Nông sản Việt đối mặt nhiều rào cản thương mại từ các nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xuất khẩu nông sản Việt Nam trong vài năm trở lại đây đang trên đà ‘thăng hoa” mạnh mẽ, đặc biệt là nhóm hàng trái cây, rau củ quả. Tuy vậy, các quốc gia cũng không ngừng sử dụng các rào cản thương mại, chính sách để siết hàng nhập khẩu.

Nhiều thách thức từ an toàn thực phẩm đến bảo vệ môi trường

Báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, quá trình hội nhập quốc tế làm gia tăng cạnh tranh. Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tham gia FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI (đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp, đây là một thách thức lớn đặt ra, xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường.

Với lợi ích thu được từ Hiệp định, nhất là những ưu đãi về thuế quan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia khác sang Việt Nam, gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước. Khi đó nông sản trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm.

Quá trình hội nhập làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp. Các nước đang phát triển mạnh sản xuất nông sản với chất lượng cao cũng trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu gạo như Campuchia, Myanmar; xuất khẩu thủy sản như Ấn Độ, Mexico, Indonesia.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam nhiều năm trở lại đây đã bứt phá mạnh mẽ

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam nhiều năm trở lại đây đã bứt phá mạnh mẽ

Đề cập về yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng cao, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, thị trường tiêu dùng hàng nông sản hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội đòi hỏi các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được khai thác hợp lý; từ đó đưa ra các tiêu chuẩn tương ứng về nguồn gốc sản phẩm như thủy sản, rau quả, gỗ...

Các quốc gia và người tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn. Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.

“Nông sản sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội” – ông Trần Thanh Hải lưu ý.

Dù vậy, nhiều ngành hàng cũng đối mặt áp lực cạnh tranh, rào cản thương mại mạnh mẽ từ các nước

Dù vậy, nhiều ngành hàng cũng đối mặt áp lực cạnh tranh, rào cản thương mại mạnh mẽ từ các nước

Chủ động kiểm soát thay vì bị động

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành nông nghiệp phát triển theo chuỗi, chế biến để đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp FDI để nâng cao sức mạnh tổng hợp về vốn, công nghệ, trình độ quản lý khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam.

Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cũng đã có những bước tiến mới trong việc quản lý, chủ động làm việc với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; chủ động tạm dừng xuất khẩu đối với những lô hàng, vùng trồng, cơ sở đóng gói bị các nước cảnh báo để khắc phục.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, vài năm trở lại đây, đối với các cơ sở đóng gói, vùng trồng nếu có thông báo vi phạm hay cảnh báo từ các nước nhập khẩu Cục đều gửi thông báo về cho các địa phương để truy xuất nguyên nhân, hướng khắc phục. Trên cơ sở này, Cục sẽ đàm phán với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu.

Vừa qua, Cục BVTV cũng đã chủ động tạm dừng xuất khẩu một số sản phẩm nông sản đối với 74 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm.

“74 cơ sở này không phải do phía hải quan Trung Quốc yêu cầu dừng mà phía Việt Nam chủ động dừng để rà soát lại hệ thống và giải pháp khắc phục, tránh trường hợp rơi vào thế bị động, vi phạm nhiều lần bị nước bạn cấm nhập khẩu”- bà Hương cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Cục BVTV, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá rất cao các giải pháp mà Cục triển khai.

“Chúng ta có 2 cách ứng xử với các mã vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm: hoặc là nước nhập khẩu sẽ cảnh báo, tạm dừng và yêu cầu thu hồi sản phẩm; và hai là nước xuất khẩu sẽ tạm dừng và chủ động thu hồi.

Nếu để nước nhập khẩu yêu cầu dừng xuất khẩu và thu hồi thì câu chuyện rất phức tạp, sẽ mất nhiều thời gian để đàm phán xuất khẩu trở lại. Trong khi đó, mình chủ động tạm dừng xuất khẩu để khắc phục vừa được đánh giá cao, vừa không mất thời gian”- bà Hương cho biết.

Theo bà Hương, hiện nay, Cục đang phối hợp với Cục Trồng trọt, báo cáo Bộ NN&PTNT đề xuất chính phủ sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng Nghị định mới về quản lý mã số, vùng trồng để nâng cao tính cảnh báo và răn đe, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc quản lý, truy xuất và xử lý vi phạm.

Ngoài quản lý bằng chính sách thì nhiều chuyên gia cũng cho rằng, công nghệ được xác định là giải pháp quan trọng giúp tăng giá trị cũng như nâng cao thị phần của nông sản của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, nhằm đảm bảo các quy định về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về chất lượng, yêu cầu về môi trường, doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu.

“Doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại song song với ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Đây là một thách thức nhưng cũng là điều kiện để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam” – TS Nguyễn Văn Hội nêu quan điểm.