Nóng - lạnh đều đáng lo

ANTĐ - Không còn phải bàn cãi gì nữa, sau 40 tháng liên tục tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm nay đã bắt đầu giảm ở mức âm 0,26% theo công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tín hiệu của nguy cơ thiểu phát đã lộ diện. 

Với mức tăng trưởng âm này, CPI trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,52% so với tháng 12-2011 và tăng 12,2% so với bình quân 6 tháng cùng kỳ 2011. Đặc biệt tại hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP.HCM, thiểu phát rất rõ rệt, CPI của Hà Nội âm 0,17% và TP.HCM âm 0,43% tạo ra lực kéo lớn khiến CPI cả nước giảm mạnh.

Theo Vụ trưởng Vụ Giá cả, Tổng cục Thống kê, thiểu phát mới chỉ diễn ra trong một tháng nên chỉ là tín hiệu nhưng lại cảnh báo nguy cơ. Theo nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, CPI có sự tăng - giảm khác nhau và có sự đóng góp khác nhau. Giá lương thực, mặt hàng thiết yếu của người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, giảm liên tục trong 6 tháng liền, tổng mức giảm tới 4,68%. Giá thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng chi tiêu trong đời sống cũng giảm liên tục trong 4 tháng liền.

Điều này chứng tỏ, chính nông dân đã góp phần “cứu giá” cho cả xã hội, song cũng chính bà con nông dân “một nắng hai sương” lại chịu thiệt thòi nhiều nhất khi giá lương thực thực phẩm giảm mạnh, còn giá hàng hóa tiêu dùng phi lương thực, thực phẩm lại tăng. Hơn thế, CPI giảm xuống âm còn do nguyên nhân giá lương thực giảm khiến cho xuất khẩu gạo giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái cả về lượng, cả về giá cả và thị trường.

Không thể bỏ qua nguyên nhân do sức tiêu dùng của dân cư “co bóp” lại, thể hiện bởi tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng thấp hơn nhiều so với từ năm 2010 trở về trước. Đáng lo ngại, so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng sản xuất bị suy giảm, thì lượng sản phẩm, hàng hóa tồn kho lại tăng cao. Lượng hàng tồn kho chất đống không chỉ xảy ra ở một vài ngành kinh tế mũi nhọn, mà ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, các loại hàng hóa, sản phẩm, từ hàng công nghiệp, vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép cho tới lương thực và một số loại thực phẩm. Vì đầu tư, sản xuất, tiêu dùng đều “co” lại nên kim ngạch nhập khẩu tăng thấp, trong đó hàng loạt mặt hàng giảm đáng kể như xăng dầu, gas, phân bón, ô tô nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng…

Còn có một nguyên nhân do giá vàng và giá USD giảm đã góp phần ổn định tâm lý và giảm “lạm phát tâm lý”. Mặc dù thừa nhận, CPI tăng chậm lại và giảm trong tháng 6 chứng tỏ việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã đạt kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Song, nguy cơ thiểu phát, theo giới chuyên gia, còn đáng ngại hơn cả lạm phát. Đã đến lúc phải khẩn trương đẩy mạnh tăng trưởng hợp lý bằng cách hạ nhanh hơn nữa lãi suất cho vay, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ theo Nghị quyết 13/CP.

Dự báo, tốc độ tăng CPI sẽ còn chậm lại trong 3 tháng tới mà “đáy” của nó có thể rơi vào tháng 9. Lạm phát là tăng trưởng “nóng”, giá cả tăng vọt. Thiểu phát là tăng trưởng dưới mức “lạnh”, thậm chí xuống độ âm. Nóng hay lạnh đều đáng lo, nhất là người lao động, người thu nhập thấp và người nghèo.