Nhiều sản phẩm xuất khẩu không mang thương hiệu của doanh nghiệp nào

ANTĐ - Đây là thực trạng được PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh (Trường Đại học Thương mại) chỉ ra tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức sáng nay 13-7.

Nhiều sản phẩm xuất khẩu không mang thương hiệu của doanh nghiệp nào ảnh 1Nhiều sản phẩm chỉ được biết đến dưới tên gọi "sản phẩm của Việt Nam"

Theo các chuyên gia, hiện nay chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu diễn ra rất mạnh mẽ và chiến lược này không chỉ dừng lại ở cấp độ cạnh tranh của doanh nghiệp mà đã được đề cập tới ở mức độ cạnh tranh của một địa phương, một ngành hàng và thậm chí là cấp độ cạnh tranh của một quốc gia.

Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh chỉ ra một thực tế rằng, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu ra nước ngoài nhưng gần như lại không mang thương hiệu của một doanh nghiệp nào, từ cá tra cho tới quả vải thiều, từ gạo cho tới thanh long... đều dưới tên gọi "sản phẩm của Việt Nam".

Trong khi đó, rất khó để doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành một Cocacola, một Nokia trên thị trường thế giới. Vì vậy, cần tìm cách đưa sản phẩm Việt Nam trước hết được nhận diện là thương hiệu của Việt Nam.

“Làm sao để khách hàng vào bất kỳ một siêu thị nào, mua bất kỳ một chiếc áo sơ-mi mang thương hiệu quốc tế nào nhưng nhìn vào đó phải biết là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, từ đó tạo dựng hình ảnh cho đất nước Việt Nam”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, để xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt Nam thì trước hết cần gắn kểt Chương trình Thương hiệu quốc gia với việc xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch. Bởi các điểm đến du lịch góp phần gia tăng việc biết đến thương hiệu quốc gia rất nhanh. Khách du lịch tới Việt Nam được tiếp xúc, trải nghiệm với con người, với danh lam, thắng cảnh, với nhiều sản phẩm.

“Nhưng rất tiếc trong 63 thương hiệu đạt thương hiệu quốc gia năm 2014 mới chỉ có 2 thương hiệu liên quan tới du lịch. Mỗi địa phương cũng chưa thực sự nỗ lực hết mình trong việc tạo dựng thương hiệu cho các điểm đến du lịch”, ông Thịnh cho hay.

Vị chuyên gia này cũng chia sẻ trải nghiệm của bản thân rằng: “Tôi là người đi nhiều, mỗi lần tới một tỉnh nào tôi đều lên mạng tìm các món ngon đều khó vô cùng. Việc dễ làm nhất là giới thiệu về đặc sản của địa phương về điểm đến du lịch của địa phương thì các địa phương lại làm rất yếu”.

“Do đó, Chương trình Thương hiệu quốc gia cần hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực, trình độ và hỗ trợ để địa phương tạo dựng được thương hiệu cho các điểm đến du lịch”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần tạo niềm tin để người Việt Nam tin dùng sản phẩm của Việt Nam. Điều này chỉ thực hiện được khi các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia thực hiện đẩy đủ cam kết của mình với người tiêu dùng về uy tín, chất lượng của sản phẩm.

Thông tin thêm tại Diễn đàn, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những định hướng hoạt động “Chương trình Thương hiệu quốc gia” đến năm 2020 là xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể theo ngành hàng hoặc chỉ dẫn địa lý cho đặc sản địa phương có năng lực cạnh tranh xuất khẩu để xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành.