Ổn định trong thách thức

ANTĐ - Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng tới lưu chuyển vốn trong nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn thuộc nhóm những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao với mức 5,8% trong năm 2011. Trong đó, khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng mạnh, góp phần lớn nhất vào tăng trưởng chung. WB cũng đánh giá cao những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô với việc triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 11 đã tạo ra những chuyển biến kinh tế khả quan.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhận định, chỉ số lạm phát giảm dần qua từng tháng, xuống mức 19% trong 11 tháng qua, so với mức 23% cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, chính sách tiền tệ thắt chặt cũng đã giúp kiềm chế tăng trưởng tín dụng và cung tiền. Song theo các chuyên gia kinh tế của WB, tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chưa phản ánh đúng sức tăng trưởng bởi cơ cấu xuất nhập khẩu vẫn chủ yếu thiên về số lượng, tức là tập trung vào nhóm hàng nông sản, thủy hải sản mà chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Đáng lưu ý trong báo cáo của WB đưa ra là, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư của thế giới bị “co hẹp”, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam đã bị “ứ đọng”, trong 10 tháng đầu năm nay, tổng vốn cam kết thực hiện giảm tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là vấn đề được Phòng Thương mại châu Âu cảnh báo trong buổi công bố “Sách trắng 2012” về các lĩnh vực thương mại, đầu tư.

Theo ông Chủ tịch, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã quyết định không mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ của Anh, Pháp và châu Âu đã bỏ ra rất nhiều tiền để khảo sát, thăm dò thị trường, nhưng cuối cùng lại quyết định chuyển sang đầu tư vào Thái Lan, Malaysia, Indonesia, tạm thời không đầu tư ở Việt Nam. Ông Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu cho hay, không ít giấy phép đầu tư bị kéo dài từ 3 - 6 tháng, thậm chí có giấy phép “dây dưa” tới 3 năm vẫn chưa được cấp. Ông khuyến cáo: “Trong một thế giới đầy cạnh tranh, tất nhiên Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các nước khác. Tôi đang lo ngại khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN chính thức thực hiện, nếu các doanh nghiệp không đầu tư vào Việt Nam mà chuyển sang các nước khác để được hưởng lợi từ thuế, thì Việt Nam sẽ chậm chân hơn các nước khác.

Ông còn nhấn mạnh rằng, nếu chậm chân hơn trong một lần thì không sao, song chậm chân nhiều lần thì là một vấn đề. Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại cũng chỉ rõ, có nhiều kiến nghị của các nhà đầu tư từ năm trước lại được “bê” nguyên si vào bản kiến nghị năm sau, năm nay. Theo đánh giá của các doanh nghiệp châu Âu, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ ở Việt Nam đã được cải thiện khá. Tuy vậy, việc phân bổ ngân sách cho phát triển hạ tầng cần tập trung trọng điểm. Không nên đầu tư dàn trải như hiện nay, đặc biệt cần ưu tiên cho hệ thống đường sá dẫn vào các khu công nghiệp, cảng biển và cảng trung chuyển. Các doanh nghiệp cũng kêu ca về tình trạng tuyển dụng lao động. Họ rất muốn sử dụng nhân công Việt Nam vào làm việc chứ không muốn dùng người nước ngoài vì chi phí trả lương rất cao, thế nhưng chất lượng nguồn nhân lực có trình độ cao của Việt Nam lại quá thấp và thiếu.

Ghi nhận những chuyển biến tích cực, Giám đốc quốc gia của WB lưu ý nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt trước những thách thức. Nợ nước ngoài ở dưới ngưỡng cho phép trong khuôn khổ nợ bền vững, nhưng có thể xấu đi nhanh chóng như đang xảy ra ở nhiều nước. Nghị quyết 11 đã đem lại sự ổn định quan trọng cho nền kinh tế, song sự ổn định còn mong manh bởi sự chuyển dịch dòng vốn trong nền kinh tế còn rất lớn. Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn “loay hoay” tìm đường hướng tới mô hình theo nền kinh tế thị trường hay kết hợp giữa kinh tế thị trường và doanh nghiệp có vai trò chủ đạo.