Phim "Đất rừng phương Nam" liệu có bị "knock out" khỏi câu lạc bộ doanh thu "trăm tỷ" vì ồn ào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Chính thức xác lập kỷ lục về doanh thu sau 3 ngày mở bán các suất chiếu sớm song bộ phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" rất có thể sẽ khó có được doanh thu hàng trăm tỷ như kỳ vọng.

Phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dàn dựng, Trấn Thành đồng sản xuất, được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Việc đưa các tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng cho tới thời điểm này không còn là điều gì mới mẻ, nếu không muốn nói là đã trở thành một trong những hướng đi bảo chứng ít nhiều về doanh thu cho nhà sản xuất. Nói vậy là bởi tính đến giờ, cả 4 bộ phim làm theo hướng này gồm: "Cánh đồng bất tận", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Mắt biếc", "Tro tàn rực rỡ" (chưa kể "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" chuyển từ truyện cổ tích) đều không có phim nào bị lỗ, thậm chí có phim lãi kỷ lục, góp mặt trong câu lạc bộ phim có doanh thu "trăm tỷ" của điện ảnh Việt Nam.

Giữa bối cảnh khán giả dần "bội thực" với các phim chỉ mang tính giải trí đơn thuần và sự đổ bộ của các tác phẩm điện ảnh "bom tấn" nước ngoài thì làm phim dựa trên kịch bản được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng, được nhiều người yêu thích, có thể nói là một sự lựa chọn thức thời. Như một nhà sản xuất có phim làm theo hướng này từng thừa nhận tuy phim của mình lãi ít nhưng vẫn vui vì một phim thuộc dòng nghệ thuật vẫn thu được lãi.

Phim "Đất rừng phương Nam" làm một trường hợp đặc biệt. Bộ phim được chuyển thể từ một trong những tác phẩm văn học tiêu biểu viết về con người và miền quê Nam Bộ, được đánh giá cao trong kho tàng văn học Việt Nam, từng được in ấn, tái bản tổng cộng hơn 40 lần. Không chỉ vậy, trước khi được dựng lên màn ảnh rộng thì cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi từng được Hãng phim truyền hình TP.HCM sản xuất và tạo nên tiếng vang lớn trên màn ảnh nhỏ. Nhiều năm trước, đây là một trong những bộ phim thường được nhà Đài chọn phát sóng lại để phục vụ khán giả.

Vì thế có thể nói, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận được sự bảo chứng gấp đôi về hiệu ứng và doanh thu, nói cách khác là khó mà lỗ được sau khi ra rạp. Minh chứng là ngay từ khi phía nhà sản xuất công bố khởi động dự án phim này, rồi casting diễn viên...đã nhận được sự quan tâm háo hức không nhỏ từ khán giả, trong đó có cả những người từng đọc truyện và xem phiên bản phim truyền hình.

Ngay sau khi hoàn tất hậu kỳ và vượt qua khâu kiểm duyệt (mức K - phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi và có người bảo hộ đi kèm), phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" đã có buổi công chiếu ra mắt rềnh rang với sự tham gia của êkip sản xuất. Ồn ào cũng bắt đầu từ đây mà có, bởi sau buổi chiếu ra mắt phim, nhiều khán giả sau khi được xem đã bày tỏ băn khoăn, thắc mắc xoay quanh tình tiết, lời thoại và trang phục của diễn viên trong phim.

Hình ảnh MV nhạc phim của phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam"

Hình ảnh MV nhạc phim của phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam"

Tuy nhiên sau buổi công chiếu, ra mắt truyền thông, dù chưa chính thức ra rạp song trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội đã rộ lên những tranh cãi về bộ phim này. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng việc dàn dựng tình tiết nhắc đến hai bang hội có tên "Thiên địa hội", "Nghĩa hòa đoàn" nổi dậy chống giặc ngoại xâm gợi nhắc đến các bang hội có từ thời nhà Thanh của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trang phục của một số nhân vật, trong đó có nhân vật Bác Ba Phi do Trấn Thành đóng bị cho là có thiết kế không giống với áo bà ba truyền thống của người dân Nam Bộ mà đậm tính cách tân. Ngay cả hình ảnh trong MV nhạc phim "Bài ca phương Nam", các diễn viên cũng khiến người xem ngỡ ngàng vì mặc trang phục không sát với bối cảnh mà tác phẩm văn học nhắc hay bộ phim nhắc đến. Ngay cả nhân vật do Trấn Thành đóng có cách quấn khăn rằn, rồi quàng chiếc khăn này...cũng bị "soi" là không giống với đời thực lúc bấy giờ, thậm chí nhiều người còn hài hước nói rằng chiếc khăn rằn mà anh sử dụng trong phim lẫn khi quay MV có khi là "đồ hiệu" nên trông hơi khác so với chiếc khăn rằn bình dân bình thường.

