Tu sửa cấp thiết Di tích Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có văn bản tu sửa cấp thiết 3 tòa Thái miếu thuộc Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, Thanh hóa. 

Theo đó, Bộ VH - TT-DL thỏa thuận cho tỉnh tu sửa cấp thiết 3 tòa thái miếu 4, 5, 6 ở Lam Kinh với nội dung: lợp lại ngói (ngói lót và ngói mũi hài); thay thế, bổ sung phần diềm mái bị hỏng; tu bổ bờ mái, con giống, bổ sung con giống bị mất; chống mối xung quanh các công trình.

Bộ VH-TT&DL lưu ý: Bổ sung biện pháp kỹ thuật che, giữ các con giống và các thành phần trang trí bờ nóc, bờ chảy, đao mái; Sử dụng ngói mới phục chế có kích thước, hình dáng giống hệt ngói gốc.

Đồng thời, bổ sung biện pháp vệ sinh, tẩy rêu mốc ngói cũ để tái sử dụng; Bổ sung biện pháp tẩy rêu mốc bờ mái (bờ nóc, bờ chảy, đầu đao…), nên sử dụng phương pháp hóa bảo quản.

Việc thay mới các thành phần kiến trúc trên mái cần theo nguyên trạng, tổ chức nghiệm thu vật liệu tu bổ, thay mới về chất lượng, thẩm mỹ trước khi lắp dựng. Hồ sơ cần bổ sung phương án lợp mái để đảm bảo hài hòa giữa phần mái lợp ngói cũ và phần mái lợp ngói mới. Hồ sơ sau tu bổ (hồ sơ hoàn công) hoàn thiện và gửi báo cáo về Cục Di sản văn hóa trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng để theo dõi.

Di tích Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh

Di tích Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh

Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt.

Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thư­ờng trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, một tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông. Phía Bắc của kinh thành dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.

Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu của kinh thành Lam Kinh vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, với cách bố trí hình bàn cờ gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu…

Cây cầu Bạch (tên gọi xưa là cầu Tiên Loan Kiều) bắc trên sông Ngọc là lối đi chính dẫn du khách vào thăm Kinh thành cổ Lam Kinh. Cầu được làm theo kiểu dáng kiến trúc độc đáo phổ biến ở các nước nhiệt đới vùng Á Đông, đó là thượng gia hạ kiều tức trên nhà, dưới cầu.