Những dấu tích trên phố mang uy danh Đức Thánh Trần ở Hà Nội

ANTD.VN - Trong quy hoạch của người Pháp từ những năm đầu thế kỉ XX, phố Trần Hưng Đạo đã là một trong những trục đường chính của Thủ đô trong “khu phố Tây” và có nhiều công trình kiến trúc quan trọng. Hiện giờ Trần  Hưng  Đạo vẫn là một phố lớn, một trong những con đường huyết mạch trong nội thành.

Nhà Đấu Xảo (triển lãm) khánh thành năm 1902 trên nền đất thuộc phố Trần Hưng Đạo hiện giờ từng là công trình kiến trúc tráng lệ hiếm có của khu vực Đông Dương một thời

Bệnh viện Tây y đầu tiên ở Hà Nội

Khu vực tôi muốn nói đầu tiên ở phố Trần Hưng Đạo là khu vực Đồn Thủy của người Pháp ở đầu phố. Nếu ai quan tâm đến lịch sử chinh phục của các đế quốc thì thường thấy một  kịch bản kiểu này, đó là khi xâm chiếm các nước yếu hơn, ban đầu họ thường chỉ đòi lấy một khu đất nhỏ gọi là “nhượng địa”. Trên mảnh đất ấy họ có toàn quyền như một quốc gia, rồi sau đó xâm lấn, mở rộng ra các khu vực xung quanh, cuối cùng là chiếm đóng toàn bộ. Kịch bản này thường xảy ra khi các đế quốc một thời như Anh, Pháp, Nhật… đi thôn tính các nước nhỏ ở những giai đoạn lịch sử trước. 

Người Pháp xâm lăng Bắc Kỳ cũng vậy, ban đầu họ đòi có một khu “nhượng địa” để toàn quyền sử dụng. Ở Hà Nội, khu vực này của người Pháp chính thức xác lập vào năm 1875 khi triều đình Huế buộc phải “nhượng” đất đai để đổi lấy việc trả lại thành Hà Nội. Tại khu “nhượng địa” đó người Pháp đã xây một căn cứ quân sự và người dân quen gọi là “đồn Tây Long” (vì nằm trên đất thôn Tây Long).

Nguyên trước đây, nơi này cũng từng là đồn binh của triều đình gọi là Đồn Thủy vì nhiệm vụ của nó là kiểm soát giao thương trên sông Hồng. Người Pháp đã yêu cầu được nhượng lại khu đất Đồn Thủy làm bản doanh của mình, ban đầu chỉ với diện tích khoảng 5ha (hiện địa điểm này là khuôn viên Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Bệnh viện Hữu Nghị).

Ở khu nhượng địa, ngoài xây đồn binh thì người Pháp còn xây trụ sở, bệnh viện. Ban đầu bệnh viện đó có tên là Nhà thương Lanessen (tên của viên toàn quyền Đông Dương đương thời) và được hoàn thành năm 1894. Đây là bệnh viện Tây y đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội. Sau này, khi Hà Nội được giải phóng, bệnh viện được giao cho quân đội quản lý trở thành Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - một trong những bệnh viện đa khoa tuyến đầu có uy tín nhất cả nước.

Bệnh viện Lanessen hay còn gọi là Nhà thương Đồn Thủy (tức Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày nay)

Nơi diễn ra sự kiện quan trọng của lịch sử Hà Nội

Phố Trần Hưng Đạo bắt đầu bằng khu nhượng địa xưa của người Pháp và ở gần cuối phố có một toà nhà rất đáng chú ý, là nơi từng diễn ra những sự kiện quan trọng của lịch sử Hà Nội và cả nước. Đó là toà nhà Đấu Xảo (triển lãm) của người Pháp dành cho các nước thuộc địa Đông Dương. Toà nhà này được hoàn thành năm 1902 nay đã bị tàn phá, nhưng những hình ảnh được lưu trữ cho thấy đây là một toà nhà có quy mô rất lớn và đã từng có 15 cuộc triển lãm diễn ra ở đây.

Trần Hưng Đạo cũng là vị tướng nhận được sự yêu mến đặc biệt của người dân nước Việt từ xưa đến nay. Người ta gọi ông là “Đức thánh Trần” và có rất nhiều đền, chùa, miếu trong cả nước thờ ông. Trần Hưng Đạo không những là vị tướng lừng lẫy trong lịch sử dân tộc mà ông đã trở thành một phần của văn hóa đất nước.

