"Những bông hoa tháng Hai"- tư liệu quý về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979

ANTD.VN - "Những bông hoa tháng hai", cuốn sách của nhiều tác giả mang đến cho người đọc cơ hội tỏ tường về những sự kiện của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc - tháng 2.1979, từ chính những nhân chứng lịch sử.

Theo nhà văn Hà Đình Cẩn, một trong những tác giả của cuốn sách, cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc đã lùi xa 40 năm, nhưng có những giá trị bất biến, không sự thay đổi nào làm phai nhạt, đó là hình ảnh những người con ưu tú từng quên mình vì sự trường tồn của đất nước, của dân tộc. Và Những bông hoa tháng Hai  (Tô Phương - Hà Đình Cẩn - Hoàng Huân - Trần Nam Tiến), là một trong những tác phẩm cung cấp những câu chuyện, tư liệu quý về những người con ưu tú ấy, cũng như về cuộc chiến tranh biên giới năm xưa, từ những nhân chứng trong lịch sử.

Một trong các tác giả của cuốn sách, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn

Trong cuốn sách ấy, người đọc sẽ gặp lại chiến sĩ công an trẻ Đặng Văn Khoan công tác tại Công an Hoàng Liên Sơn. Anh được giao phụ trách xã Bản Qua, huyện Bát Xát. Ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cho quân đánh chiếm xã Bản Qua. Đặng Văn Khoan cùng đồng đội đã bình tĩnh bám bản, bám dân, giúp đỡ nhân dân đi sơ tán đến nơi an toàn. Trong lúc đưa những người dân thôn Đông Phón, xã Bản Qua đi sơ tán về phía sau, khi đến thôn Bản Lợi (xã Quang Kim), địch đuổi theo quá sát, anh đã dừng lại chặn đánh địch để bảo vệ nhân dân rút lui an toàn. Anh đã hy sinh anh dũng để bảo vệ đồng bào và chiến sĩ ta.

Và còn đó Đỗ Chu Bỉ công tác ở đại đội 6, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh. Ngày 1/3/1979, Đỗ Chu Bỉ trực tiếp chỉ huy giữ chốt A1, vị trí án ngữ tuyến đầu, cách biên giới Việt - Trung 300m, cách đồn biên phòng Hoành Mô 400m. Để chiếm vị trí quan trọng chốt A1, quân Trung Quốc đã tập trung pháo binh các loại, bắn liên tiếp suốt 1 tiếng đồng hồ. Pháo vừa dứt, 4 tiểu đoàn địch ào ạt xông lên, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chờ cho địch đến gần rồi mới hạ lệnh cho đơn vị đồng loạt nổ súng, bắn thẳng vào đội hình của chúng, tiêu diệt nhiều tên địch. Sau đó, anh còn tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh lui hàng chục lần tiến công của địch.

Anh bị thương vào tay, vào sườn, vẫn không rời trận địa. Cuộc chiến đấu kéo dài, ngày càng ác liệt, trời lại mưa, chiến hào lầy lội, anh tổ chức đưa thương binh sang chốt A2, tiếp tục bảo vệ chốt A1. Khi đồng đội tìm đến chi viện, anh đã hy sinh. Trên người anh là 19 vết dao và vết đạn bắn. Trong túi áo ngực đẫm máu là bức thư anh viết dở cho mẹ: "Mẹ ơi, con không thể chết được đâu, dù kẻ thù tàn bạo đến thế nào... Mẹ ơi, con sẽ về. Không kẻ thù nào giết nổi con đâu..."

Là Nguyễn Bá Lại, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung đội trưởng tự vệ Đoàn Địa chất 305, Liên đoàn Địa chất 3, Tổng cục Mỏ - Địa chất. Sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc cho pháo bắn dồn dập và dùng lực lượng lớn vượt hai cầu phao bắc qua sông Hồng, chiếm các điểm cao và bao vây khu vực đoàn bộ Đoàn địa chất 305. Trung đội của Nguyễn Bá Lại tổ chức chiến đấu ở hướng chính diện, ngăn địch tấn công từ mỏ Sin Quyền. Trung đội của anh đã đánh lui 7 đợt tiến công của địch. Địch dùng cối bắn cấp tập rồi ồ ạt xông lên điểm chốt của quân ta.

Nguyễn Bá Lại nhảy lên khỏi hầm dùng AK bắn vào đội hình địch. Bất ngờ một tên địch vào cách hầm 2m, trên tay cầm quả lựu đạn đang xì khói. Nguyễn Bá Lại nổ súng bắn tên địch ngã gục, quả lựu đạn văng vào trong hầm. Anh lập tức nằm đè lên quả lựu đạn, nhận sự hy sinh về mình để cứu sống sáu đồng đội trong hầm.

Là trung đội tự vệ 26 người, khu phố Tân An, thị xã Cao Bằng. Họ vốn là những người dân phố bình thường, khi giặc đến vội thu xếp việc nhà, cho người già và trẻ nhỏ sơ tán về phía sau, rồi tập hợp lên cao điểm ngay phía sau khu phố, nêu cao khẩu hiệu: "một tấc không đi, một ly không rời", phối hợp với bộ đội đánh lui nhiều đợt tấn công của quân xâm lược.

"Những bông hoa tháng hai" gồm 3 phần: Ở mặt trận Cao Bằng, Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc tháng 2.1979, Những bông hoa tháng hai. Trong đó, đáng chú ý có thể kể đến những tác phẩm phóng sự Ở mặt trận Cao Bằng ( từng đoạt Giải Nhì, Giải thưởng Hội Nhà báo Việt Nam năm 1979 do Tô Phương – Hà Đình Cẩn – Hoàng Huân thuộc Tổ phóng viên báo Quân đội Nhân dân lúc bấy giờ thực hiện).

Hầu như những tư liệu báo chí này không còn lưu giữ nguyên vẹn, nên đây có thể xem là tư liệu quý mà NXB Văn hóa – Văn giới thiệu, góp phần mang đến cho độc giả cơ hội tiếp cận những thông tin xác thực trước diễn biến của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc tháng 2/1979.