"Nóng" việc rạch xước tác phẩm tại triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Ngay từ khi chưa khai mạc, triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 (hay còn gọi là triển lãm mỹ thuật toàn quốc) đã "nóng" chuyện rạch xước tác phẩm và họa sĩ xin rút khỏi triển lãm. Buổi họp báo diễn ra trước lễ khai mạc cũng "nóng" râm ran xung quanh câu chuyện này.

Không khí căng thăng của cuộc họp báo được thể hiện ngay từ khi đặt chân tới cầu thang của phòng họp báo. Nghĩa là, để tham dự cuộc họp báo này, các nhà báo phải trải qua 2 vòng kiểm soát giấy mời. Đầu tiên là ở ngay cầu thang, các nhà báo phải xuất trình được giấy mời, nếu không xin mời đứng ngoài. Rồi khi đặt chân vào phòng họp báo, các nhà báo một lần nữa phải xuất trình giầy mời mới được nhận tài liệu.

Và quả nhiên, chỉ sau ít lời mở đầu của lãnh đạo cục và vài lời nhận xét ban đầu của hội đồng nghệ thuật, phòng họp báo bắt đầu "nóng". Với những câu hỏi như kinh phí để Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được cấp một năm là bao nhiêu; Khi nhận tác phẩm, cục có cam kết với tác giả về bảo quản tác phẩm hay không; Cho đến giờ phút này có bao nhiêu tác phẩm "bị thương" trong quá trình vận chuyển và tác giả đã nhận được thông tin nào chưa.... đã "châm ngòi" cho những câu hỏi tiếp theo liên quan tới quá trình vận chuyển và bảo quản tác phẩm tại triển lãm Mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm video art đoạt giải Nhì "Tích tắc" của nghệ sĩ Võ Việt Dũng

Tác phẩm video art đoạt giải Nhì "Tích tắc" của nghệ sĩ Võ Việt Dũng

Ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp cho cục một năm là 9,6 tỷ đồng. Số tiền này đã được dùng để tổ chức rất nhiều sự kiện như triển lãm đồ họa Việt Nam-Asean, triển lãm mỹ thuật trẻ... Dù kinh phí rất hạn hẹp nhưng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức hành công hầu hết các cuộc.

"Với triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020, khi rà soát các công việc của triển lãm, các nhân viên của cục đã phát hiện một số tác phẩm bị xước và đã chủ động gọi điện cho các tác giả, xin lỗi, nhận lỗi về Ban tổ chức. Chúng tôi đã rất cầu thị và nói với tác giả là sau triển lãm sẽ có cuộc ngồi lại với nhau. Với 1 triển lãm có hơn 500 tác phẩm là rất lớn, cách làm tổ chức triển lãm như thế này thì chưa như mong muốn. Chúng tôi rất chia sẻ với các nghệ sĩ, nhà điêu khắc, vì tác phẩm là "con đẻ" của các nghệ sĩ, để xảy ra như thế này là điều chúng tôi không mong muốn", ông Mã Thế Anh nói.

Lý do nguyên nhân khiến cho một số tác phẩm tại triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 bị hư hỏng, ông Mã Thế Anh cho rằng, với cách tổ chức như thế này, không phải riêng ông mà ai đứng ra tổ chức cũng sẽ bị như thế. Với hơn 100 con người, huy động cả nhân viên của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Ban tổ chức đã làm cật lực từ khi nhận tác phẩm đến bây giờ. Số lượng tác phẩm nhiều, nếu chúng ta vẫn giữ cách tổ chức như thế này thì năm sau cũng rất có thể sẽ bị sự cố như năm nay.

Tác phẩm tranh lụa đoạt giải Nhì "Thầm thì" của họa sĩ Nguyễn Thị Hoàng Minh

Tác phẩm tranh lụa đoạt giải Nhì "Thầm thì" của họa sĩ Nguyễn Thị Hoàng Minh

"Để chọn ra tác phẩm xứng đáng, các tác phẩm đã được bê ra bê vào rồi xếp vào kho xong lại mang lên treo, di chuyển rất nhiều công đoạn, có cả trăm con người cùng thực hiện. Quy mô và cách làm của chúng ta có vấn đề. Nếu chúng ta còn làm như thế này sẽ còn sai sót. Tôi mong các anh em nghệ sĩ và báo chí chia sẻ với ban tổ chức. Thành công của triển lãm có sự đóng góp lớn của các nghệ sĩ. Những vấn đề của Ban tổ chức, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn", người đứng đầu Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết.

Tiếp tục đặt câu hỏi về vấn đề này, một nhà báo đã thẳng thửng đưa ra câu hỏi rằng, tại triển lãm lần này có bao nhiêu tác phẩm bị hư hỏng, việc xước tác phẩm có ảnh hưởng tới chất lượng của triển lãm và từ trước tới nay, việc làm hư hỏng tác phẩm có là tiền lệ....

