- Dàn nghệ sĩ nhiều thế hệ hội ngộ trong đêm nghệ thuật "Lũy đá bất tử"
- Hồng Đào - Tuấn Trần: Cặp mẹ con định mệnh của màn ảnh Việt
- Đóng máy phim "Dịu dàng màu nắng"
"Ký ức Nam Xuân" là bộ phim điện ảnh về đề tài chiến tranh Cách mạng do Nhà nước đặt hàng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những thước phim lấy cột mốc thời gian bắt đầu tự trận Tổng tiên công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại miền Nam và sẽ được lồng ghép với yếu tố nghệ thuật đờn ca tài tử - loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
![]() |
Cảnh trong phim "Ký ức Nam Xuân" |
Theo đó, chuyện phim xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Năm Đờn vốn là một nhạc sĩ tài danh của cổ nhạc miền Nam, sống ở vùng ven bờ sông Sài Gòn và cô con gái xinh đẹp, hát hay tên Mỹ Lệ. Tại nhà riêng, nhân vật Năm Đờn thu dạy một số người theo học đàn, trong số này có Sơn, một sinh viên âm thầm hoạt động Cách mạng, ráo riết móc nối các cơ sở. Qua quá trình tiếp cận và tìm hiểu, Sơn cũng hiểu ông Năm Đờn là cơ sở Cách mạng và cũng dùng ưu thế hoạt động đờn ca tài tử để lôi cuốn, giác ngộ quần chúng tham gia nổi dậy.
Khi trận Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân nổ ra, nhà ông Năm Đờn chính là cơ sở che giấu các chiến sĩ Cách mạng. Nhưng, không may, có kẻ tố giác, cơ sở bị lộ. Bi kịch xảy ra quá lớn: ông Năm Đờn hy sinh, cán bộ, chiến sĩ Cách mạng bị bắt, một số người bị lộ phải trốn vào chiến khu, riêng nhân vật Hùng Thiện bị đầy ra Côn Đảo.
Hòa bình lập lại Hùng Thiện trở về tìm Mỹ Lệ nhưng không gặp. Nỗi mất mát và oan nghi là "kẻ chiêu hồi" phản bội lại lý tưởng và con đường Cách mạng, đã làm rạn vỡ tinh thần của . Ông ở ẩn cho đến khi bất ngờ viên sĩ quan tham gia việc bắt giữ, tra tấn ông đã kể lại toàn bộ sự thật. Gần 40 năm danh dự của người chiến sĩ Cách mạng kiên trung của Hùng Thiện được phục hồi. Từ đây ông cũng tìm lại Mỹ Lệ và con trai Alex bởi sự kết nối kỳ diệu của bản Nam Xuân.
![]() |
Chia sẻ về tác phẩm điện ảnh này, ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng Giám đốc Công ty CP Phim Giải Phóng cho biết, phía đơn vị này rất tâm đắc với việc kịch bản phim "Ký ức Nam Xuân" lồng ghép với yếu tố đờn ca tài tử, góp phần giúp cho phim nêu bật được đặc trưng riêng trong đời sống của người dân Nam Bộ. Bên cạnh đó, xét về yếu tố nghệ thuật lẫn kỹ thuật, bộ phim sau khi hoàn thành được đánh giá là đạt ở mức cao, hình ảnh chất lượng 4K đáp ứng đủ điều kiện chiếu phục vụ khán giả ở ngoài rạp. Trước đó, phía Công ty CP Phim Giải Phóng cũng đã tham mưu, đề xuất cơ quan quản lý tạo điều kiện để các phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất ngoài việc chiếu phục vụ trường học, đơn vị quân đội, địa phương vùng sâu vùng xa...thì cũng được đưa ra ngoài rạp chiếu theo hướng thương mại. Doanh thu từ việc bán vé có thể bù vào phần kinh phí cho đơn vị phát hành, đơn vị sản xuất, còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước.
Với "Ký ức Nam Xuân", trước mắt đơn vị sản xuất phim sẽ phối hợp với Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL chiếu tại tỉnh Đắk Lắk vào ngày 10-8 tới với ý nghĩa hướng đến chào mừng 80 năm Quốc khánh của đất nước. Song song đó, Công ty CP Phim Giải Phóng cũng đề xuất cơ quan quản lý văn hóa sớm có quy định được phép phổ biến tất cả các bộ phim do Nhà nước đặt hàng. Dự kiến, "Ký ức Nam Xuân" và nhiều phim đặt hàng khác sedx được chiếu phục vụ rộng rãi tới khán giả cả nước vào đầu năm 2026. Cũng theo lãnh đạo đơn vị sản xuất "Ký ức Nam Xuân, việc chọn đạo diễn Hồ Ngọc Xum đảm nhận vai trò dàn dựng bộ phim này là vì vị đạo diễn này có kinh nghiệm làm nhiều phim về đề tài chiến tranh Cách mạng.
![]() |
Diễn viên Minh Luân trong vai nhân vật Hùng Thiện |
Về phần mình, đạo diễn Hồ Ngọc Xum chia sẻ, ông vốn rất thích làm phim về đề tài chiến tranh Cách mạng từ ngày xưa khi theo đạo diễn Hồng Sến để phụ làm phim cho bậc tiền bối này. Đạo diễn phim "Ký ức Nam Xuân" tiết lộ, kinh phí để làm phim lần này chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 các phim chiến tranh khác nhưng ông có kinh nghiệm nên tự tin làm được.
"Đọc kịch bản, tôi cũng thích vì nói về đờn ca tài tử mà tôi từng làm nhiều phim về Hồ Biểu Chánh cũng nói về đờn ca tài tử. Ngoài ra, câu chuyện về nỗi oan của người chiến sĩ cũng khiến tôi cảm động." - đạo diễn Hồ Ngọc Xum tâm sự, đồng thời nói thêm, một trong những cái khó nhất khi ông bắt tay vào làm bộ phim này là xử lý câu chuyện gắn kết giữa những người chiến sĩ quân giải phóng trong cuộc sống, cuộc chiến, được lồng ghép với đờn ca tài tử Nam bộ thời điểm cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 và sau khi đất nước hòa bình. Cụ thể đó là hầu hết các bối cảnh đều phải dựng lại như: chợ, đường phố, góc ngoại thành, cảnh xuồng ghe, nhất là những căn nhà thời điểm đó. Ban đầu êkip muốn tìm và sử dụng lại một số căn nhà cấp 4, nhưng không phù hợp, hay đường xá cũng vậy, giờ đã đổ bê tông trải nhựa hết. Ngay cả khi tìm bối cảnh ở Củ Chi cũng không còn phù hợp nữa.