Những món ăn ngon, lạ từ rau rừng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mỗi lần đi đến những miền đất lạ, thế nào trong các bữa cơm, khách phương xa cũng được thưởng thức một vài đặc sản. Trong đó, ngoài cá thịt được chế biến theo cách của người dân bản địa, kiểu gì cũng có những loại rau rất lạ mà du khách lần đầu được nếm...

Ăn thử rêu đá

Trong số vô vàn những loại rau lạ, đầu tiên phải kể đến món… rêu đá. Rêu là món ăn quen thuộc của người dân các tỉnh Tây Bắc. Nó mọc tự nhiên, bám quanh các tảng đá dưới suối, chỉ xuất hiện vào cuối thu, đầu đông. Người đi lấy rêu thường chọn những chỗ nước chảy xiết, rêu ở đây vừa sạch vừa ngon, không dính nhiều sạn.

Sau khi lấy rêu, người ta thường dùng chày đập nhiều lần trên đá hoặc thớt và nhặt sạch sạn, cát, sỏi lẫn trong rêu. Kế đó, rêu sẽ được vò thật kỹ trong các chậu nước lớn để đảm bảo thật sạch và hết nhớt. Công đoạn làm sạch kết thúc với việc rêu được nắm thành từng nắm to trước khi mang đi xào, nấu hoặc nướng. Vì là loại thu hoạch theo mùa nên khi không dùng hết, người ta sẽ mang rêu phơi khô để dùng dần. Trước đây, khi giao thương chưa phát triển, nhà nào hái nhà ấy ăn. Nhưng khi món ăn này được biết đến nhiều hơn, du lịch nở rộ thì những món đặc biệt này đã được bán nhiều ở các phiên chợ vùng cao Tây Bắc.

Người dân ở Tây Bắc có nhiều cách chế biến các món ăn từ rêu như rêu nướng, canh rêu, rêu xào tỏi, nộm rêu… Người ta thường thái nhỏ rêu, thả vào nồi nước xương ninh hoặc nước luộc gà. Bát canh rêu đá nóng hổi rất phù hợp với mùa đông nơi này. Nộm rêu được làm từ rêu non mới mọc độ 3-4 ngày. Sau khi làm sạch, rêu được đồ chín trong chõ rồi mang ra để nguội trộn cùng các gia vị như: gừng, rau mùi, mắc khén, ớt, mắm muối… là thành đặc sản. Theo đánh giá của những thực khách sành ăn, đáng kể nhất phải là rêu nướng. Rêu được trộn với các rau gia vị của Tây Bắc, gói trong lá chuối và nướng trên than hoa. Khi phần vỏ lá bên ngoài cháy sém là rêu chín. Rêu nướng được dùng để ăn ngay khi nóng hoặc ăn kèm với cá suối nướng, thịt lợn, thịt gà... Rêu nướng có vị lạ, quyện cùng mùi hạt dổi, mắc khén, khiến ai một lần nếm thử sẽ không thể nào quên.

Rêu đá mọc nhiều ở suối thuộc khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái), Tuần Giáo, Mường Chà (Điện Biên), Xuân Sơn (Phú Thọ), Lai Châu (dọc sông Đà)... Tất nhiên, không phải loại rêu nào cũng ăn được, chỉ có những người dân bản địa mới có kinh nghiệm để phân biệt và biết loại nào ăn được, loại nào không.

Đặc sản… hoa

Cũng ở Tây Bắc còn có một món đặc biệt khác làm từ… hoa ban. Mỗi khi Xuân về, ban nở trắng trời Tây Bắc. Không chỉ đẹp, hoa ban còn ngon khi được chế biến thành các món ăn đặc sản có một không hai của người Thái.

Hoa ban được hái về, chần qua nước sôi rồi làm nộm. Cũng có mấy loại nộm, nộm hoa ban với măng hoặc là với giềng non. Bên cạnh đó còn có xôi hoa ban. Hoa tươi được hái về rửa sạch và đồ với nếp nương. Xôi hoa ban thường được ăn kèm với chẩm chéo, một loại gia vị chấm rất đặc trưng. Sự sáng tạo không dừng ở đó, những người phụ nữ Tây Bắc còn sáng tạo ra nhiều món ăn khác từ hoa ban như cháo hoa ban, hoa ban nhồi cá, nhồi gà nướng, hoa ban nấu với thịt lợn băm...

Cầu kỳ rau dớn

Có một loại rau nữa không thể không kể khi nói về các loại đặc sản Tây Bắc, đó chính là rau dớn. Rau dớn nhìn không khác gì cây dương xỉ - loại cây mọc hoang ở ven các dòng suối hay những nơi ẩm thấp. Rau dớn hơi nhớt nên không phải ai ăn cũng quen và thấy ngon ngay được.

Đường lên Tây Bắc, chỉ cần đi đến dốc Đá Trắng (Hòa Bình), nơi các xe ngược xuôi Quốc lộ 6 thường dừng lại uống nước, ăn ngô luộc, thịt nướng… là sẽ thấy người dân quanh đó mang sản vật địa phương ra bán. Người Thái gọi rau dớn là “phác pút”. Rau dớn là loại rau không để lâu được, ăn đến đâu hái đến đó và có thể chế biến thành nhiều món. Rau dớn thường được xào với tỏi. Mỡ đun nóng già, tỏi đập dập, phi thơm rồi cho rau dớn vào đảo đều. Chỉ vài phút là rau chín tới thì tắt bếp và trút ra đĩa.

Nộm rau dớn cũng là một món ăn thanh mát và đáng nhớ. Chế biến món này cũng đơn giản. Bó rau chọn lấy ngọn ngon, luộc sơ, vớt ra để róc nước. Khi rau nguội thì trộn thêm lạc rang giã dập, mấy thìa nước cốt chanh, ớt, tỏi, gừng đã đập dập băm nhỏ cùng muối, đường, mỳ chính. Nộm rau dớn có vị bùi, mát cùng các vị đặc trưng của gia vị. Rau dớn cũng có thể xào cùng nước măng chua, lá đu đủ. Còn nếu muốn thưởng thức vị chân thật nhất của núi rừng thì chỉ cần luộc chín tới, chấm với nước mắm pha tỏi, ớt là đủ hấp dẫn.

Cầu kỳ hơn thì có món rau dớn trộn tôm thịt. Tôm sông, thịt ba chỉ thái hạt lựu ướp với hành tím băm nhỏ, nước mắm, bột ngọt, tiêu… trộn đều lên khoảng vài phút. Sau đó phi hành lên thật thơm rồi cho tôm, thịt vào xào chín. Rau dớn trước khi trộn, cần luộc sơ. Thói quen ẩm thực của người Tây Bắc là trong các món ăn thường bao giờ cũng phải có mắc khén. Các món ăn từ rau dớn cũng vậy, rắc thêm chút mắc khén thơm nồng cho món ăn có vị ngon hơn rất nhiều.