Phim tài liệu đặc biệt “Ngày con chào đời”: Ở đâu có tình người, ở đó mọi khó khăn đều có thể vượt qua

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau “Ranh giới”, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư tiếp tục mang đến cho khán giả những thước phim tài liệu xúc động về cuộc hành trình chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19 của những bệnh nhân F0 đặc biệt – những sản phụ nhiễm SARS-Cov-2. 50 phút phim “Ngày con chào đời” được xem là phần 2 của “Ranh giới”.

Đúng như đạo diễn Tạ Quỳnh Tư tiết lộ, phần 2 “Ngày con chào đời” được anh và êkip thực hiện với gam màu sắc tươi sáng hơn, không còn sự ngột ngạt đến nghẹt thở, thậm chí hụt hẫng đến tận cùng như những gì mọi người cảm nhận khi xem “Ranh giới”. Những thước phim lần này quả thực không lấy đi nhiều nước mắt của người xem như “Ranh giới” nhưng vẫn khiến người ta phải ngẫm ngợi và suy nghĩ về giá trị lớn lao của cuộc sống bình thường. Một trong những điều lớn nhất mà bộ phim làm được, có lẽ cũng là dụng ý của êkip sản xuất, đó là giải phóng khán giả khỏi cảm giác ám ảnh đến mức sợ hãi về dịch bệnh. Thay vào đó là sự hy vọng, lạc quan về một ngày mai tươi sáng hơn.

50 phút phim ghi nhận hình ảnh của 3 sản phụ ở bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM đang cận kề thời điểm sinh con. Điểm chung của họ là đều mắc Covid-19, đều không có bất cứ người thân nào bên cạnh trước thời khắc “vượt cạn” và đều hoang mang tột độ không biết liệu đứa con sau khi chào đời có khỏe khoắn hay không, có bị nhiễm bệnh như mình không. Có lẽ cũng bởi tâm trạng ấy nên một sản phụ mang song thai ngoài 32 tuần ban đầu đã từ chối mổ sớm vì sợ con sinh non sẽ gặp vấn đề về sức khỏe cho đến khi được các y bác sĩ giải thích và động viên tận tình.

Ngạc nhiên và xúc động hơn cả là hình ảnh người mẹ này được đẩy vào phòng mổ trong tình trạng cấp cứu vì tim thai xấu nhưng vẫn giữ được sự bình tĩnh đến giây phút cuối cùng, không quên nói lời cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã giúp mình “mẹ tròn, con vuông”. Trong hoàn cảnh này, họ xứng đáng được gọi là những “chiến binh” thực thụ. Có lẽ, người mẹ ấy đã trải qua sự đấu tranh tâm lý rất quyết liệt để có được sự kiên cường, mạnh mẽ và bình thản ấy.

Quả thực, làm mẹ là thiên chức vô cùng thiêng liêng của người phụ nữ, song quá trình mang nặng đẻ đau chưa bao giờ là điều dễ dàng. Với người bình thường, quá trình “vượt cạn” vốn đã nguy hiểm như câu nói ví von “chửa cửa mả”. Câu nói này áp vào những người mẹ F0 thì mức độ nguy hiểm thậm chí còn hơn thế gấp bội, bởi họ không chỉ là sản phụ, mà còn là bệnh nhân nhiễm Covid-19. Thế nên ngoài cuộc “vượt cạn” để sinh con, họ còn phải chống chọi với dịch bệnh để giành giật sự sống cho chính mình. Có lẽ, hơn ai hết họ hiểu rằng dù không có người thân bên cạnh nhưng mình không hề đơn độc trong cuộc chiến này.

