- Hà Nội những ngày Tết!
- Những mảng trầm tích trên phố Phan Huy Ích
- Phố nghề Hàng Bạc và những danh sĩ Hà thành một thuở
Đường Thanh Niên mùa phượng vĩ và hoa ban bung sắc trổ hoa
Đường Thanh Niên, vào các buổi chiều, tối bao giờ cũng có nhiều đôi yêu nhau đến ngồi chơi, tâm sự. Nhưng ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, con đường đã nổi danh là nơi dạo chơi ưa thích của thanh niên Hà Nội.
Thi vị và lãng mạn
Trong cuốn tiểu thuyết lừng danh “Số Đỏ”, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã từng nhắc đến con đường nằm cạnh hồ Tây này. Chính ở khu vực ven hồ này, Xuân Tóc Đỏ đã hẹn hò, vui chơi với tiểu thư Tuyết ở một khách sạn sang trọng. Tất nhiên bối cảnh do nhà văn hư cấu lên nhưng chỉ cần thế cũng đủ biết con đường ven hồ này từng là tụ điểm vui chơi nổi tiếng của người Hà Nội từ lâu.
Trong một cuốn tiểu thuyết quan trọng nữa với nền văn học Việt đó là “Tố Tâm”, nhà văn Hoàng Ngọc Phách cũng miêu tả con đường này đầy thi vị và lãng mạn, hai nhân vật chính từng hẹn hò đi chơi với nhau ở đây. Những trang văn của nhà văn tiền chiến trong cuốn tiểu thuyết hiện đại có những cách tân mang tính tiên phong của văn học chữ quốc ngữ mang một nỗi sầu của lứa đôi yêu nhau mà không thành.
Ngược về lịch sử, các nhà nghiên cứu đều cho rằng đường Thanh Niên là con đường nhân tạo có từ lâu đời. Ban đầu, hồ Tây và hồ Trúc Bạch thông thủy, sau người ta mới ngăn bờ đắp ruộng rồi dần hình thành một con đường. Đa số nhà nghiên cứu cho rằng con đường hình thành từ đời Lê nhưng mốc thời gian chính xác thì còn nhiều tranh cãi. Chỉ biết rằng các triều đại phong kiến Việt Nam rất coi trọng thắng cảnh hồ Tây và lúc đó hồ Tây có địa vị thậm chí còn quan trọng hơn hồ Gươm bây giờ. Bằng chứng là các hành cung của vua chúa từ thời Lý, Trần, Lê đã từng xây trên bờ hồ này và những kiến trúc tôn giáo quan trọng bậc nhất của Hà Nội cũng ở khu vực này.
Cổ Ngư xưa và nay
Đường Thanh Niên tên cũ là đường Cổ Ngư và cái tên này có một vài cách lý giải khác nhau. Thuyết phổ biến nhất cho rằng Cổ Ngư là đọc chệch từ “Cố ngự…”, nhưng cách lý giải trên cũng chưa được thống nhất hoàn toàn. Nhưng dù thời điểm xuất hiện và cái tên còn tranh luận, con đường nằm giữa hai cái hồ lớn và thơ mộng, tự thân nó đã trở thành một địa điểm lý tưởng cho những người muốn hóng mát, vãn cảnh. Ban đầu đây chỉ là một con đường nhỏ rồi đến cuối những năm 1950 của thế kỷ trước, con đường được mở rộng bởi công sức của thanh niên Hà Nội và từ đó mang tên đường Thanh Niên.
Tôi thích nhất đi trên con đường này mỗi buổi sáng sớm và chiều tà. Sáng sớm thì nhìn sang phía hồ Tây, nhất là những sáng mùa đông, mùa xuân, sương mù trên hồ nghi ngút. Đứng ở mép đường ven hồ nhìn ra xa tưởng như phía trước là một khoảng không bao la không biết đâu là bến bờ. Sương mù dày đặc mà ngỡ đang lạc vào một xứ sở mù sương, gió từ mặt hồ bốc lên se lạnh, nhớ cái huyền ảo của mặt nước đã từng dệt lên không ít những truyền thuyết ly kỳ trong lịch sử. Mà một câu chuyện điển hình nhất là chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ khi đi thuyền trên mặt nước hồ Tây, có lẽ một phần cũng vì lớp sương mù huyền ảo này.