Dấu tích duy nhất còn lại của nhà Đấu Xảo là một ngôi nhà nhỏ vốn là nơi trưng bày cho tỉnh Nam Định và hiện nó trở thành Câu lạc bộ Thăng Long. Còn trên nền toà nhà Đấu Xảo xưa thì nay là Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Trước sân Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội là Quảng trường 1-5, một trong những quảng trường ghi dấu mốc quan trọng của lịch sử Hà Nội.

Đó là vào ngày 1-5-1938 hơn hai chục vạn đồng bào Hà Nội đã tập trung ở đây tham dự cuộc mít tinh ủng hộ Ngày Quốc tế lao động và Mặt trận bình dân bên Pháp, một phong trào tiến bộ có xu hướng cởi mở với các nước thuộc địa. Đến bây giờ, Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vẫn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô và cả nước.

Tuyến phố chính trong “khu phố Tây”

Là tuyến phố chính trong “khu phố Tây” được quy hoạch cẩn trọng, chi tiết, phố Trần Hưng Đạo có nhiều toà nhà, biệt thự của chính quyền thuộc địa xưa. Đó là số nhà 53 từng là nơi ở của Đốc lý (Thị trưởng) Hà Nội và đã có một thời gian cựu hoàng Bảo Đại đã ở nơi này khi ông mang danh xưng mới “người công dân Vĩnh Thụy” sau khi thoái vị. Một toà nhà gần đó mang số 35 vốn là nơi ở của Cao uỷ Pháp và hiện giờ khu vực này nằm trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp. Ngoài những toà nhà kể trên thì phố Trần Hưng Đạo còn rất nhiều những dinh thự, biệt thự đáng chú khác.

Có thể kể đến toà biệt thự số 101 từng là nơi nhóm họp của Ủy ban khởi nghĩa. Chính từ nơi này đã phát đi các kế hoạch tổ chức mít tinh, biểu tình chống phát xít Nhật và ủng hộ Cách mạng tháng Tám với đỉnh cao là ngày 19-8-1945. Toà nhà 3 tầng này hiện được bảo quản tốt, là một trong những kiến trúc đẹp của thành phố và là cơ quan của Viện khoa học giáo dục Việt Nam. Các khu nhà cổ đáng chú ý nữa có thể kể thêm là toà số 87, 89 đều thuộc các cơ quan của Công an thành phố Hà Nội.

Nhà văn Uông Triều

Vị tướng nổi tiếng của nền quân sự Việt Nam

Trần Hưng Đạo (? - 1300) người được đặt tên cho con phố là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất không chỉ của nền quân sự Việt Nam mà được cả thế giới công nhận. Ông là người giúp vua Trần tiến hành 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông đến thắng lợi, đặc biệt là lần thứ hai (1258) và lần thứ ba (1288), ông là Tổng chỉ huy về quân sự. Khi ấy, quân Nguyên Mông là một thế lực rất mạnh, bách chiến, bách thắng trên khắp lục địa Á, Âu và rất đáng sợ về kị binh. 

Những đất nước bị quân Nguyên Mông tấn công hầu như cầm chắc thất bại vì sự thiện chiến và hùng mạnh của họ. Nhưng khi đến Đại Việt, vó ngựa du mục đã phải chùn bước và một trong những người quan trọng nhất tạo nên niềm tin, sự vững chãi cho quân dân nước Việt chính là Trần Hưng Đạo. Ông đã làm cho vua tôi tin tưởng, quân sĩ đồng lòng chiến đấu.

Ngoài là người Tổng chỉ huy thao lược, Trần Hưng Đạo còn trực tiếp đánh trận lớn nhất là trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng (1288) khiến quân Nguyên Mông bạt vía kinh hồn và phải từ bỏ giấc mộng chinh phạt Đại Việt. Ông cũng là vị tướng nhận được sự yêu mến đặc biệt của người dân nước Việt từ xưa đến nay. Người ta gọi ông là “Đức thánh Trần” và có rất nhiều đền, chùa, miếu trong cả nước thờ ông. Trần Hưng Đạo không những là vị tướng lừng lẫy trong lịch sử dân tộc mà ông đã trở thành một phần của văn hóa đất nước. Người ta coi ông như một vị “thần chủ” thiêng liêng bảo hộ quê hương, xứ sở. Chính vì thế Trần Hưng Đạo có một vị thế mà có lẽ không danh tướng nào trong lịch sử nước Việt có thể so sánh được.