Không có nhiều hình ảnh ghi lại sự vất vả, căng thẳng dồn dập của các y bác sĩ; cũng không còn âm thanh của tiếng máy thở, máy monitor đo nhịp tim vang lên khiến người xem cảm thấy nghẹn thở. “Ngày con chào đời” dẫn dắt người xem đến với những khuôn hình nhẹ nhàng hơn. Trong đó điểm nhấn là hình ảnh những đứa bé vừa lọt lòng đã mất mẹ, đứa may mắn hơn thì còn mẹ nhưng cũng chưa được gần bên vì dịch bệnh, tất cả đều được chăm sóc ở khu cách ly đặc biệt, nơi có dòng chữ “không gì có thể thay thế được sữa mẹ” nhưng chưa thể được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ. Thay vào đó, những thiên thần nhỏ ấy được đội ngũ y tá, hộ lý, tình nguyện viên áo xanh chăm bẵm từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Gam màu tươi tắn đó còn là gương mặt rạng rỡ của những sản phụ may mắn “vượt cạn” thành công, họ mỉm cười hạnh phúc dù chỉ được ngắm nhìn đứa con mình vừa sinh qua màn hình điện thoại. Còn rất nhiều điều xúc động khác ở những thước phim này khiến người xem thổn thức như câu chuyện về người mẹ già của một sản phụ quyết định cạo tóc để cầu nguyện may mắn đến với con mình và cháu ngoại; là hình ảnh một người bố lóng ngóng chăm cậu con trai nhỏ ở nhà, mong ngóng đến ngày đón người vợ đang bụng mang dạ chửa không may nhiễm Covid-19 phải một mình vào viện cách ly chờ đến ngày sinh nở; là hình ảnh anh trai của một sản phụ tận tình suốt cả tháng trời thay vợ chồng em gái chăm đứa cháu nhỏ vừa chào đời khi cả hai đều mắc Covid-19…Niềm tin và sự hy vọng về “ngày thái lai” hiển hiện trên từng khuôn hình, thước phim.

Trên tất cả, dù nỗi vất vả không được khắc họa tỉ mỉ như ở “Ranh giới” song những hy sinh không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ chống dịch – cứu người vẫn hiện lên đầy xúc động trong bộ phim tài liệu này. Như lời chia sẻ của một bác sĩ ngay sau kíp mổ cho một sản phụ, hơn lúc nào hết, họ thấu hiểu sự thiệt thòi của những sản phụ F0 đúng như câu nói: “đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Vẫn có những cuộc điện thoại được ghi lại trong phim song lần này không chỉ là những cú điện thoại khẩn để kêu gọi nhân lực, vật lực hỗ trợ cứu chữa cho các sản phụ mắc Covid-19, mà chủ yếu là những cú điện thoại báo tin vui cho gia đình sản phụ về việc có thể đến viện đón con về nhà. Xen lẫn đó có cả những cú điện thoại chia buồn về việc sản phụ đã qua đời sau khi sinh con.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư tiết lộ, khi thực hiện khâu hậu kỳ cho “Ngày con chào đời”, anh đã mất ngủ vì ám ảnh về ngồn ngộn những tư liệu mà mình và êkip ghi lại được trong quá trình làm phim. Bản thân anh chứng kiến hình ảnh các sản phụ F0 sinh con giữa lúc dịch bệnh lại càng thêm thương mẹ, thương vợ và thương những người phụ nữ đã vượt qua bao nỗi vất vả của sự mang nặng đẻ đau.

Đó cũng là lần đầu tiên anh được tận mắt chứng kiến cảnh người phụ nữ đã vất vả và khó khăn thế nào khi sinh con. Khi ấy, anh cảm nhận được rất rõ sự nỗ lực, quyết tâm của họ qua từng ánh mắt. Có những sản phụ không hề lo lắng cho tính mạng của mình mà chỉ nơm nớp lo nghĩ cho đứa con trong bụng sắp chào đời. Cũng theo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, điểm đặc biệt khi anh thực hiện những thước phim này là các sản phụ F0 mà anh gặp gỡ và tiếp xúc ở viện đều ở trạng thái bệnh tình nhẹ, có thể trò chuyện được bình thường và hầu hết chưa phải dùng đến máy thở ôxy.

Đạo diễn phim tài liệu “Ngày con chào đời” tâm sự, thông qua những thước phim này, anh muốn gửi gắm bức thông điệp về sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh, chiến thắng dịch bệnh của những người phụ nữ đang mang trên mình thiên chức làm vợ, làm mẹ. Cũng chính trong nghịch cảnh ấy, đội ngũ y bác sĩ và cán bộ y tế đã thay người thân ở bên cạnh chăm sóc, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ tự tin hơn, kiên cường hơn. Đặc biệt, tiếng khóc của những đứa trẻ ra đời giữa dịch bệnh như mầm sống mới vẫn mạnh mẽ vươn lên bất chấp sự khắc nghiệt và những mất mát do dịch bệnh gây ra. Bởi “sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ”.

Qua cả hai bộ phim “Ranh giới” và “Ngày con chào đời”, anh mong rằng mỗi người xem xong sẽ phần nào biết trân quý cuộc sống mà mình đang có, sống bao dung và yêu thương nhau hơn. Sự mạnh mẽ, tử tế xuất hiện ở đâu thì ở đó có chiến thắng. Ở đâu có tình người, ở đó sẽ vượt qua được tất cả khó khăn.