NXB Thế giới phản hồi về cuốn sách gây tranh cãi trên cộng đồng mạng

ANTD.VN -Liên quan tới cuốn sách “Nicôlét và kho báu của phù thủy Paturon”, ngày 24-8, Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới Đoàn Trần Lâm đã có cuộc trò chuyện cùng Báo An ninh Thủ đô để tháo gỡ các thắc mắc về ngôn từ và nội dung được cho là phản cảm của cuốn truyện.

PV: Trước sự phản hồi của các bậc phụ huỳnh liên quan tới cuốn sách “Nicôlét và kho báu của phù thủy Paturon”, NXB Thế giới đã tiến hành các bước cần thiết để kiểm chứng chưa, thưa ông

Ông Đoàn Trần Lâm: Cuốn sách này xuất bản năm 2007 và đến nay không còn lưu hành trên thị trường. Vì thế, dù đã kiểm chứng lại thông tin liên quan tới sự phản hồi của các bậc phụ huynh về cuốn truyện nhưng NXB cũng không tiến hành thêm các bước tiếp theo.  

PV: Vậy sau khi đã kiểm chứng thông tin, ông có đồng tình với những nhận định về sự phản cảm trong ngôn từ và nội dụng cuốn sách?

Ông Đoàn Trần Lâm: Nếu xét ở nội dung phảm cảm, cá nhân tôi không cho rằng, cuốn sách có cốt truyện lệch lạc. Nếu nói cuốn sách này có nhiều chi tiết phản cảm thì phải xem dành cho lứa tuổi nào? Bởi ngay truyện cổ tích Việt Nam và Truyện cổ tích thế giới còn đầy rẫy các chi tiết vượt ngoài lứa tuổi thiếu nhi. Trong khi ấy, truyện cổ tích còn có thể dành cho mọi lứa, thanh niên, người già đều có thể đọc. Cuốn sách này kể lại cuộc chiến giữa cô bé và sư tử liên tiếp nuốt chửng nhau rồi chạy thoát bằng đường hậu môn.

Ông Đoàn Trần Lâm, Giám đốc NXB Thế giới

Không nhẽ vì điều này lại cho rằng, câu chuyện không được đúng chuẩn? Trong truyện cổ tích đôi khi phản ánh quan niệm nguyên sơ của người cổ đại. Những tộc người này giải thích sự xuất hiện của con người từ hai lỗ mắt, hai lỗ mũi, từ miệng… của một vị thần. Đây là cách nhận thức và lý giải sự xuất hiện của con người theo một cách nhìn khác với người Việt Nam. Và điều này thường thấy trong truyện thần thoại, truyền thuyết Hy Lạp. Vì thế, không thể nói, nội dung của cuốn sách có vấn đề.

PV: Còn về ngôn từ của cuốn sách, chắc hẳn NXB Thế giới đã rất cân nhắc khi giữ nguyên từ gốc mà nhiều người vẫn cho rằng không nên đưa vào một tác phẩm văn học như “Nicôlét và kho báu của phù thủy Paturon”?

Ông Đoàn Trần Lâm: Trong từ điển Anh-Việt, Pháp-Việt có bao giờ từ “đít” mang nghĩa xấu không? Vì trong ngôn ngữ của tiếng Pháp nguyên bản có sử dụng từ đó thì khi dịch ra tiếng Việt sẽ dùng từ đó. Chúng ta thấy những từ tục tĩu trong tiếng Việt thường liên quan tới hành động sex, tới chỉ bộ phận sinh dục. Những từ đó nếu xuất hiện trong văn bản, trong văn chương thường được viết tắt nhưng không cấm sử dụng. Còn từ mà chúng ta cho rằng phản cảm vì đã sử dụng trong câu chuyện cổ tích này lại chưa bao giờ rơi vào trường hợp phải viết tắt hoặc dùng uyển ngữ để thay thế. Vậy tại sao ta phải tránh từ đó? Những từ khác như “chôn” hay” hậu môn” không thể thay thế cho từ này được vì sắc thái của từ sẽ bị thay đổi.

Cuốn sách “Nicôlét và kho báu của phù thủy Paturon”

PV: Qua 2 cuốn sách là “Nicôlét và kho báu của phù thủy Paturon” và “Truyện Kiều” do NXB Thế giới phát hành từng làm dấy lên cuộc tranh luận về yếu tố dung tục. Ông thấy sao khi tiêu chí phản cảm đang ngày trở nên …nhạy cảm đến vậy?

Ông Đoàn Trần Lâm: Cách đây ít thời gian, cuốn sách “Truyện Kiều” có liên kết giữa NXB Thế giới và công ty Nhã Nam cũng làm ồn ào dư luận với nhiều ý kiến cho rằng, bức tranh Kiều tắm không phù hợp dành cho các em học sinh. Thế nhưng, cuốn sách  này đâu chỉ dành cho trẻ con. Và lần này, cuốn “Nicôlét và kho báu của phù thủy Paturon” cũng vậy.

Tôi cho rằng, tiêu chí phản cảm nên được xem xét trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là cần sự phân chia độ tuổi rõ ràng. Với cùng một từ ngữ ấy, cùng một bức tranh ấy nhưng với người lớn là bình thường, còn với trẻ nhỏ lại là cả một vấn đề đáng bàn. Đặc biệt với cuốn sách “Nicôlét và kho báu của phù thủy Paturon”, cứ cho học sinh đọc cuốn sách lúc đó là 12 tuổi thì bây giờ các em đã là những thanh niên. Vậy đã có nghiên cứu nào cho thấy yếu tố dung tục ấy có tác động tới tâm lý, tâm hồn, tính cách và phát triển năng lực của thế hệ thanh niên ấy? Đúng là phản cảm đang ngày trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết! (cười)

Trang sách khiến dân mạng xôn xao

PV: Trong thời gian tới, nếu cuốn sách được tái bản, NXB Thế giới có thay đổi về hình thức của cuốn truyện không, thưa ông?

Ông Đoàn Trần Lâm: Với một cuốn sách được cho là phản cảm còn phụ thuộc vào quan điểm và sự đánh giá của từng cá nhân. Do vậy, nếu trong thời gian tới, NXB Thế giới tái bản cuốn sách, phụ huynh hoàn toàn có quyền từ chối cho con em đọc nếu cho rằng, truyện dung tục. Còn với nhà xuất bản, nếu dư luận vẫn lên tiếng mạnh mẽ về cuốn sách, chúng tôi sẽ chỉ định dãn nhãn lứa tuổi để khuyến cáo các bậc phụ huynh.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!