‘Nóng’ mỹ phẩm, hàng thời trang lậu giao dịch trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thực tiễn công tác nắm tình hình, đấu tranh của các đơn vị, lực lượng thuộc Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho thấy, đã và đang “nóng” dấu hiệu vi phạm của các sản phẩm mỹ phẩm, thời trang nhập lậu, làm giả…rồi giao dịch qua mạng xã hội.

Theo đánh giá của Cơ quan thường trực BCĐ 389 TP. Hà Nội, trong tháng 7, tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố vẫn còn xảy ra, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm…

Lực lượng chức năng TP. Hà Nội niêm phong hàng hóa vi phạm

Lực lượng chức năng TP. Hà Nội niêm phong hàng hóa vi phạm

Việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như đồ may mặc, giày dép… vẫn còn tồn tại. Tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi phạm về an toàn thực phẩm; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Trong tháng 7, các lực lượng chức năng của BCĐ 389 TP. Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 3.787 vụ; xử lý hành chính: 3.407 vụ. Khởi tố 5 vụ đối với 14 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 384 tỷ đồng.

Sản phẩm thời trang nhập lậu bị thu giữ

Sản phẩm thời trang nhập lậu bị thu giữ

Cụ thể, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hà Nội chỉ đạo các Đội QLTT tiếp tục thực hiện các kế hoạch của Cục ban hàn; Chỉ đạo các Đội QLTT phối hợp với Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp quản lý cơ sở cam kết đảm bảo đầy đủ hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng, không để thiếu hàng đồng thời tuyên truyền giải thích người dân không tập trung đông người mua sắm để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong tháng, lực lượng QLTT đã kiểm tra 517 vụ, xử lý 381 vụ; phạt hành chính số tiền gần 3,8 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 21 tỷ đồng.

CATP tiếp tục thực hiện Kế hoạch về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021; Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng hóa để phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm lớn về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn đơn vị quản lý.

Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá đúng thực trạng tình hình có liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Triển khai toàn diện công tác điều tra cơ bản, lập danh sách những đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, hàng giả.

Trong tháng, lực lượng Công an đã kiểm tra 241 vụ, xử lý 191 vụ, phạt hành chính số tiền gần 1,9 tỷ đồng; truy thu thuế gần 26 tỷ đồng; khởi tố hình sự 5 vụ đối với 14 đối tượng.

Cục Hải quan TP. Hà Nội phát hiện, bắt giữ 59 vụ; xử lý 59 vụ; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 1,9 tỷ đồng...

Theo ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục QLTT TP. Hà Nội, thời gian qua, gắn với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã quan tâm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; cam kết không buôn lậu, không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm.

Một số vụ việc nổi được các đơn vị, lực lượng thuộc BCĐ 389 TP. Hà Nội phát hiện, xử lý thời gian qua

- Đội QLTT số 14 phối hợp với Tổ công tác 368 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Phòng CSKT - CATP Hà Nội kiểm tra các địa điểm nghi vấn tập kết hàng hóa nhập lậu tại quận Hai Bà Trưng, Long Biên; tạm giữ hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thời trang …trị giá trên 6 tỷ đồng. Điểm chung của các cơ sở, đối tượng này là giao dịch qua mạng xã hội.

- Đội QLTT số 19 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma tuý, Công an huyện Thạch Thất kiểm tra cơ sở kinh doanh tại làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất; phát hiện khoảng 2.800 kg các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh... chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ, hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

- Đội QLTT số 8 phối hợp với Đội 5, Phòng CS Môi trường – CATP Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh, tập kết hàng hóa tại số 6B1 khu tập thể đường sắt, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm; phát hiện 11.579 sản phẩm là dầu gội đầu, dầu xả, thuốc nhuộm tóc, máy cắt tóc, kéo...các loại, tương đương gần 4 tấn hàng hóa. Số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất và tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.