NSNA Nguyễn Đình Toán tiết lộ điều tiếc nuối về nhạc sĩ Văn Cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - NSNA Nguyễn Đình Toán từng là hàng xóm của nhạc sĩ Văn Cao. Trong kho gia tài ảnh đồ sộ của ông còn lưu giữ gần 200 bức ảnh về vị nhạc sĩ mà ông gọi là “ông hàng xóm vĩ đại” này.
NSND Nguyễn Đình Toán xúc động chia sẻ kỷ niệm về nhạc sĩ Văn Cao tại buổi giới thiệu chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt" diễn ra sáng nay 3-8 tại Hà Nội

NSND Nguyễn Đình Toán xúc động chia sẻ kỷ niệm về nhạc sĩ Văn Cao tại buổi giới thiệu chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt" diễn ra sáng nay 3-8 tại Hà Nội

Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ giới thiệu chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (1923 – 2023), NSND Nguyễn Đình Toán kể, nhiều người chụp nhạc sĩ Văn Cao, ông chỉ là một trong số đó. Bắt đầu chụp nhạc sĩ Văn Cao từ năm 1987, với NSND Nguyễn Đình Toán thì điều đặc biệt nhất khi chụp vị nhạc sĩ này là ông không bao giờ hỏi xem ảnh Theo lời kể của NSNA Đình Toán, ông chụp được khá nhiều bức ảnh về nhạc sĩ “Tiến quân ca” nhưng để lưu trữ được cho tới tận bây giờ không phải việc đơn giản. Có những cuốn phim đã được chụp, ông biết chắc chắn còn nhưng hiện vẫn chưa tìm ra được.

Trong số đó, điều khiến NSNA Đình Toán cảm thấy tiếc nuối nhất là lần có cơ hội theo nhạc sĩ Văn Cao đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc bấy giờ, nhạc sĩ Văn Cao được mời đến vẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và NSND Nguyễn Đình Toán cũng được người nhà của ông nhờ đi theo để ghi lại những khoảnh khắc quý báu đó. Đến nơi, NSND Nguyễn Đình Toán bày máy móc lỉnh kỉnh mang theo ra, đặt chân máy quay, máy chụp để chụp cảnh nhạc sĩ Văn Cao đang vẽ Đại tướng.

Tiếc là lần đó, cuộc vẽ không thành, nhạc sĩ Văn Cao vẽ đi vẽ lại đến lần thứ 6 vẫn cảm thấy chưa ưng. Thấy vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo ông nghỉ tay uống nước, bà Đặng Bích Hà – phu nhân của Đại tướng mang một chai rượu hoa quả mậu dịch ra để mọi người cùng uống. Có điều, những thước phim ghi lại buổi vẽ ngày hôm ấy cho tới bây giờ, NSND Nguyễn Đình Toán vẫn chưa tìm ra. Ông vẫn tiếc, giá như hôm ấy cầm những bản vẻ không thành của nhạc sĩ Văn Cao về thì giờ chắc chắn đã có nhiều tư liệu quý và những kỷ niệm đẹp.

Nói về mối duyên đưa mình trở thành một phần của chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao, NSND Nguyễn Đình Toán cho biết, Giám đốc dự án chương trình đặc biệt này – luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh ngày trước cũng là hàng xóm của nhạc sĩ Văn Cao, thậm chí nhà của bà còn gần nhà nhạc sĩ Văn Cao hơn cả ông. Khi có ý tưởng thực hiện chương trình, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh đã liên hệ với NSND Nguyễn Đình Toán bảo lần này dự án mong muốn chỉ dùng các bức ảnh của ông chụp nhạc sĩ Văn Cao. Nghe vậy, ông rất vui và lập tức soạn lại kho ảnh còn lưu giữ về nhạc sĩ Văn Cao để góp phần cung cấp thêm tư liệu cho chương trình. Lần 1, ông góp 115 ảnh. Lần 2, ông góp 53 ảnh. Ông bảo với luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh: “Chúng ta làm cuộc này là làm cho ông hàng xóm vĩ đại của chúng ta”.

Theo chia sẻ từ Ban tổ chức, chương trình “Đàn chim Việt” sẽ diễn ra vào 20 ngày 20-8-2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên VTV1, đồng thời được livestream trên kênh Youtube, Website, Fanpage của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.Chương trình do PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chỉ đạo nội dung; nhạc sĩ Đức Trịnh đảm nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật; đạo diễn Phạm Hoàng Nam giữ vai trò tổng đạo diễn; nhạc sĩ Đỗ Bảo làm giám đốc âm nhạc; NSND Kiều Lê biên đạo múa…

