đích săn... đại gia, cố gắng đóng vai những cô gái ngoan hiền con nhà lành tội nghiệp.

Nhiều người nói đạo diễn Lê Hoàng đã cạn kiệt những ý tưởng dàn dựng. Nhưng đạo diễn có lý lẽ riêng của mình trong việc chọn đề tài này. Dầu vậy, khán giả sẽ phân vân, thực sự đối tượng mà đạo diễn muốn hướng tới là lứa khán giả nào? Tuổi teen? Giới văn phòng? Hay là khán giả trẻ một cách chung chung? Nếu là tuổi teen thì dường như những vấn đề phim đề cập đã... quá lứa. Nếu là giới văn phòng, thì câu chuyện trở nên non nớt và hời hợt. Còn nếu là khán giả trẻ chung chung thì cũng được, thích thì đi xem không thích thì thôi. Chính vì thế, bộ phim rơi vào tình trạng nửa vời, câu chuyện nửa vời, cách giải quyết vấn đề nửa vời và dàn dựng cũng lưng chừng, dàn diễn viên không hẳn là vô danh nhưng thực sự danh tiếng còn khiêm tốn. “Tối nay 8 giờ” rơi vào hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi khi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh và so sánh. Nhiều người trong giới nói, đó là “cái chết được báo trước”.

Phim Việt: Đầu năm ăn lẩu, ôi ngao ngán... ảnh 3
"Lời nguyền huyết ngải" không hấp dẫn như kỳ vọng.

Kết!

Sẽ còn quá sớm để nói về “Ngôi nhà trong hẻm” khi phim mới công chiếu được 3 ngày. Nhưng đây có thể coi là bộ phim được PR khá rầm rộ, quy tụ hai diễn viên ngôi sao là Trần Bảo Sơn và Ngô Thanh Vân. Tuy nhiên, bộ phim cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định về dàn dựng và kỹ thuật. Và điều đáng nói, dường như giới chuyên môn cũng khá kiệm lời khi nói về bộ phim này.

Phim Việt mùa Tết đã bước vào những ngày kết thúc, nhưng nếu để nhận diện một mùa phim có bội thu hay không thì có lẽ sẽ rất khó khăn. Bởi những thành công về thương mại chưa hẳn đã đại diện (hoặc che khuất) được những khuyết điểm về mặt nghệ thuật. Một nồi lẩu, không chỉ một món ngon, mà cần cả nước dùng ngon và gia vị thật đậm đà. Thiếu vắng một vị, cũng đã là bớt ngon. Huống chi, tất cả những vị góp lại đều nhạt, e rằng khó nuốt...