Một cảnh trong vở “Lời thề thứ 9”
Chen nhau xem kịch Lưu Quang Vũ
“Khán giả chính là yếu tố làm nên điều bất ngờ nhất tại Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ” - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam Lê Tiến Thọ chia sẻ về sự thành công ngoài mong đợi. Quả thật, đã quá lâu rồi sân khấu Thủ đô mới được chứng kiến cảnh tượng “hiếm có khó gặp” này. Khán giả ùn ùn đổ về các rạp gây nên hiện tượng “cháy vé”, “sốt” kịch Lưu Quang Vũ. Không chỉ có khán giả miền Bắc và khu vực Hà Nội mà khán giả phía Nam cũng bỏ công sức và tiền của đưa cả gia đình từ TP.HCM ra Thủ đô xem kịch. Thậm chí, người xem mạnh tay chi tiền mua vé “chợ đen”.
Không chỉ diễn vào ngày nghỉ mà ngày thường trong giờ hành chính, lượng khán giả kéo đến rạp vẫn không hề giảm. Trong đám đông xếp hàng vào cửa có nhiều độ tuổi và tầng lớp khán giả. Dù nhà hát có kê thêm vài hàng ghế nhựa thì tình cảnh đứng xem vẫn không tránh khỏi. Thậm chí, nhiều cô gái ăn mặc đẹp đẽ sẵn sàng ngồi bệt xuống đất để được xem kịch Lưu Quang Vũ. Đó là với những người trẻ, còn với lớp khán giả với mái đầu đã điểm bạc, họ tìm đến kỳ liên hoan lần này như tìm về những hồi ức đẹp của một thời tuổi trẻ và để được sống lại những kịch bản chính luận dám nói thẳng, nói thật, mang tính dự báo vượt tầm thời đại của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Đặc biệt, tại các nhà hát trước giờ diễn đều có rất đông khán giả đến thắp hương và đặt hoa trước bàn thờ tác giả, để tưởng nhớ một con người tài hoa phận bạc.
Khó có kịch bản hay
Thế mới biết, sau vài thập niên, những kịch bản được viết bởi Lưu Quang Vũ vẫn thổi vào sân khấu những hơi thở nhân văn, nhưng cũng đầy tính thời sự. Dựa trên nền tảng vững chãi ấy, nhiều đạo diễn trẻ đã mạnh dạn thử nghiệm những cách làm mới để đưa đến cho khán giả các vở diễn trung thành với nội dung kịch bản nhưng gần gũi với nhịp sống hiện đại. Từ kịch nói “Hồn Trương Ba da hàng thịt”-Nhà hát Kịch Việt Nam đến kịch hình thể cùng nguyên tác-Nhà hát Tuổi trẻ, từ vở chèo “Nàng Sita”-Nhà hát Chèo Hà Nội đến vở cải lương “2000 ngày oan trái”-Nhà hát Cải lương Hải Phòng, tất cả cho thấy những tìm tòi, sáng tạo của các đạo diễn nhằm tạo ra một phong cách dàn dựng riêng, một vở diễn để lại dấu ấn với khán giả. Sự chắc chắn và mạch lạc trong kết cấu kịch bản Lưu Quang Vũ với những tình tiết dung dị đời thường đầy chất chính luận, đánh thẳng, đánh mạnh vào các thói hư, tật xấu của đời sống xã hội vẫn luôn đúng và hiện diện trong đời sống ngày nay. Chính điều này đã làm nên tính hấp dẫn trong các vở diễn Lưu Quang Vũ.
Nhìn lại Liên hoan các vở diễn Lưu Quang Vũ có thể khẳng định, sự thờ ơ của khán giả với sân khấu phần lớn là do chúng ta đang thừa những kịch bản hời hợt nhưng lại thiếu những kịch bản hay, sâu sắc. Có lẽ một phần vì các nhà phê bình sân khấu đã quá chú trọng đến tính giải trí, hút khách bằng những tiểu phẩm hài rẻ tiền cố tình chọc cười khán giả. Khán giả xem kịch thì cười đấy nhưng lại quên ngay và đương nhiên, cái kiểu ép người ta phải cười tuyệt nhiên không để lại chút ít băn khoăn, day dứt nào, lại càng không đặt được câu hỏi về những khúc mắc còn tồn tại trong cuộc sống. Vậy mà, những vở diễn cách đây đến chừng 3 thập kỷ nặng về tính chính luận của Lưu Quang Vũ lại hút khách và “thổi bay” cái sự lạnh lẽo bấy lâu nay tồn tại trên sân khấu kịch.
“Hiện tượng Liên hoan các vở diễn Lưu Quang Vũ” đang đặt ra cho các nhà viết kịch, các nhà quản lý định hướng sáng tác để từ đó cho ra đời những kịch bản dám nói, dám đề cập đến những vấn đề nhức nhối của xã hội thông qua ngôn ngữ ước lệ của sân khấu.
Hàng loạt nghệ sỹ được vinh danh
Đã có 16 giải Vàng và 34 giải Bạc trao cho các nghệ sỹ trong tổng số 12 vở diễn tham dự “Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ”. Giải thưởng đạo diễn chỉ duy nhất có NSƯT Chí Trung (Nhà hát Tuổi trẻ) được vinh danh với vở “Mùa hạ cuối cùng”. Qua 12 vở diễn, người xem đã nhận thấy khá rõ diện mạo sân khấu Lưu Quang Vũ là vô cùng phong phú và đa dạng cả về mặt đề tài và thể tài, do đó đã đáp ứng được hầu hết các hình thức sân khấu Việt Nam từ Bắc chí Nam.