Chương trình sẽ làm sống lại những sáng tác bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao ở cả 3 thể loại: tình ca, hành khúc và trường ca. Đó là những nhạc phẩm đã đi vào lòng người yêu nhạc các thế hệ như: Thiên thai, Buồn tàn thu, Trương Chi, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên, Trường ca sông Lô, Tiến quân ca, Tiến về Hà nội, Chiến sĩ Việt Nam…song lần này sẽ được hòa âm phối khí lại với nhiều thủ pháp nghệ thuật hiện đại. Số lượng các nhạc sĩ tham gia phối khí làm mới các tác phẩm này như lời Giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Đỗ Bảo tiết lộ là “nhiều đến mức không nhớ nổi” nhưng tất cả đều là những nhạc sĩ tên tuổi như: nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Lưu Quang Minh, nhạc sĩ Hoài Sa, nhạc sĩ Thanh Phương, nhạc sĩ Minh Đạo, nhạc sĩ Dương Cầm….

Trong vai trò Giám đốc âm nhạc chương trình “Đàn chim Việt”, nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ, những ngày đầu khi nhận lời mời tham gia vào êkip sản xuất, anh cực kỳ “choáng” bởi khối lượng công việc khổng lồ và anh cũng chưa từng làm chương trình nào được tổ chức với quy mô lớn như vậy. Riêng biên chế dàn nhạc đã có tới 4 dàn nhạc: dàn nhạc giao hưởng Mặt trời, dàn nhạc hợp xướng Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, dàn quân nhạc bên đoàn nghi lễ quân đội, dàn nhạc hỗn hợp trường Đại học VHNT quân đội. Chưa kể tới sự tham gia của nhóm các em thiếu nhi và dàn nghệ sĩ gần 30 giọng ca tên tuổi khắp ba miền đất nước, từ nhạc chính thống, đương đại đến phổ thông như: NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, Ánh Tuyết, Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương, Lan Anh, Phúc Tiệp, Đào Tố Loan, Ngô Hương Diệp, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Thăng Long, Đào Mác, Yvol, Đỗ Tố Hoa,Thu Hằng, Bùi Trang, Tạ Quang Thắng… Nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết, riêng khâu thu âm và xử lý hậu kỳ đã được chuẩn bị chặt chẽ và khoa học từ cuối tháng 5-2023.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh, “Đàn chim Việt” sẽ vượt qua khuôn khổ một chương trình nghệ thuật thông thường, trở thành một sự kiện nghệ thuật để người hâm mộ, người dân tưởng nhớ về chân dung một người nghệ sĩ tài hoa ở nhiều lĩnh vực văn chương, nghệ thuật. Trong đó, tài năng sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao cũng như thành tựu nghệ thuật của ông, đặc biệt phải kể đến ca khúc “Tiến quân ca” đã làm giàu có thêm cho kho tàng nghệ thuật dân tộc Việt Nam.

Sinh ngày 15-11-1923 tại Hải Phòng, Văn Cao - người chiến sĩ của đội Danh dự Việt minh khi ấy mới tròn 22 tuổi. Người trước đó chỉ được biết đến bởi những bài tình ca, nổi danh trong nền Tân nhạc Việt Nam ở cuối những năm 30 thế kỷ trước là người tài hoa với thi, nhạc lãng mạn - đã làm giàu cho gia tài âm nhạc của đời mình bằng hùng ca và hoàn thành bức chân dung nghệ sĩ của đời mình bằng tài năng không giới hạn ở thể loại.

Cũng từ những ngày tháng tám ấy, tên tuổi của nhạc sĩ Văn Cao vĩnh viễn gắn liền với lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam và lịch sử của dân tộc Việt Nam như một tài năng lớn, đầy phẩm cấp. Sự hiện diện của ông đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam đã mang lại không chỉ những tác phẩm đáng giá mà nhân cách của ông cũng là tài sản của một thế hệ những người yêu nước, đầy lý tưởng, và lớn hơn cả là một lòng với Độc lập của dân tộc.

Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996).

Nhắc đến Văn Cao, mọi công dân Việt Nam, dù có thể không thuộc hết các ca khúc, biết hết các bài thơ và được chiêm ngưỡng đủ các tác phẩm hội hoạ của ông, nhưng chắc chắn đều có thể cất lên tiếng hát “ Tiến quân ca “ của Văn Cao để thể hiện lòng yêu Tổ quốc của mình.

Năm 2023 - để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao, được sự chỉ đạo và phối hợp tổ chức của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức sự kiện nghệ thuật nhằm tôn vinh tài năng của người nghệ sĩ lớn này. Sự kiện sẽ được tổ chức một cách quy mô tại Nhà hát Lớn thủ đô Hà Nội cũng trong những ngày tháng tám lịch sử, được truyền hình trực tiếp trên sóng của truyền hình Việt Nam, với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng trên cả nước… và hàng triệu khán giả sẽ được thưởng thức sự kiện ấy.