Nói được phải làm được

ANTĐ - Trong các phiên chất vấn Thủ tướng và 5 thành viên Chính phủ, các ý kiến chất vấn được tập trung vào nhóm vấn đề, không dàn trải và đi vào những vấn đề vĩ mô. Còn các câu hỏi quá cụ thể, có tính chất địa phương thì các bộ trưởng chỉ cần ghi nhận và trả lời bằng văn bản sau. Đó là khẳng định của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về sự đổi mới của Quốc hội trong kỳ họp này, trong hoạt động chất vấn vốn được cử tri đặc biệt quan tâm.

Bầu không khí trong những phiên chất vấn nóng hay không chính là bởi những vấn đề được nêu ra, thời gian hỏi và trả lời có thể rút ngắn, chắt lọc và cô đọng hơn, song những bức xúc về tai nạn giao thông, ùn tắc ở Hà Nội, TP.HCM; lạm phát và cắt giảm đầu tư công; minh bạch về giá xăng dầu; chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tỷ giá, thị trường… vẫn còn “nóng” từ những phiên chất vấn trước đây. Những câu hỏi chất vấn về vấn đề ùn tắc giao thông, lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu cũng như những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội đều đã được các bộ trưởng đầu ngành gửi văn bản trả lời các đại biểu Quốc hội. Trước những câu hỏi: Có hay không hiện tượng “làm giá” giữa một nhóm các doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực này? Có phải kinh doanh điện và xăng dầu thật sự lỗ hay do công tác điều hành của Bộ Tài chính thời gian qua còn lỏng lẻo? Bộ trưởng Tài chính trả lời bằng văn bản khẳng định rằng, quan điểm điều hành giá xăng, giá điện là nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Vì vậy, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội lộ trình xóa bỏ bao cấp qua giá đối với một số hàng hóa như điện, xăng dầu. Không trả lời thẳng vào câu hỏi “làm giá và lỗ lãi của công ty kinh doanh xăng dầu”, Bộ trưởng Tài chính chỉ cho biết đã tổ chức ba đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh tại các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và sẽ có báo cáo với các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều đại diện tỏ ra chưa hài lòng về việc điều hành giá điện, xăng dầu. Xăng dầu và điện là hàng hóa được kinh doanh chủ yếu bằng vốn nhà nước, giá cả có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội.

Vì vậy cần phải minh bạch để cử tri theo dõi và hiểu được sự điều hành của Bộ như vậy đã đúng theo cơ chế thị trường chưa. Có lẽ “nóng” nhất trong các phiên chất vấn vẫn là vấn đề giao thông, nhất là tai nạn giao thông diễn ra nghiêm trọng nên có đại biểu gọi là “thảm họa”, có người gọi là “quốc nạn”. Trả lời bằng văn bản gửi các đại biểu cũng như trực tiếp trên hội trường trong phiên mở đầu chất vấn, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã đưa ra hàng loạt giải pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi một bước tai nạn giao thông trong cả nước và ùn tắc giao thông trong các thành phố lớn. Một số giải pháp cấp bách là quy trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức. Tịch thu phương tiện đua xe trái phép, xử phạt cao nhất các hành vi vi phạm; lập lại trật tự, kỷ cương đường phố. Bố trí lệch giờ làm việc, học tập, kinh doanh. Đặc biệt sẽ di dời các cơ quan nhà nước, trường đại học, cao đẳng, xây dựng và thực hiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân và thu phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Mục tiêu mà Bộ trưởng GTVT đặt ra là giảm từ 5-10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do TNGT hàng năm. Giảm bớt các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút.

Đặt ra một mục tiêu cụ thể trong một nhiệm kỳ, có thể coi như một lời cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước. “Bộ trưởng phải làm được như đã nói và nói phải đi đôi với làm”, một đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.