Trước những thắc mắc này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng trả lời trên truyền thông, thừa nhận có những tranh cãi xung quanh bộ phim mà mình vừa dàn dựng. Theo đó, về một số chi tiết bị cho là chưa thuần Việt, vị đạo diễn này giải thích, phim đã thay đổi bối cánh, mốc thời gian so với bản tiểu thuyết, tức là thay vì bối cảnh những năm 1945 thì phiên bản điện ảnh giữ tinh thần bối cảnh của phiên bản phim truyền hình "Đất phương Nam", tức là lấy mốc thời gian trước năm 1930. Và với anh thì miền Tây là vùng đất du nhập nhiều người, nơi chào đón nhiều vùng miền, là nơi có sự hiện diện của nhiều cộng đồng văn hóa.

Tạo hình của Trấn Thành trong phim "Đất rừng phương Nam"

Tạo hình của Trấn Thành trong phim "Đất rừng phương Nam"

Về tranh cãi liên quan đến một số trang phục của diễn viên trong phim và khi quay MV nhạc phim, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ quan điểm, MV chỉ là một bài hát, không phải phim, các diễn viên đến ghi hình, tự thoại, tự hát ca khúc và nếu trang phục, tạo hình cũng giống như trong phim nữa thì "khá chán". Trang phục của Trấn Thành chỉ đơn giản là nam diễn viên này "chọn một cái áo đẹp để quay thôi, cách đeo khăn rằn cũng chỉ là một yếu tố thời trang thôi, đâu có sao?".

Còn trang phục áo bà ba mà Trấn Thành mặc trong phim không giống với áo bà ba truyền thống, nam đạo diễn lý giải: "Phim không phải sách giáo khoa, không mang nhiệm vụ là tư liệu lịch sử", bản thân anh cũng tìm hiểu nhiều tài liệu, gặp nhiều người, có người nói thế này, có người nói thế khác, có những chi tiết làm chưa tới, nhưng nói chung anh và êkip đã làm những điều phù hợp với khả năng của đoàn phim.

Những ồn ào kể trên tất nhiên là nằm ngoài dự tính và mong muốn của nhà sản xuất phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" cũng như những người chờ đến ngày ra rạp để thưởng thức bộ phim này. Tuy nhiên kể từ khi xảy ra những ồn ào gây tranh cãi này, khó khăn thách thức đặt ra với nhà sản xuất và đơn vị phát hành phim là không nhỏ. Thực tế cho thấy, sự tò mò của khán giả bây giờ dường như tỷ lệ nghịch với mức độ khó tính. Nói cách khác người xem thời buổi này sẽ không vì ồn ào mà tò mò mua vé đến rạp xem phim. Thậm chí ngược lại, chỉ cần một diễn viên tham gia diễn xuất trong phim vướng vào ồn ào lớn nhỏ gì, người ta có thể quay lưng với cả bộ phim. Thế nên ồn ào là điều mà chắc hẳn nhà sản xuất phim nào cũng sợ và né. Nhiều đơn vị còn cẩn thận đưa các điều khoản quy định chặt chẽ về bảo vệ hình ảnh, phát ngôn...khi ký kết hợp đồng hợp tác với các diễn viên, nghệ sĩ.

Với "Đất rừng phương Nam", tuy nói rõ từ đầu là phim chuyển thể, bản thân nguyên tác văn học (tiểu thuyết cùng tên do nhà văn Đoàn Giỏi sáng tác - cũng không phải tiểu thuyết lịch sử), song cho dù giải thích là phim hư cấu, không tái hiện tình tiết nào của lịch sử...nhưng những chi tiết đưa đến sự liên tưởng, tranh cãi như trên đã phần nào làm nguội đi sự trông ngóng, kỳ vọng của khán giả. Trên một số diễn đàn và mạng xã hội xuất hiện không ít các bài viết, bình luận khẳng định sẽ không mua vé đến rạp xem phim vì những ồn ào này. Đây chắc chắn là thách thức đặt ra khiến nhà làm phim phải "cân não" tìm cách gỡ.

