Bà bảo rằng đang đi thăm con. Giọng bà như trầm xuống, ngắt quãng. Đây đã là lần thứ ba con trai bà đi cai nghiện, không biết có ăn thua gì không. Rồi bà thổn thức xót xa cho hoàn cảnh của chính mình. Bà muộn chồng, muộn con và sớm thành góa phụ. Bao năm, bà lam lũ, chiu chắt hy sinh cho con mà chẳng mảy may nghĩ một điều cho mình. Người con của bà lớn lên dẫu không học hành đàng hoàng nhưng cũng có nghề nghiệp ổn định. Rồi con trai bà có vợ, có con. Những tưởng như vậy là quá đủ cho bà, nhưng một ngày kia, bi kịch bắt đầu kéo đến. Con trai bà dính vào ma túy, tài sản trong nhà ngày ngày đội nón ra đi. Cô con dâu cũng vội vã ra đi, bỏ lại đứa cháu chuẩn bị vào lớp một. Đã có lúc bà định chết cho xong nhưng nghĩ đến con, đến cháu bà lại thôi. Bà lam lũ chạy chợ, làm đủ thứ việc không tên để cho cháu học hành, cho con đi cai nghiện. Cháu bà giờ đã học lớp bốn. Mỗi lần con lên trại là một lần bà hy vọng, hy vọng một ngày nó thoát khỏi lầm lạc, muội mê để làm lại cuộc đời, để gia đình bà có một ngày êm ấm.
Mười năm qua, tôi chưa một lần gặp lại bà trên toa tàu này. Có lẽ bởi tôi ít về quê hơn hoặc có thể cái hy vọng đẹp đẽ hôm nào của bà đã thành hiện thực. Nhưng đến hôm nay, tôi thực sự không khỏi ngỡ ngàng khi gặp lại bà trong hoàn cảnh tương tự thế này. Toa tàu cũ kỹ và thưa thớt thỉnh thoảng lại rồ lên hồng hộc như bà cụ ho khan. Cũng ghế cuối này nhưng hình như bà không nhận ra tôi, có lẽ tôi cũng chỉ là một trong rất nhiều người khách tình cờ gặp và được nghe câu chuyện của bà. Bà giờ đã khác nhiều, khuôn mặt hốc hác, mái tóc bạc trắng thưa thớt lòa xòa. Bà vẫn lặng lẽ rủ rỉ về câu chuyện của cuộc đời mình như đang trút một bầu tâm sự. Chỉ có điều câu chuyện ngày hôm nay thì dài hơn, não nề và chua xót hơn.
Năm lần đưa con đi cai nghiện khiến bà kiệt sức. Bà buông xuôi, phó mặc cho số phận. Mấy năm trước, người con trai đã tự tử khi biết mình bị nhiễm HIV. Bà nuốt đau, gượng dậy nuôi cháu ăn học, mong bù đặp lại những mất mát trong gia đình. Cháu bà cũng là đứa ngoan ngoãn và có chí học hành. Tưởng những năm tháng sóng gió đã qua rồi, nhưng một ngày kia, bi kịch lại kéo đến. Sau khi trượt đại học, đứa cháu bỗng suy sụp rồi sa chân và con đường lầm lạc mà bố nó đã đi qua. Bao u uất, lo lắng cứ đè nặng trong tim, bà như muốn chết đi một lần nữa. Rồi thương cháu, bà lại gắng gượng dậy, chạy vạy khắp nơi, bán tất cả mọi thứ trong nhà để đưa cháu đi cai nghiện. Bà lão khẽ nấc lên từng hồi. Hai hàng nước mắt xuôi xuống, chảy tràn trên gương mặt theo nếp nhăn chằng chịt xạm nắng.
Tôi khẽ nén một tiếng thở dài. Bà lão vẫn gục đầu, sụt sùi khóc. Rồi như chợt nhớ ra điều gì bà vội ngẩng đầu lên, đưa vạt áo lau nước mắt. Bà rủ rỉ kể lại những câu chuyện đáng yêu của đứa cháu. Rồi bà lão khẽ cười, nụ cười muộn mằn tỏa sáng trên gương mặt của người đàn bà chịu qua nhiều đắng cay trong cuộc đời. Và vệt nước mắt đã kịp khô đi trong nắng hắt cuối chiều.