Những người thầy đáng kính của đất Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Hà Nội xưa không chỉ có Quốc Tử Giám, được ví là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam, mà còn là nơi triều đình tổ chức các kỳ thi Hội, thi Hương, tuyển chọn nhân tài phụng sự đất nước. Ngoài ra, đất Thăng Long còn có rất nhiều ngôi trường mà người sáng lập đều là các danh sỹ lưu danh đến tận ngày nay.

Cụ cử Lương Văn Can, Hiệu trưởng của trường Đông Kinh nghĩa thục

Cụ cử Lương Văn Can, Hiệu trưởng của trường Đông Kinh nghĩa thục

Trung tâm giáo dục lớn nhất Đại Việt

Cuối thế kỷ 18, xung quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám có khá nhiều trường học. Sở dĩ khu vực này nhiều trường vì Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, còn Quốc Tử Giám là trường học lớn và uy tín bậc nhất thời đó, thường xuyên tổ chức các buổi bình văn, thuận tiện cho trò đến nghe. Trò các tỉnh về học rất đông, vì thế dân các làng Ngự Sử, Lương Sử (nay là ngõ Lương Sử A, phố Quốc Tử Giám), Tả Biên Giám (nay thuộc phố Văn Miếu), Cổ Thành (nay là phố Phan Phù Tiên)… đã mở nhà trọ cho học trò thuê. Họ dựng các dãy nhà lá, chia thành từng gian nhỏ, mỗi dãy có vại nước mưa để uống và đun nước pha chè, tắm rửa thì học trò phải ra ao làng.

Những năm triều đình mở khoa thi, sỹ tử thập phương đến trọ đông gấp bội. Có trò mang gạo, củi để tự nấu nướng (vì thế có câu “cơm niêu, nước lọ”), trò nhà khá giả thì ăn cơm hàng. Để phục vụ cho những học trò này, các bà, các cô từ làng Tương Mai đến Tả Biên Giám thường thuê nhà mở quán bán cơm nên dân Thăng Long gọi là phố Hàng Cơm (nay là đoạn cuối phố Văn Miếu). Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn, lên ngôi năm 1802, lấy hiệu là Gia Long, đã cho chuyển kinh đô vào Huế thì Văn Miếu chỉ còn là Văn Miếu của Bắc thành, Quốc Tử Giám trở thành học đường của phủ Hoài Đức (tỉnh Hà Nội), các trường học quanh khu vực này thưa dần.

Trước thế kỷ 18, trường thi Hương nằm ở khu vực Quảng Bá bên hồ Tây, nhưng đến đầu đời Nguyễn đặt ở phố Tràng Thi (nay là Thư viện quốc gia). Năm 1845, vua Thiệu Trị cho xây gạch bao quanh. Mặc dù Thăng Long không còn là kinh đô, nhưng phong hóa vẫn gìn giữ như trước, không khí học tập vẫn không giảm sút. Tại Văn Miếu, một tháng đôi lần vẫn có các danh Nho, danh sỹ tới bình văn, giảng sách như thời Lê - Trịnh. Và sự học không hề giảm mà lại càng nở rộ, phát triển. Giữa thế kỷ 19, Hà Nội có nhiều trường tư, quán trọ được mở ra đón học trò, kẻ sỹ về trọ học và chờ khoa thi.

Chân dung Tiến sỹ Vũ Tông Phan do họa sĩ Bảo Nguyên phục dựng năm 2001

Chân dung Tiến sỹ Vũ Tông Phan do họa sĩ Bảo Nguyên phục dựng năm 2001

Những nhà giáo đáng kính

Việc nhà Nguyễn rập khuôn giáo dục theo kiểu nhà Thanh khiến những nhà giáo đất Thăng Long không khỏi trăn trở, suy nghĩ. Các danh sỹ Nguyễn Văn Lý, Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Phạm Ái Sỹ… đã gặp nhau trong những suy nghĩ về thời cuộc, về lẽ “hành, tàng” (hành là ra làm việc, tàng là ở ẩn) và họ thành những người bạn cùng chí hướng làm sao cho ích nước lợi dân, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và vai trò trung tâm văn hóa của Thăng Long.

Hầu hết các danh sỹ sau một thời gian làm quan đều cáo bệnh về Thăng Long mở trường với mong muốn không chỉ dạy văn mà còn dạy đạo cho sỹ tử. Một trong những trường nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 19 là trường Tự Tháp của ông Nghè Vũ Tông Phan (1804-1862). Ông là bạn của Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu.

Trường Tự Tháp là ngôi nhà 5 gian nằm ngay bên hồ Gươm (nay tương ứng với mặt sau của Báo Nhân dân). Gần đó là Học quán Thận Tư của Cử nhân Trần Văn Vi, ngược lên phía Bắc một chút có trường Hy Vĩnh của Lê Duy Trung hay Mẫn Hiên của Cao Bá Quát. Một trường khác là trường Phương Đình của Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), dấu tích của ngôi trường còn lại là vị trí số nhà 12-14 phố Nguyễn Siêu ngày nay. Đời vua Tự Đức có trường Vũ Thạch (tương ứng số 7 Tràng Thi hiện nay) của Cử nhân Nguyễn Huy Đức (1824-1898), trường Kim Cổ (đầu phố Hàng Gai) của Cử nhân Ngô Văn Dạng.