Người đứng đầu Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh cũng thẳng thắn trả lời câu hỏi của nhà báo. Ông cho biết, triển lãm mỹ thuật Việt Nam có 5 tác phẩm bị hư hỏng. Và đến nay có họa sĩ Nguyễn Quốc Huy đã xin rút khỏi cuộc triển lãm lần nay. Và rằng, việc xước tác phẩm đã có tiền lệ. Tất nhiên, tác phẩm là bảo vật đối với mỗi họa sĩ nên việc làm hư hỏng nó đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chung của triển lãm. Ban Tổ chức rất thấu hiểu điều này và đều mong muốn tìm ra một giải pháp hợp lý hợp tình cho sự cố đáng tiếc.

Tiếp ngay sau đó, một nhà báo đã đưa ra câu hỏi về phương án chuyển tranh vào TP.HCM trưng bày của triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020, để tác phẩm không bị rạch xước. Ông Mã Thế Anh chia sẻ, quá trình vận chuyển này sẽ được giao cho một đơn vị vận chuyển lớn, chuyên chuyển tranh cho các bảo tàng. Và các tác phẩm chuyển vào TP.HCM chỉ có các tác phẩm đoạt giải và tác phẩm của các họa sĩ Sài Gòn.

Lại tiếp tục một câu hỏi nữa về những thay đổi cách thức tổ chức mà ông mong muốn, để không lặp lại sự cố đáng tiếc. Lãnh đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã trình bày khá tỉ mỉ những dự định của ông như việc treo tranh sẽ cố định ngay từ khâu chấm chọn, thay vì chuyển ra chuyển vào như hiện nay. Theo ông Mã Thế Anh, đó là phương án tối ưu nhất.

Triển lãm thu hút đông đảo người tham quan tới thưởng lãm tác phẩm

Triển lãm thu hút đông đảo người tham quan tới thưởng lãm tác phẩm

Rồi một câu hỏi nữa được đặt ra xoay quanh vấn đề này nhưng đã được người đứng đầu cục hẹn để trả lời riêng, thay vì làm mất thời gian họp báo chung. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã giảm nhiệt cho cuộc họp báo bằng những lời lẽ rất thuyết phục.

Ông cho biết, từ những năm 60 đến nay, từ khi còn là một học sinh cho tới khi làm thầy rồi nghệ sĩ, ông đã biết có rất nhiều cuộc triển lãm đều có hỏng hóc tác phẩm, thậm chí mất tranh, nhưng không ai kêu ca gì, bản thân ông cũng bị mất. Nếu công tác tổ chức như thế này thì vẫn xảy ra bởi chúng ta hoạt động vẫn rất nghiệp dư, chưa có công ty vận chuyển cho nghệ thuật.

Chúng ta có công ty vận chuyển hàng hóa và họ xếp vận chuyển tác phẩm nghệ thuật chung với vận chuyển hàng hóa. Người công nhân vận chuyển không quan tâm đến tác phẩm nghệ thuật mà coi đó là thùng hàng. Những tác phẩm bọc kính có khi vỡ khủng khiếp, đâm cả vào mặt tranh. May mà lần này không có hiện tượng ấy.

Một tác phẩm bị xước bề mặt

Một tác phẩm bị xước bề mặt

Về mặt trưng bày, chúng ta không có công ty chuyên về trưng bày mà thường đến triển lãm thì thuê luôn đội ngũ ở đấy làm. Và người làm cũng không phải là chuyên nghiệp lắm. Họ chỉ là người tham gia bốc vác, treo, có khi đóng đinh lên tường rất lung tung. Họ không quan tâm đến tranh treo, có khi nóc của tranh vẫn treo lơ lửng cái đinh, cái dây. Hơn thế, nghệ sĩ không quan tâm và không tham gia đóng bảo hiểm cho tác phẩm.

"Việc triển lãm của chúng ta lại rất gấp gáp. Khi tổ chức triển lãm mới sơn tường. Người sơn không quan tâm bên cạnh họ là tác phẩm nghệ thuật nên đã để bắn rất nhiều sơn lên tác phẩm. Ở công tác tổ chức, anh Mã Thế Anh nên quan tâm đến những thay đổi có tính chất quản lý nhà nước".

Cuộc họp báo sau đó đã xoay sang hướng các câu hỏi mang tính nhận xét về chuyên môn. Dẫu còn những khúc mắc chưa thật sự được giải đáp nhưng dù sao, đây cũng là một cuộc họp báo thẳng thắn và đi thẳng vào vấn đề mà dư luận quan tâm.