Nhớ cuộc trùng phùng sau 43 năm cách biệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc “gặp mặt” đặc biệt ở Cần Giuộc chất chứa bao buồn vui lẫn lộn. Một vali chỉ toàn hương trầm và đồ lễ mẹ tôi mang từ Hà Nội vào vẫn không đủ thắp hết trên các hàng mộ chí. Còn bao nhiêu các mẹ, các chị chưa tìm thấy con, thấy chồng? Hàng hoa sứ trắng muốt phía cuối nghĩa trang tỏa hương thanh khiết như an ủi, xoa dịu nỗi đau…
Đưa hài cốt Liệt sĩ Phạm Đình Thám về an nghỉ tại quê hương Hòa Xá, Ứng Hòa

Đưa hài cốt Liệt sĩ Phạm Đình Thám về an nghỉ tại quê hương Hòa Xá, Ứng Hòa

1. Tháng 7-2011, đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cũng là 44 năm ngày cha tôi nhập ngũ (27-7-1967 / 27-7-2011), cha mẹ tôi mới được “gặp nhau” ở một nơi đặc biệt - Nghĩa trang Liệt sĩ Cần Giuộc. Dáng mẹ lọt thỏm giữa hơn 2.000 ngôi mộ có tên và chưa có tên. Ngày 13-1-1968, tại Văn Miếu, mẹ tiễn cha vào chiến trường B2 và không ai nghĩ đó là cuộc chia ly đằng đẵng suốt 43 năm. Mẹ tôi gói lại bao nhớ thương, ngày lại ngày, một mình gồng gánh nuôi bà và chị em tôi. Tan ca về nhà, mẹ trồng rau, dọi mái nhà, sửa đồ gia dụng hàng ngày... cho chị em tôi đủ cơm ăn áo mặc, sách bút, học hành nên người. Em tôi chỉ biết mặt cha trên ảnh ban thờ và những câu chuyện mẹ kể, tóc cũng đã điểm bạc.

Cuộc “gặp mặt” đặc biệt ở Cần Giuộc chất chứa bao buồn vui lẫn lộn. Một vali chỉ toàn hương trầm và đồ lễ mẹ tôi mang từ Hà Nội vào vẫn không đủ thắp hết trên các hàng mộ chí. Còn bao nhiêu các mẹ, các chị chưa tìm thấy con, thấy chồng? Hàng hoa sứ trắng muốt phía cuối nghĩa trang tỏa hương thanh khiết như an ủi, xoa dịu nỗi đau. Liệt sĩ 16 xã của huyện Cần Giuộc và các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung quây quần bên nhau trên quê hương của cụ Đồ Chiểu khiến tôi nhớ ngày tra lại danh sách liệt sĩ ở Ban Chỉ huy Huyện đội Long An để tìm tên cha.

Một chồng vở học trò kẻ ô ly đã ố vàng, ghi họ tên, quê quán, ngày các anh hy sinh tại chiến trường miền Đông Nam bộ và Campuchia, nhiều nhất là cuối năm 1968 và 1969 khốc liệt, khi địch phản kích và truy đuổi, tìm diệt Quân Giải phóng sau chiến dịch Tổng tấn công toàn miền Nam Tết Mậu Thân… Đọc tên các anh ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… mà lòng nhói buốt. Ơn trời Phật, tổ tiên run rủi cho gia đình tôi đã tìm thấy đúng cha tôi nằm ở khu mộ của các liệt sĩ xã Phước Lâm sau khi có kết quả xét nghiệm ADN.

Trong màu nắng pha vị gió biển mặn mòi, buổi lễ trang trọng trên đài liệt sĩ có mặt đông đủ các anh phụ trách công tác thương binh - xã hội huyện Cần Giuộc và xã Phước Lâm. Ông Võ Văn Bực - Phó Hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã Phước Lâm, người đã tận tình giúp đỡ việc tìm kiếm cha tôi ở Cần Giuộc, không nén nổi xúc động nói: “Chị kể hành trình đi tìm anh từ Củ Chi, Châu Thành, Sông Bé… đến những nơi giáp biên giới Campuchia khiến chúng tôi rất cảm phục”. Rồi ông cũng không cầm được nước mắt. Mẹ tôi mắt đỏ hoe, nắm chặt tay ông Bực cảm ơn. Cha tôi nằm lại đất Cần Giuộc suốt từ mùa hè năm 1968 cho đến khi mẹ tôi tìm được là tròn 43 năm, lúc đó ông mới có tên trên bia mộ: Liệt sĩ Phạm Đình Thám; Đơn vị: D386; Quê quán: Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Tây (cũ).

Vợ chồng Liệt sĩ Phạm Đình Thám khi còn trẻ

Vợ chồng Liệt sĩ Phạm Đình Thám khi còn trẻ

2. Những cựu chiến binh của Cần Giuộc cũng như hàng triệu cựu chiến binh của đất Việt, tất cả mọi số phận, mọi đau khổ thời hậu chiến đều do chiến tranh xâm lược phi nghĩa gây ra. Không ai đo đếm được chiều sâu thăm thẳm của nỗi mất mát khôn cùng ấy. 100 chiến sĩ của Đại đội Nhà máy dệt 8-3 bổ sung cho chiến dịch Mậu Thân khi quay trở về chưa đủ một tiểu đội. Tôi đọc lại những câu thơ của cha tôi trong di cảo để lại:

“Xuân này ta tạm phải xa nhau

Để rồi hứa hẹn một xuân sau

Mùa xuân chiến thắng xuân thống nhất

Gia đình đoàn tụ thật huy hoàng”

Và cuộc gặp gỡ đặc biệt này như một sự an ủi, để rồi càng thấm thía hơn sự hy sinh thầm lặng của mẹ tôi cũng như của người phụ nữ Việt Nam trên dải đất chữ S này. Một thời máu lửa đã qua trong dòng sông thời gian không ngừng trôi, xoa dịu cõi lòng là nghĩa “Bắc - Nam như cội với cành”.

Hàng năm, vào những dịp lễ, Tết, khi thì tôi gọi điện vào hỏi thăm sức khỏe ông Bảy Bực và gia đình, khi thì ông lại gọi điện ra hỏi thăm sức khỏe mẹ tôi. Thấm thoắt đã 11 năm, gia đình và họ tộc đón cha tôi từ Nghĩa trang liệt sĩ Cần Giuộc về an nghỉ tại quê hương Hòa Xá, Ứng Hòa. Thắp nén hương trên Đài Liệt sĩ, tôi như nghe văng vẳng tiếng bà nội mỗi khi mong tin cha tôi: “Con chim có tổ, con người có cội rễ, quê hương. Không biết bao giờ cha cháu về với bà”. Cha cháu đã về rồi bà ơi…! Mẹ tôi, tóc đen nhức ngày cha đi, giờ bạc trắng như mây lặng lẽ thắp hương trên từng hàng mộ nghĩa trang liệt sĩ quê tôi.