Cả 2 ông đều là học trò của Tiến sỹ Vũ Tông Phan. Đầu thế kỷ XX có trường Đông Kinh nghĩa thục ở phố Hàng Đào của Cử nhân Lương Văn Can và các bạn ông. Ngoài ra còn có trường của các ông Phạm Hội ở thôn Tự Tháp (phố Hàng Trống ngày nay), trường Cúc Hiên của Lê Đình Diên (ở 34 phố Hàng Đậu ngày nay)… Vì các trường đều do các danh sỹ mở nên học trò Hà Nội và các tỉnh theo học đông vô kể, họ thuê nhà trọ gần trường cho tiện học hành. Những năm triều đình mở khoa thi, sỹ tử về trọ càng đông. Nhiều nhà ở phố Hàng Bè, Cầu Gỗ, Hàng Dầu… dành diện tích cho thuê trọ và nhận nấu ăn luôn.

Trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20”, Nguyễn Văn Uẩn viết: “Trước các kỳ thi Hương, trò ra đền Ngọc Sơn cầu khấn, đông đến mức ngày nào cũng gây ùn tắc trong đền”. Còn cuốn “Chuyện cũ bên dòng sông Tô” của Nguyễn Công Chí, tác giả viết: “Để bồi dưỡng cho trò học thi, một bà bán hàng ăn ở Hàng Buồm đã nghĩ món cháo tim cật. Tối tối trò đến ăn lấy sức học đêm”. Và không ít trò đã nên duyên với con gái chủ trọ.

Trường thi thời phong kiến

Trường thi thời phong kiến

Không chỉ dạy học trò kiến thức, các thầy còn dạy cho trò đạo làm người. Tiến sỹ Lê Đình Diên (học trò của Vũ Tông Phan) thích nhất câu: “Quân tử thành nhân chi mỹ” (Nguyên tác: “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ố”. Nghĩa là: “Kẻ quân tử thì tác thành cái tốt đẹp, chứ không làm điều xấu cho người” - PV). Nhưng ông thu gọn câu này thành “quân tử thành mỹ” và cho khắc trước cổng trường Cúc Hiên. Tư tưởng và việc làm của ông luôn đồng nhất. Vì thế, ông Vũ Như (học trò của Lê Đình Diên) đỗ Tiến sỹ và sau làm Đốc học Hà Nội đã tặng thầy một câu đối có 4 chữ này.

Trong “Đại Nam thực lục” - bộ sử của triều Nguyễn đã ghi lại những sự việc diễn ra trong năm 1873 có liên quan đến Tiến sỹ Lê Đình Diên như sau: “Viện Cơ mật tâu với vua (Tự Đức) là đoàn thuyền của Jean Dupuis từ mùa đông năm ngoái đã đột nhập tỉnh Hà Nội mượn cớ vận tải súng đạn sang Vân Nam và ngang ngược đánh Đốc học Lê Đình Diên bị thương…”. Chuyện là trên đường đi qua cổng Bắc thành Hà Nội, Đốc học Lê Đình Diên thấy 2 lính Pháp và 1 người Việt đang đo đạc cổng Bắc của thành. Nghi ngờ những việc làm mờ ám, ông cho gia nhân dừng võng rồi vào nói với người Việt không nên làm tay sai cho Pháp. Bất ngờ ông bị 3 tên này xông vào đánh thành thương. Đụng vào Lê Đình Diên là đụng vào sĩ phu Bắc Hà nên sau đó đã nổ ra cuộc đấu tranh của nhiều nhà Nho cùng học trò chống lại Jean Dupuis.

Lớp nho sinh Hà Nội của các trường trong thế kỷ XIX có rất nhiều người đỗ đạt, làm các bậc đại thần trong triều Nguyễn, nhưng phần lớn họ vẫn tỏ lòng kính trọng và biết ơn thầy Vũ Tông Phan, như Hình bộ Thượng thư Nguyễn Trọng Hợp; Lại bộ Thượng thư Nguyễn Tư Giản, Khâm sai Vũ Duy Ninh. Với Lê Đình Diên, trong nhiều năm làm Đốc học và dạy học, ông có tới hơn 3.000 học trò và rất nhiều người thành đạt được ghi trong sách “Các khoa bảng Việt Nam”.

Vì thế khi ông mất, đám tang rất lớn, ngoài học trò còn có văn hữu, thi hữu, thân sĩ đưa tiễn. Đến mức người dẫn đầu đám tang đi đến làng Hạ Đình rồi mà người đi cuối vẫn còn ở trong thành Hà Nội. Để tạ ơn thầy, các trò đã chung nhau tiền xây lại trường Cúc Hiên bằng gạch lợp ngói vì ban đầu trường chỉ là nhà gỗ lợp lá. Ông là nhà sư phạm mẫu mực cuối thế kỷ 19 của Hà Nội. Không chỉ là nhà giáo giỏi, ông còn là một nhà yêu nước đáng trân trọng. Thế nhưng cho đến nay tên ông vẫn chưa được đặt cho con phố nào ở Hà Nội…

Lớp nho sinh Hà Nội của các trường trong thế kỷ XIX có rất nhiều người đỗ đạt, làm các bậc đại thần trong triều Nguyễn, nhưng phần lớn họ vẫn tỏ lòng kính trọng và biết ơn thầy Vũ Tông Phan, như Hình bộ Thượng thư Nguyễn Trọng Hợp; Lại bộ Thượng thư Nguyễn Tư Giản, Khâm sai Vũ Duy Ninh. Với Lê Đình Diên, trong nhiều năm làm Đốc học và dạy học, ông có tới hơn 3.000 học trò và rất nhiều người thành đạt được ghi trong sách “Các khoa bảng Việt Nam”.