Theo số liệu thống kê từ trang Box Office Việt Nam (BOVN) - trang tổng hợp, phân tích dữ liệu doanh thu phòng chiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì sau 3 ngày mở bán các suất chiếu sớm (chính xác là từ 19h ngày 13-10 đến hết ngày 15-10-2023), bộ phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" thu về khoảng hơn 45,1 tỷ đồng. Trước đó được biết trong ngày mở bán suất chiếu sớm đầu tiên (13-10), phim đã lập kỷ lục với việc có tới 1.600 suất chiếu, mang về doanh thu khoảng hơn 13 tỷ đồng. Sau khi dấy lên những tranh cãi, ồn ào như đã nêu, con số doanh thụ cụ thể của 2 ngày tiếp theo mở bán suất chiếu sớm chưa được phía nhà sản xuất "Đất rừng phương Nam" công bố. Tuy nhiên theo thông tin từ Box Office Vietnam thì trong 3 ngày mở bán suất chiếu sớm, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thu hút khoảng 465.000 lượt khán giả đến xem, trong đó thống kê cho thấy suất chiếu phim tại khu vực phía Nam, nhất là TP.HCM chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 80% tổng số suất chiếu trên toàn quốc.

Với thông tin trên có thể ước tính, doanh thu 2 ngày mở bán suất chiếu sớm (14 và 15-10-2023) của phim "Đất rừng phương Nam", trung bình khoảng 16 tỷ đồng/ ngày. Con số này không quá vượt trội so với doanh thu ngày đầu tiên mà có phần chững lại. Trong khi thông thường, với phim nào cũng vậy, nếu là phim được kỳ vọng từ trước thì trong thời gian phim mở bán các suất chiếu sớm, doanh thu các ngày sau sẽ cao hơn ngày đầu tiên nhờ hiệu ứng truyền thông lẫn truyền miệng.

Hiện tại theo chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, Cục Điện ảnh đã yêu cầu Hội đồng thẩm định, phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình tiến hành thẩm định lại phim "Đất rừng phương Nam". Phía nhà sản xuất phim cũng chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa lại một số chi tiết trong phim như: bỏ tên và lời thoại có nhắc đến tên “Thiên địa hội” và “Nghĩa hòa đoàn”, đồng thời thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài.

Sau khi chỉnh lại, phần thoại trong phim sẽ chuyển từ "Nghĩa hòa đoàn" thành "Nam hòa đoàn" và "Thiên địa hội" thành "Chính nghĩa hội"...Theo kế hoạch, sau khi chỉnh sửa, phim vẫn sẽ ra rạp vào ngày 20-10 tới. Mặc dù vậy, nhà làm phim vẫn phải đối diện với làn sóng phản ứng từ dư luận. Lúc này, việc phim có thể gia nhập câu lạc bộ doanh thu "trăm tỷ" hay bị "knock out" khỏi đường đua đến cái đích doanh thu này vẫn là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ phía trước.

Trước khi xảy ra ồn ào trên, phiên bản điện ảnh "Đất rừng phương Nam" từng vướng vào ồn ào xung quanh việc một tấm poster phim này bị cho là có rất nhiều điểm tương đồng, nếu không muốn nói là giống và trùng hợp một cách kỳ lạ với ý tưởng thiết kế và bố cục trình bày trên tấm poster của phim "The Creator: Kẻ kiến tạo" - bộ phim thuộc thể loại hành động, khoa học viễn tưởng do đạo diễn tên tuổi Hollywood - Gareth Edwards dàn dựng, là một trong những dự án phim được mong đợi nhất trong năm 2023. Phim quy tụ dàn diễn viên tên tuổi như: John David Washington, Ken Watanabe...và cả sự xuất hiện của "đả nữ" màn ảnh Việt - Ngô Thanh Vân trong một vài phân cảnh ngắn.