Cặp song tấu dương cầm kiệt xuất người Nga:

Những ngón tay chạm tới tâm hồn

ANTĐ - Với nhiều người yêu nhạc cổ điển, sự kiện hai nghệ sỹ người Nga - Vladimir và Vovka Ashkenazy đến Việt Nam là một giấc mơ có thật bởi họ được coi là cặp song tấu dương cầm kiệt xuất nhất của thế kỷ 20. Bên lề chương trình hòa nhạc Hennessy lần thứ 18 tổ chức tại Hà Nội, 2 nghệ sỹ đã có một cuộc trao đổi ngắn với báo giới Việt Nam.  

Hai cha con nghệ sỹ Vladimir (phải) và Vovka Ashkenazy tại Việt Nam

- PV: Xin chào, hai nghệ sỹ có thể nói đôi chút về cảm xúc khi đến Việt Nam lần này?

- Vladimir Ashkenazy: Trước hết tôi xin cảm ơn lời chào đón nồng nhiệt của Ban tổ chức chương trình hòa nhạc Hennessy. Trước đây tôi từng đến TP.HCM một lần. Tôi rất vui được có mặt và biểu diễn tại đây. 

- Ông là một nghệ sỹ hiếm hoi thành công trong cả hai vai trò nghệ sỹ piano và nhạc trưởng. Vậy việc là một nghệ sỹ piano có tác động gì đến việc ông trở thành một nhạc trưởng không?

- Vladimir Ashkenazy: Tôi nghĩ việc tôi trở thành một nhạc trưởng cũng rất tình cờ, xuất phát từ một câu chuyện thời thơ ấu. Khi còn là một cậu bé, tôi đã có thể chơi piano rất cừ. Có một lần, một người bạn của cha tôi mời tôi và cha tôi đến một buổi hòa nhạc của Tchaikovsky. Hồi đó tôi mới 8 tuổi và cha tôi thì chơi violin trong dàn nhạc. Tôi nghĩ là từ thời điểm được nghe những bản nhạc của Tchaikovsky trong một thính phòng ở Matxcơva thì cuộc đời tôi đã bước sang một bước ngoặt quan trọng. Nó khơi dậy trong tôi niềm yêu thích đối với dàn nhạc giao hưởng. 

- Còn anh Vovka Ashkenazy, trưởng thành trong một gia đình nghệ thuật có tác động như thế nào đối với con đường sự nghiệp của anh? 

- Đây là lần đầu tiên tôi đến với Việt Nam và tuy chỉ ở trong một thời gian rất ngắn nhưng cảm giác rất tuyệt vời. Cảm hứng âm nhạc của tôi đến từ cả cha mẹ tôi. Mẹ tôi là người Iceland, bà đã gặp cha tôi tại Matxcơva. Bản thân bà cũng là một nhạc công piano và đã thu âm một số đĩa nhạc. Trưởng thành trong một gia đình nghệ thuật như vậy, được nghe âm nhạc từ thời thơ ấu thì dễ hiểu là sau này tôi trở thành một nghệ sỹ piano chuyên nghiệp. 

- Điều gì thôi thúc hai nghệ sỹ thực hiện những bản song tấu piano? 

- Năm 2010, tôi và cha tôi đang thảo luận những nhạc mục cho chuyến lưu diễn ở Trung Quốc. Khi tôi nghiên cứu những bản vũ khúc của Borodin thì tôi thấy ở khúc dạo đầu, những nét đẹp của bản nhạc đó bị mất đi. Bởi vậy chúng tôi đã tìm cách chuyển những bản nhạc gốc cho dàn nhạc thành bản song tấu piano và chuyến lưu diễn đó đã rất thành công. Tôi nghĩ rằng sao mình không chuyển những bản nhạc khác nữa. Khi chúng tôi chuẩn bị cho chuyến lưu diễn ở Nhật Bản, tôi đã nghĩ đến bản “Đêm trên núi trọc” của Mussorgsky. Bản này gắn với thời thơ ấu của tôi. Lúc đó tôi đã hình dung ra những nhân vật nhảy múa trong đêm. Khi bình minh xuất hiện, tiếng chuông nhà thờ vang lên, những nhân vật nhảy múa đó cũng biến mất. Thời gian đó tôi rất say sưa, tôi dành ra 2 đến 3 tuần để chuyển bản nhạc này sang song tấu piano và suýt nữa hôn nhân của tôi đã tan vỡ (Cười).  

Ngoài ra thì những nhạc mục trên song tấu piano rất hạn chế. Tôi nhớ chỉ có 3,4 nhà soạn nhạc nổi tiếng có những bản chuyển biên song tấu piano như Brahms hay Rachmaninoff. Điều này thôi thúc tôi phải mở rộng hơn nữa những nhạc mục này.   

- Xin hỏi ông Vladimir Ashkenazy, là một trong những nghệ sỹ dương cầm vĩ đại của thế kỷ 20, ông đánh giá như thế nào về nghệ thuật biểu diễn piano trên thế giới trong vòng 20 năm trở lại đây?

- Thời gian qua những nhạc mục cho piano rất nhiều và âm nhạc của piano cũng rất toàn diện và kì diệu. Thái độ tiếp thu của khán giả đối với chương trình biểu diễn piano cũng ngày càng tích cực và sự hưởng ứng, say mê đối với âm nhạc cổ điển và âm nhạc piano cũng ngày càng lớn. Cá nhân tôi tin rằng âm nhạc piano sẽ không bao giờ thoái trào. Mà dẫn chứng cụ thể là ngày càng có nhiều nghệ sỹ piano trẻ tài năng biểu diễn trên các sân khấu thế giới. 

- Ngày nay có rất nhiều nghệ sỹ trẻ nổi tiếng sau các cuộc thi âm nhạc. Nhưng thực tế có nhiều nghệ sỹ nổi tiếng mà không trải qua bất cứ cuộc thi nào. Quan niệm của ông về điều này?

- Trong nhiều thập kỷ qua, không có nhiều sự khác biệt về cách chơi nhạc, cách cảm thụ và cách truyền cảm hứng âm nhạc. Tôi nhớ là từ cuộc thi Chopin lần đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ hai thì rõ ràng, yêu cầu về mặt kỹ thuật, cách chơi nhạc từ đó đến nay cũng không có gì thay đổi. Chúng ta biết, qua thời gian, số nhạc công ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là các nhạc công trẻ và từ đó các cuộc thi âm nhạc trên thế giới cũng được tổ chức nhiều hơn. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là khả năng về kỹ thuật chỉ là một khía cạnh. Còn làm thế nào để bày tỏ cảm xúc, cũng như có một hình thức nào đó để giao tiếp về tâm hồn, về mặt tinh thần giữa người biểu diễn và khán giả, đó mới là điều tạo nên danh tiếng của nhạc công. Còn không thì họ sẽ dễ bị lu mờ. 

- Xin cảm ơn hai nghệ sỹ về cuộc nói chuyện này!