Nợ công của Việt Nam ngấp nghé ngưỡng 86 tỷ USD

ANTĐ - Dư nợ Chính phủ trong năm 2014 đã ở mức gần 86 tỷ USD tương đương 1,8 triệu tỷ đồng. Đây là con số vừa được Bộ Tài chính đưa ra tại Bản tin nợ công số 4 (năm 2016).

Nợ công của Việt Nam ngấp nghé ngưỡng 86 tỷ USD ảnh 1

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sự kiện Brexit không tác động lớn

tới nợ công của Việt Nam

Theo Bộ Tài chính, nợ của Chính phủ được hiểu là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, ngoài nước được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, ủy quyền.

Dư nợ Chính phủ trong năm 2014 theo tính toán ở mức hơn 85.947 triệu USD tương đương 1,8 triệu tỷ đồng. Nếu so với năm 2010 khi dư nợ ở mức hơn 46.978 triệu USD tương đương hơn 889.000 tỷ đồng thì dư nợ Chính phủ trong năm 2014 đã tăng hơn 103%.

Dự nợ của Chính phủ năm 2014 tương đương 46,4% GDP, trong đó nợ trong nước có tỷ lệ lớn hơn nợ nước ngoài. Cụ thể, nợ trong nước là hơn 47,8 tỷ USD và nợ nước ngoài là trên 38,1 tỷ USD.

Nhìn lại từ năm 2010, xu hướng này chỉ xuất hiện trong 2 năm là năm 2013 và năm 2014. Trước đó, từ năm 2010, nợ nước ngoài luôn chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ. Tính toán của Bộ Tài chính cũng cho thấy, dư nợ Chính phủ so với thu ngân sách của năm 2014 bằng 211,5%. Trong năm 2014 Việt Nam đã chi gần 12,3 tỷ USD tương đương 260.000 tỷ đồng để trả nợ, con số này tăng tới gần 199% so với năm 2010.

Bộ Tài chính cho biết thêm, tính tới ngày 31-12-2015, ước tính nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP. Trong khi đó, giới hạn trần nợ cho phép giai đoạn năm 2011-2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua trong đó có nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Như vậy, so với mức trần, nợ Chính phủ trong năm 2015 đã vượt trần 0,3%.

Liên quan tới vấn đề nợ công, một số ý kiến cho rằng, sự kiện Brexit - Anh rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động tới tỷ giá và gây ảnh hưởng lên nợ công của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) khẳng định, đến thời điểm này, Brexit không ảnh hưởng nhiều tới nợ công của Chính phủ Việt Nam.

Ông Võ Hữu Hiển đánh giá, việc Anh rời EU có tác động nhiều mặt đến nền kinh tế thế giới chứ không riêng Việt Nam. Một trong những tác động đó là việc tỷ giá đồng tiền trên thế giới có sự thay đổi do nhiều nước đã điều chuyển chính sách về tỷ giá với đồng tiền của mình.

Sự kiện Brexit khiến đồng Bảng Anh mất giá khoảng 8%, đồng USD lên giá trong một khoảng thời gian ngắn nhưng ngay sau đó đã trở về bình thường và có dấu hiệu giảm, Euro và Nhân dân tệ cũng mất giá, chỉ có đồng Yên đang tăng giá.

“Bảng Anh chỉ chiếm 2% trong cơ cấu nợ, việc đồng tiền này mất giá 8% thì giúp Việt Nam có lợi. Bên cạnh đó, Euro và USD mất giá cũng giúp Việt Nam có lợi về nợ công. Ngược lại, đồng Yên đang lên giá khiến danh mục nợ Việt Nam có tăng theo. Như vậy, nếu tính chung về nợ công thì có sự bù trừ nên Brexit không tác động lớn tới nợ công Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại phân tích.