Những con số "biết nói "về thiệt hại của ngành văn hóa trong đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nửa đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 đã làm lượng khách du lịch từ châu Âu tới Việt Nam giảm 99%, các hoạt động thể dục thể thao liên tục bị hủy hoặc lùi thời hạn tổ chức, gây khó khăn cho công tác điều hành. Các đội tuyển thể thao hầu như không có cơ hội tập huấn, thi đấu cọ xát tại nước ngoài, ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của vận động viên, cũng như chỉ tiêu số lượng vận động viên đạt chuẩn tham dư....

Trước những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch gây ra trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, và vì thế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ở 6 tháng tiếp theo là thực hiện chuyển đổi số.

Đây là những thông tin được chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra sáng 14/7.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, du lịch tiếp tục chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa đạt 30,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng khách nội địa và doanh thu suy giảm mạnh đúng dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa, thu hồi giấy phép kinh doanh, nguồn lực về tài chính cạn kiệt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nhiều địa phương phải tạm thời đóng cửa di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; hủy hoặc tạm dừng các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, chiếu phim... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá văn hóa, gây thất thu lớn cho ngân sách các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, các giải thi đấu, các hoạt động thể dục thể thao liên tục bị hủy hoặc lùi thời hạn tổ chức, gây khó khăn cho công tác điều hành. Các đội tuyển thể thao hầu như không có cơ hội tập huấn, thi đấu cọ xát tại nước ngoài, ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của VĐV, cũng như chỉ tiêu số lượng vận động viên đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo.

"Một số đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ sau nhiều năm thực hiện tự chủ tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị âm thanh ánh sáng đã xuống cấp trầm trọng, giá thuê các địa điểm biểu diễn đều tăng cao ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói.

Trong bức tranh chung có phần ảm đạm do dịch Covid-19 gây ra, ngành Văn hóa còn có những điểm sáng nhất định. Đó là đội tuyển Bóng đá nam quốc gia xuất sắc giành quyền thi đấu vòng loại thứ 3 (gồm 12 đội tuyển xuất sắc nhất châu Á) giải vô địch Bóng đá thế giới năm 2022 tại Qatar; Đội tuyển Futsal Việt Nam xuất sắc giành quyền tham dự vòng chung kết giải vô địch Futsal thế giới tại Lithuania.

6 tháng đầu năm, các đơn vị nghệ thuật trung ương đã tổ chức dàn dựng 5 chương trình, phục dựng 5 chương trình, 186 buổi biểu diễn, 1.329.000 lượt người xem, số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 1.981.762.000 đồng. Đồng thời, các đơn vị chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục xây dựng thương hiệu quốc gia của 5 ngành: Du lịch văn hóa; điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo.

Khách du lịch châu Âu tới Việt Nam giảm 99% ở 6 tháng đầu năm 2021

Khách du lịch châu Âu tới Việt Nam giảm 99% ở 6 tháng đầu năm 2021

Để khắc phục những khó khăn do đại dịch gây ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ngành văn hóa cần đặt nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi số.

Cụ thể, hoàn thiện 3 đề án: Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Xây dựng bản đồ số, quản lý, liên kết dữ liệu di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Triển khai thực hiện chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện về công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Và xây dựng kế hoạch kích cầu thị trường du lịch nội địa ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát đồng thời triển khai dự án "Chuyển đổi số trong ngành du lịch, truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường mục tiêu thông qua các kênh e-marketing.