Còn buổi chiều tà, hãy chọn một ghế đá nào đó ven đường mà ngắm hoàng hôn. Mặt trời đỏ ối và rực rỡ chiếu trên mặt hồ. Nhìn kỹ thì chói lòa gay gắt nhưng là một khung cảnh hùng vĩ và vô cùng thi vị, trong khu vực nội thành, khó có địa điểm nào ngắm hoàng hôn ấn tượng hơn thế.
Nhà văn Uông Triều
Gần gũi với thiên nhiên
Đường Thanh Niên, có lẽ đã có một quy hoạch chủ ý nên được trồng nhiều phượng vĩ và hoa ban. Phượng vĩ ở đây không lớn lắm, chưa thành các cây cổ thụ nhưng đây là một trong những con đường trồng nhiều phượng vĩ nhất Hà Nội. Vào mùa hè, những ngày nắng, hoa phượng đỏ chói đến nao lòng, cả một con đường ngập tràn hoa phượng. Phượng ẩn sau trong các tán lá xanh, phượng buông ra ngoài từng chùm. Những vầng hoa đỏ chói ấy gây một ấn tượng mạnh với người đi đường, nhất là những ai vừa qua tuổi hoa niên.
Vào mùa xuân thì con đường có nhiều hoa ban. Loài hoa có nguồn gốc núi rừng được trồng ở đây khá nhiều, hoa ban đỏ, hoa ban tím… Những bông mảnh mai nở yên bình giữa một thành phố đông đúc cho một cảm giác dịu nhẹ, gần gũi với thiên nhiên.
Tôi nhớ vào khoảng những năm 1990 của thế kỷ trước, buổi tối đường Thanh Niên thường có những người bán hoa ngọc lan. Những búp hoa trắng ngà có mùi hương tinh khiết, quý phái được bán cho những đôi lứa yêu nhau. Người ta mua hoa để tặng người yêu, để bỏ trong túi áo, để trên bàn làm việc để lúc nào cũng được ngửi mùi hương dịu nhẹ.
Hơn cả một con đường
Điểm đáng nói nhất của con đường này là nó rất hợp với lứa đôi. Ngày trước, khi những điểm vui chơi dành cho các đôi yêu nhau còn hạn chế thì đường Thanh Niên là nơi lý tưởng để hẹn hò. Những chiếc xe máy, xe đạp đỗ san sát nhau, các đôi yêu đương ngồi luôn trên xe tâm sự chuyện trò, vừa hóng gió mát hồ Tây, hồ Trúc Bạch và đôi khi kín đáo trao cho nhau những nụ hôn nồng cháy. Đặc biệt những tối cuối tuần thì con đường dạt dào cảm giác hạnh phúc, yêu thương.
Đường Thanh Niên bây giờ gần giống như một công viên, đây là một trong những con đường hiếm hoi của Hà Nội có cả ba dãy cây, hai bên và chính giữa, giống như đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Diệu… Vì có ba dãy cây và sát mặt hồ còn nhiều lớp cây nữa nên con đường bao giờ cũng dịu mát, yên ả. Ngay sát mặt hồ Tây, hồ Trúc Bạch người ta đặt những ghế đá để khách bộ hành có thể nghỉ chân, chuyện trò. Những sáng sớm có rất nhiều người đi bộ, đạp xe, tập thể dục.
Đường Thanh Niên còn sở hữu những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất của Thủ đô. Đầu đường là chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của Hà Nội với cảnh quan thơ mộng, yên bình. Cuối đường là đền Quán Thánh với pho tượng thánh Trấn Vũ bằng đồng hun lừng danh, một trong những báu vật của nghề đúc đồng nước Việt, cùng những huyền thoại nhuốm màu kỳ ảo xa xăm...