“Ông vua” tiếng động Minh Tâm

ANTĐ - Nhiều lần gọi điện hẹn gặp nghệ sĩ Minh Tâm, nghe giọng ông thều thào: “Chú mệt lắm!” đành lần lữa không dám đến. Đánh liều tìm đến thăm ông tại căn nhà nằm trong khu tập thể hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê, người nghệ sĩ già dù mệt nhọc vẫn kiên quyết lôi trà nước ra pha, rồi như quên mình đang bị ốm, lại nhẩn nha và cười rổn rảng khi nhắc lại những câu chuyện cũ…

Bức ảnh được nghệ sĩ Minh Tâm chọn làm… “di ảnh”

Bức “di ảnh” khác người… 

Nghệ sĩ Minh Tâm bảo ông “rửa tay gác kiếm” đã được gần 2 năm nay rồi, cũng chỉ vì sức khỏe không còn được như trước nữa. Ở tuổi ngoại bát tuần, nghệ sĩ Minh Tâm bảo ông đã chuẩn bị cả “di ảnh” để trước xe tang cho mình khi nằm xuống. Bức ảnh chụp ông với vẻ mặt nhìn nghiêng, đầu đội mũ phớt, đôi mắt sáng nhìn hướng lên trên với nụ cười mãn nguyện. Ông bảo đó là tấm ảnh mà ông thích nhất, dù trông không giống với những bức ảnh dùng để thờ vẫn được chụp trực diện với vẻ mặt cực kỳ nghiêm túc. Ông đã căn dặn cả con cháu về việc này. Bảo ông nói “gở”, ông chỉ cười xòa: “Bạn chiến đấu với tôi gần như đi cả rồi, mấy người bạn quen trong bệnh viện cũng đi nốt, mình chuẩn bị là vừa”. Nói đoạn như nhớ ra điều gì, ông lần giở cuốn sổ đóng bìa đỏ dày cộp, ánh mắt sáng quắc đầy kiêu hãnh: “Đây, tôi là lính Tây Tiến chính hiệu đấy nhé. Kỷ yếu Trung đoàn 52 đây”. Rồi ông kể có bận vào viện Đông Y điều trị, gặp một ông cán bộ văn hóa hồ hởi kể mình là lính Điện Biên năm xưa, ông liền chạy sang bắt chuyện rồi xưng mình cũng là lính của “đoàn quân không mọc tóc”. Sau lần ấy, hai người trở thành đôi bạn thân đến già. Người bạn này sau đó không may bị tai biến và liệt nửa người nhưng cho tới giờ cứ cách vài ngày lại bắt taxi đến rủ ông đi chơi. Đó là những tình cảm trân quý mà ông có được ngoài nghệ thuật.

Bị “tống” đi làm tiếng động

Nhắc đến cái nghề đã gắn bó với ông suốt cả cuộc đời, nghệ sĩ Minh Tâm bảo đó là nghề mà ông bị…“tống” làm. Sở dĩ vậy bởi thuở phim truyện còn sơ khai và Hãng phim truyện Việt Nam quyết định phải tìm ra một người làm riêng về tiếng động cho phim thì không hiểu sao ông lại được mọi người đồng tình “nhắm” đến. Vậy là ông đành nhắm mắt bước vào “buồng tối” với tâm trạng căng thẳng và cũng đầy ức chế. Từ chỗ căng óc lần mò cách tạo ra từng tiếng động nhỏ cho khớp với hình phim, ông bỗng say công việc lạ lẫm này từ lúc nào không biết. Và cơn say ấy cũng kéo dài tới cả nửa thế kỷ. Ngày mới vào nghề, ông bảo nhớ nhất là có lần ông nhận được đơn đặt hàng từ hãng phim tài liệu về việc làm tiếng động giả bước chân rầm rập của cả một đoàn lính lên tới vài trăm người. Ông về mượn 20 đôi giày đinh trong kho đạo cụ của Hãng phim truyện, đề nghị cắt cử 20 cán bộ công nhân viên của Hãng phim tài liệu tận dụng ngày chủ nhật được nghỉ để cùng vào “buồng tối” với mình. Trời thì nóng, phòng thì kín, 20 người chân xỏ giày đinh cứ tập duyệt binh đến vã mồ hôi hột mà bên thu âm vẫn bảo chưa thấy giống. Để 20 người ra ngoài hành lang nghỉ, ông bảo cậu học trò cùng mình vào phòng thu làm thử nghiệm một cách khác. Hóa ra ông nghĩ ra cách gấp những miếng carton thành hình chữ V, có đế là miếng carton dày hoặc miếng gỗ để giữ, rồi dùng tay vuốt đổ liên tục. Sau này cũng tạo ra tiếng động tương tự nhưng ông còn mày mò tìm ra nhiều cách khác như dùng giá để trứng gà làm từ bìa carton ép.

“Oai” không kể hết!

Suốt mấy mươi năm, dòng chữ “Tiếng động: Minh Tâm” chạy cuối hàng nghìn bộ phim và gần như không mấy phim ghi ông là “nghệ sĩ”. Ông bảo cũng nhiều người không thừa nhận ông là nghệ sĩ, cũng như chưa ghi nhận đúng về nghề làm tiếng động. Cũng có lúc ông chạnh lòng, nhưng không lâu. Có đoàn phim muốn làm loạt phóng sự về các nghệ sĩ lão thành của điện ảnh nước nhà, họ liên hệ với ông nhưng rồi lại băn khoăn cũng chỉ vì hai chữ “nghệ sĩ” ấy. Có lần sau khi làm xong một bộ phim của Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC), ông giật mình chạy lên hỏi đạo diễn Khải Hưng (khi ấy còn làm Giám đốc VFC) rằng sao trên phim lại đề ông là “NSƯT Minh Tâm”. Đạo diễn Khải Hưng bảo đấy là do đạo diễn phim Hoàng Tích Chỉ ghi như thế trong bản phim gửi lên Hãng. Ông chạy qua hỏi đạo diễn Hoàng Tích Chỉ thì nhận được câu trả lời tếu táo rằng: “ông còn là…bố của NSƯT ấy chứ”. Vậy là ông chỉ có nước cười… như mếu. Không danh hiệu là thế nhưng từ lâu cái nghề tiếng động cũng giúp ông được xếp vào dạng “oai” không kể hết. Bởi từ xưa, hễ khi nào cần người trợ giúp, ông lại kêu gọi từ đạo diễn đến cả trưởng phó các phòng ban trong Hãng đến phụ làm tiếng động. Mà làm có “cát sê” hẳn hoi, được phòng tài vụ trả công đàng hoàng nên ai nấy đều vui vẻ nhận lời.

Mê mải quanh năm suốt tháng trong “buồng tối” là thế mà cái nghề không làm ông trở thành người nổi tiếng được. Ra đường người ta thấy ông quen quen, nhưng chỉ nhớ mang máng ông từng đóng phim, nhớ nhất là vai ông thu tiền điện trong phim “Ghen” lướt qua màn hình vài chục giây, hay ông giáo già - cha của nhân vật Lãm trong phim “Người Hà Nội”… Ấy vậy nhưng ông không vì thế mà rầu, ông chỉ đau đáu mỗi điều rằng không biết sau mình, sau cô con gái Minh Thu và một số ít ỏi người gắn bó với nghề này, thì sẽ còn ai làm tiếng động cho phim, nhất là khi chả có cái “lò” nào đào tạo về nghề này, mà như vậy, xem chừng buồn lắm!